Nhân sự Việt ở Big Tech Singapore: 'Làn sóng sa thải được báo trước'

Trước xu hướng các công ty cắt giảm nhân sự, Lucas Trần (32 tuổi) cho rằng dù ai cũng có thể bị thay thế, ngành Công nghệ chắc chắn không đánh mất sức hấp dẫn.

Năm 2022 là năm chứng kiến hàng chục nghìn lao động làm việc ở lĩnh vực Công nghệ trên thế giới đột ngột mất việc, thành người thất nghiệp khi những "ông lớn" trong ngành như Meta, Amazon, Microsoft nhiều lần đưa ra quyết định sa thải hàng loạt một cách chóng vánh.

Tại Singapore, tập đoàn Sea Limited đã sa thải hơn 7.000 nhân viên, tương đương 10% lực lượng, chỉ trong vòng 6 tháng, theo Nikkei Asia Review. Kể từ khi Elon Musk tiếp quản Twitter và tiến hành cuộc "thanh lọc nhân sự", các nhân viên công ty làm ở văn phòng Singapore cũng sớm nhận được email cho nghỉ việc.

Đảo quốc sư tử vốn là nơi tập trung các trụ sở, chi nhánh khu vực Đông Nam Á của nhiều công ty, start-up lớn ở châu Á và quốc tế, thu hút đông nhân viên ngành Công nghệ đến làm việc nhờ mức lương cao top đầu và nhiều cơ hội hấp dẫn.

Zing có cuộc trò chuyện với 4 người Việt đang làm việc tại các tập đoàn, công ty hoặc nền tảng thương mại điện tử lớn ở Singapore để hiểu thêm về làn sóng sa thải từ góc nhìn người trong cuộc.

Nhìn thấy từ trước

Với Lucas Trần (32 tuổi), người có hơn 4 năm làm việc trong ngành Công nghệ ở Singapore, làn sóng sa thải của các Big Tech diễn ra đột ngột, nhưng không quá bất ngờ. Theo anh, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến điều này.

Đầu tiên, mỗi năm, ngành công nghệ luôn có những đổi mới kinh doanh, tức là tạo ra dòng tiền mới và cần nguồn nhân lực mới.

Tuy nhiên, sau khi xây dựng dịch vụ/sản phẩm trong một thời gian mà không tạo ra doanh thu, động thái đầu tiên sẽ là cắt bỏ dòng đầu tư này.

 Lucas Trần có hơn 4 năm làm việc trong ngành Công nghệ ở Singapore.

Lucas Trần có hơn 4 năm làm việc trong ngành Công nghệ ở Singapore.

Thứ hai, nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, nhiều nhân viên ở lại với công ty lâu hơn.

“Ví dụ, sau khoảng 2 năm làm việc, người lao động có thể chuyển đổi ở năm thứ 3. Với tỷ lệ thôi việc này, doanh nghiệp cần tuyển thêm nhân sự để bù vào.

Tuy nhiên, với tình hình địa chính trị không ổn định, người cũ nghỉ ít, số lượng người mới lại vượt quá nhu cầu dẫn đến chi phí dành cho hoạt động tăng lên. Trong khi đó, dòng đầu tư mang lại doanh thu không có. Việc cắt giảm một phần nhân sự được dự đoán trước đó”, anh giải thích.

Cuối cùng, là nhân sự theo hợp đồng có thời hạn. Nhóm này được tuyển liên tục trong giai đoạn Covid-19 để thử nghiệm dịch vụ và chạy sản phẩm mới, nhưng không thành công. Họ đa phần được ký kết bằng hợp đồng 1-2 năm hoặc trả lương theo giờ.

Dù vậy, điều đó không có nghĩa là những nhân sự có hợp đồng làm việc toàn thời gian đứng ngoài làn sóng sa thải.

Thời gian qua, một số bạn bè của Lucas làm trong các Big Tech chi nhánh Singapore cũng gặp trường hợp bị thôi việc đột ngột. Họ có thể nhận được khoản bồi thường 3 hoặc 6 tháng tiền lương, tùy vào chế độ của mỗi công ty.

“Phản ứng chung đều là bất ngờ. Với những ai còn độc thân, họ dễ xoay xở hơn vì thu nhập chỉ ảnh hưởng một mình. Nhưng với người là trụ cột gia đình, thậm chí đưa cả vợ và con cái qua nước ngoài, mất việc một cách chóng vánh như vậy gây không ít khó khăn”, anh cho biết.

