Nhân rộng những mô hình hay trong xây dựng 'đô thị văn minh' ở Thanh Xuân
'Những mô hình, điển hình tiêu biểu tại các địa bàn dân cư ở quận Thanh Xuân hưởng ứng CVĐ 'Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh' được cộng đồng đánh giá cao, người dân ghi nhận, mang tính bền vững, có thể nhân rộng ở các quận, huyện khác...'
Đó là khẳng định của Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương trong phát biểu chỉ đạo tại cuộc làm việc của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP với Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Thanh Xuân về tình hình triển khai thực hiện chương trình công tác năm 2023, diễn ra hôm nay, 4/4.
Dự buổi làm việc có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Quận ủy Thanh Xuân Bùi Huyền Mai; các Phó Chủ tịch và lãnh đạo các ban, Văn phòng Ủy ban MTTQ Việt Nam TP; lãnh đạo quận Thanh Xuân.
Xây dựng “đô thị văn minh” từ những mô hình cụ thể
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Thanh Xuân Khổng Minh Thảo cho hay, trong thời gian qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận và cơ sở đã chủ động, kịp thời xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác; thực hiện hiệu quả công tác phối hợp với Thường trực HĐND-UBND quận; phối hợp HĐND và các tổ chức thành viên để giám sát, phát huy vai trò MTTQ tham gia công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền đạt hiệu quả thiết thực.
Hệ thống MTTQ từ quận đến cơ sở và các tổ chức thành viên tập trung tuyên truyền vận động Nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước, hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động (CVĐ); nhất là công tác phòng chống dịch và vận động ủng hộ các Quỹ “Vì biển, đảo Việt Nam”, “Vì người nghèo” đạt kết quả cao...
Đặc biệt, chú trọng triển khai xây dựng và thực hiện những mô hình, chuyên đề mới trong thực hiện nhiệm vụ công tác, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ quận đã sớm xây dựng Kế hoạch 08/KH-MTTQ-BTT ngày 14/2/2023 về duy trì, nhân rộng, xây dựng mới các mô hình điển hình tiêu biểu và xây dựng các tổ tự quản thực hiện các mô hình theo 5 nội dung CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” năm 2023; hướng dẫn các phường Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân Nam xây dựng các mô hình “Phát huy dân chủ trong GPMB đường Nguyễn Tuân”, “Phát huy dân chủ trong GPMB di tích lịch sử gò Đống Thây”, “Phát huy dân chủ trong GPMB đường vào 3 trường học Thanh Xuân Nam”.
“Đây là những mô hình mới được xây dựng năm nay nhằm tuyên truyền vận động, công khai minh bạch, phát huy dân chủ trong công tác GPMB các công trình trọng điểm trên địa bàn quận”- ông Khổng Minh Thảo chia sẻ.
Cùng đó, bám sát 5 nội dung của CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, toàn quận tiếp tục duy trì 86 mô hình, điển hình tiêu biểu, như: “Con đường bích họa trong TTVMĐT”; “Mỗi gia đình một bình cứu hỏa”; “Khu dân cư không có tụ điểm rác, chân rác, quảng cáo rao vặt”; “Đường, ngõ, hộ gia đình không rác với tiêu chí 1 đúng, 2 không, 2 thấy”; “Đoàn kết xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ”; “Lắp camera giám sát an ninh và VSMT trên địa bàn khu dân cư Ninh Mỹ”; “Ngõ phố nở hoa tại ngõ 1 và 55 Ngụy Như Kon Tum”... Đồng thời, duy trì, nhân rộng thực hiện 145 tổ tự quản ở 145 khu dân cư, tổ dân phố (TDP).
“Các mô hình này là sản phẩm kết tinh từ phong trào thi đua thực hiện CVĐ đã thể hiện mối quan hệ gắn bó khăng khít với mô hình dân vận khéo, dân vận chính quyền, mô hình “TDP văn hóa 5 không” đang được triển khai trên địa bàn quận và phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, tích cực xây dựng các tiêu chí “đô thị văn minh” đã và đang góp phần xây dựng bộ mặt đô thị trên địa bàn ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp, văn minh, hiện đại”- ông Khổng Minh Thảo khẳng định.
Mặc dù vậy, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Thanh Xuân kiến nghị, cấp có thẩm quyền cần bổ sung quy định cụ thể hơn về trách nhiệm, quyền hạn của MTTQ các cấp nhất là ở cấp quận, phường cho phù hợp thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị hiện nay. Các TDP sau sáp nhập với số hộ dân trong mỗi tổ lớn, địa bàn TDP rộng, trong khi thực hiện chính quyền đô thị không tổ chức HĐND cấp phường, nên vai trò giám sát của MTTQ phường và trách nhiệm của cán bộ Mặt trận tăng lên. Vì vậy đề nghị cấp có thẩm quyền nghiên cứu bổ sung kinh phí hoạt động cho MTTQ phường và phụ cấp của Phó Chủ tịch MTTQ phường, Trưởng ban TTND, Phó trưởng ban CTMT...
