Nhân rộng chương trình doanh nghiệp cùng nông dân bảo vệ môi trường

Từ tháng 11/2021 Tập đoàn Lộc Trời đã tái khởi động chương trình 'Cùng nông dân bảo vệ môi trường' tại các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng ngoài đồng ruộng được bà con nông dân thu gom và cho vào các bao tải chuyên dụng trước khi được vận vận chuyển đi tiêu hủy tại Nhà máy Holcim - Kiên Giang. Ảnh: Công Mạo-TTXVN

Bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng ngoài đồng ruộng được bà con nông dân thu gom và cho vào các bao tải chuyên dụng trước khi được vận vận chuyển đi tiêu hủy tại Nhà máy Holcim - Kiên Giang. Ảnh: Công Mạo-TTXVN

Ngày 4/1, Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (Tập đoàn Lộc Trời) phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kiên Giang, An Giang, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức tổng kết giai đoạn 1 chương trình "Cùng nông dân bảo vệ môi trường" tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Nguyễn Hữu Tho, Phó Giám đốc điều hành Công ty TNHH Dịch vụ Nông nghiệp Lộc Trời (thành viên của Tập đoàn Lộc Trời) cho biết, chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường” do Cục Bảo vệ thực vật chủ trì, phối hợp với Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam và 22 Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam và Tập đoàn Lộc Trời thực hiện từ nhiều năm qua, nhằm nâng cao nhận thức của bà con nông dân về công tác bảo vệ môi trường.

Sau thời gian gián đoạn do ảnh hưởng dịch COVID-19, từ tháng 11/2021 Tập đoàn Lộc Trời đã tái khởi động chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường” tại các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong đó, giai đoạn 1 được Tập đoàn Lộc Trời cùng các đơn vị thành viên phối hợp với các hợp tác xã , tổ hợp tác đang liên kết sản xuất với Tập đoàn Lộc Trời trên địa bàn 5 tỉnh gồm Long An, Kiên Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu, An Giang để cùng bà con nông dân thu gom, xử lý vỏ bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật đã sử dụng đúng quy định, giúp môi trường sống vùng nông thôn thêm sạch đẹp.

Đồng thời, từng bước nâng cao ý thức bảo vệ an toàn cho sức khỏe của con người và môi trường sống, giúp nông thôn Việt nam luôn xanh, sạch và đáng sống.

Giai đoạn 1 từ tháng 11/2021 đến tháng 11/2022, đã có 24 hợp tác xã với gần 1.000 nông dân ở 5 tỉnh gồm Long An, Kiên Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu, An Giang tham gia; qua đó, bà con nông dân đã thu gom hàng chục tấn bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng ngoài đồng ruộng. Lượng bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật này được đem tiêu hủy tại Nhà máy Holcim - Kiên Giang.

Ngoài ra, thông qua chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường”, bà con nông dân được trang bị kiến thức về việc áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật như “ba giảm ba tăng”, “một phải năm giảm”, “công nghệ sinh thái” trồng hoa trên bờ ruộng, bờ vườn để dẫn dụ thiên địch, kiểm soát các loại sâu hại trên đồng ruộng, thiết lập sự cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng...

Từ đó, giảm đáng kể số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm chi phí đầu tư và nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người nông dân.

Là một trong những địa phương đầu tiên tham gia chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường”, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh An Giang Nguyễn Văn Hiền cho biết, chương trình mang lại nhiều hiệu quả thiết thực cho nền sản xuất nông nghiệp của tỉnh An Giang.

Qua quá trình triển khai thực hiện, đa số bà nông dân đều nhận thức được tầm quan trọng của việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tiết kiệm, an toàn, hiệu quả và thu gom chai, lọ, bao, gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng để đúng nơi quy định, góp phần trong việc bảo vệ môi trường nói chung và môi trường trong sản xuất nông nghiệp nói riêng.

Ông Lê Văn Đá, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh Kiên Giang cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 700.000 ha diện tích sản xuất lúa và khoảng 30.000 ha cây ăn trái, hoa màu/năm.

Vì vậy, lượng bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật rất lớn. Hàng năm, nguồn kinh phí để thực hiện thu gom rác thải nhựa, vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật và xây dựng hố chứa trong toàn tỉnh là 200 triệu đồng. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 414 hố và đang xây thêm 100 hố chứa rác thải bao bì, vỏ chai bảo vệ thực vật.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh An Giang Nguyễn Văn Hiền, thời gian tới, với vai trò dẫn dắt và khuyến khích sự tham gia của Tập đoàn Lộc Trời; với sự chung tay hỗ trợ và hưởng ứng của nhiều doanh nghiệp kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật; sự đồng hành của các sở, ngành, chính quyền địa phương, bà con nông dân ở các hợp tác xã, tổ hợp tác,… chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường” sẽ ngày càng được nhân rộng và lan tỏa ra toàn tỉnh An Giang nói riêng, vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, góp phần bảo vệ sức khỏe con người và môi trường sống an toàn, xanh – sạch cho vùng nông thôn.

Điều này không chỉ tạo điều kiện để xây dựng vùng nông sản an toàn, bền vững mà còn giúp xây dựng và nâng tầm giá trị nông sản cũng như du lịch của địa phương./.

Lê Sen- Công Mạo/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nhan-rong-chuong-trinh-doanh-nghiep-cung-nong-dan-bao-ve-moi-truong/276043.html