Đồng thuận xã hội bắt đầu từ thực hiện dân chủ ở cơ sở
Thay mặt lãnh đạo quận Thanh Xuân tiếp thu các ý kiến từ Ban Thường trực Ủy ban MTTQ TP, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Thanh Xuân Nguyễn Minh Tiến khẳng định, trên cơ sở kế hoạch công tác năm 2023 của MTTQ TP và của Quận ủy, MTTQ Việt Nam quận đã cụ thể hóa bằng các kế hoạch, chương trình công tác chi tiết. Từ đó, tổ chức triển khai trong Ủy ban MTTQ quận, ký kết thi đua với riêng các thành viên CT-XH và riêng các tổ chức đoàn thể; phối hợp cơ chế vận hành với MTTQ, HĐND, chính quyền để tổ chức triển khai; cùng hệ thống cấp ủy, chính quyền củng cố mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, tạo đồng thuận của xã hội, thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của quận.
Kết luận cuộc làm việc, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương đánh giá cao kết quả công tác thi đua của MTTQ quận Thanh Xuân, đã tiến bộ dần qua các năm. Đặc biệt, 86 mô hình, điển hình tiêu biểu và 145 tổ tự quản ở khu dân cư, TDP tại Thanh Xuân hưởng ứng CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được xây dựng, triển khai bám sát tiêu chí rõ ràng; kết quả đạt được cộng đồng ghi nhận, có tính bền vững, cho thấy có thể nhân rộng triển khai ở các địa bàn quận, huyện khác.
Đáng chú ý năm nay, quận đã triển khai một số mô hình mới theo đúng tinh thần lãnh đạo của cấp ủy là thực hiện dân chủ trong công tác GPMB. “Khi đã có sự lãnh đạo sát sao của Quận ủy, có tên tuổi và địa chỉ cụ thể, những mô hình này cần được tiếp tục quyết tâm thực hiện thật tốt”- bà Nguyễn Lan Hương nhấn mạnh.
Khẳng định sẽ đề xuất TP xem xét những kiến nghị của MTTQ quận Thanh Xuân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đề nghị lãnh đạo quận tiếp tục tạo điều kiện cho MTTQ quận trên tinh thần bám sát nhiệm vụ chính trị của quận và chỉ đạo, hướng dẫn của MTTQ TP. Trong đó, triển khai nhiệm vụ công tác Mặt trận theo đúng kế hoạch đã được cấp ủy phê duyệt, thể hiện đầy đủ đặc thù của quận. Với nhiệm vụ mang tính thường xuyên, định kỳ, cần chọn nội dung công việc để thực hiện, tránh dàn trải mà không để lại ấn tượng gì.
“Chúng ta không bỏ sót công việc nhưng phải có ưu tiên xếp thứ tự, có trọng tâm trọng điểm. Trong đó, giám sát phản biện đảm bảo số lượng cuộc giám sát nhưng quan trọng hơn là chất lượng, đỏi hỏi sự mạnh mẽ, bản lĩnh và trung thực của đội ngũ cán bộ Mặt trận khi chọn vấn đề để giám sát, phản biện. Công tác này cần được rà soát lại cho đúng về quy trình, quy chế, chất lượng. Đặc biệt, với một việc khó chính là giám sát cán bộ, đảng viên, người đứng đầu trực tiếp tham gia phòng chống tham nhũng, lãng phí, cán bộ Mặt trận chưa làm được nhiều, nhưng không có nghĩa là khó mà mãi mãi không làm, sẽ không thể tạo ra được kinh nghiệm cho thời gian tiếp, nên từ MTTQ TP đến MTTQ các quận cần quyết tâm làm”- bà Nguyễn Lan Hương nêu rõ.
Cùng đó, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP đề nghị MTTQ quận Thanh Xuân quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ Mặt trận từ quận đến phường cũng như chuẩn bị tốt các công tác nội dung văn kiện, tuyên truyền, hậu cần... để chuẩn bị cho Đại hội MTTQ các cấp tiến tới Đại hội MTTQ TP lần thứ 18; quan tâm hội nghị của Ban CTMT tại các khu dân cư.
Đặc biệt, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP khẳng định, mọi công việc của Mặt trận phải hướng tới mục tiêu xây dựng sự đồng thuận trong xã hội, với phương châm "đồng thuận xã hội bắt đầu từ thực hiện dân chủ ở cơ sở". MTTQ các cấp tại quận cần làm tốt vai trò cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền với Nhân dân; tham mưu tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân, nhất là thực hiện thật tốt đối thoại theo chuyên đề theo các đối tượng mà những năm qua quận đã làm rất tốt; cơ sở giải quyết tốt bức xúc ngay từ cấp mình, không để phát sinh thành điểm nóng, chứ không chờ hỗ trợ của quận hay TP.