“Hiện tại, tôi vẫn chưa thấy phản ứng nào hiệu quả trong tình huống này. Có chăng chỉ là nhanh chóng tìm công việc mới thay thế”, anh nói thêm.

Còn với Đăng Dương (27 tuổi), anh khá băn khoăn khi nghe tin tức nhân sự Công nghệ quanh mình bị cho thôi việc xuất hiện ồ ạt. Song, anh cũng nhận thấy trong 2 năm vừa qua, các công ty công nghệ nói chung tăng tốc tuyển người quá nhanh. Việc có được công việc với mức thu nhập tốt là khá dễ dàng, bất kể trình độ.

Sau giai đoạn phát triển quá nóng, cộng với tình hình kinh tế chung, việc các doanh nghiệp này cần cắt giảm chi phí, cụ thể hơn là cắt giảm nhân sự, là khó tránh khỏi.

Độ cạnh tranh tăng cao

Thường xuyên theo dõi tin tức, H.Tuấn (24 tuổi) không sốc hay ngạc nhiên trước việc một loạt "ông lớn" thẳng tay cắt giảm lao động.

Dù ví động thái này giống với cách “thị trường tự cân bằng lại”, anh không phủ nhận chúng dễ “phủ bóng đen” lên lĩnh vực của mình trong một vài năm tới.

Rời Việt Nam từ giữa năm 2022, Tuấn không quá bận tâm đến những biến động của ngành khi đó. Quyết định ra nước ngoài đơn thuần xuất phát từ nhu cầu nhảy việc, tích lũy kinh nghiệm ở môi trường mới.

 Sau khi Elon Musk tiếp quản Twitter, hàng nghìn nhân viên mất việc làm một cách đột ngột. Ảnh: Tech Central.

Sau khi Elon Musk tiếp quản Twitter, hàng nghìn nhân viên mất việc làm một cách đột ngột. Ảnh: Tech Central.

Ở chỗ làm mới, anh háo hức vì có thêm cơ hội thử thách bản thân, đồng thời chưa muốn dừng ở vị trí hiện tại, mà muốn "lên một level cao hơn" hoặc trải nghiệm thêm một số doanh nghiệp khác về công nghệ ở Singapore.

Thế nhưng, bối cảnh thị trường lao động vào lúc này ít nhiều ảnh hưởng tới mong muốn đó.

Một mặt, độ cạnh tranh khi tìm việc gay gắt thêm bởi nhiều người cùng đua tranh vào một vị trí. Mặt khác, với nguồn ứng viên dư thừa, các công ty có nhiều lựa chọn hơn, dẫn tới lợi thế, vị trí bản thân trong lúc thỏa thuận về lương, công việc mới có khả năng bị sụt giảm.

Song, Tuấn nhấn mạnh những băn khoăn mới chỉ dừng ở mức để anh lưu tâm và cân nhắc, không phải gánh nặng hay áp lực lớn ở thời điểm hiện tại.

"Cảm giác hoang mang chỉ thoáng qua khi tôi chứng kiến một đồng nghiệp bị sa thải đột ngột. Về cơ bản, có lo lắng cũng không giải quyết được những vấn đề không thuộc quyền kiểm soát của mình", anh cho hay.

Thất nghiệp không phải nỗi lo lớn nhất

Với Đăng Dương, nhu cầu về nhân sự công nghệ giảm nhưng vẫn ở mức cao, đặc biệt là người có trình độ. Khi kỹ năng và kiến thức tốt, người lao động không cần quá lo lắng về việc bị sa thải.

Dương khẳng định không có sự “bấp bênh” trong ngành Công nghệ bây giờ. Ngoài ra, trong số nhân sự bị sa thải khỏi các công ty công nghệ, lượng kỹ sư chiếm tỷ trọng không lớn.

Hiện tại, điều khiến Dương bận tâm là các khoản lương, thưởng có thể ít hơn so với trước.

“Dù vẫn làm việc bình thường, tôi và nhiều đồng nghiệp đều ý thức được rằng tình hình hiện giờ khó khăn hơn trước. Tôi biết một số trường hợp thuộc diện cắt giảm, nhưng đa phần đều tìm được công việc mới khá nhanh chóng chứ không quá khó khăn”, Dương nói.

 Nhiều công ty công nghệ có xu hướng sa thải nhân viên trong năm qua, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Ảnh: BI.

Nhiều công ty công nghệ có xu hướng sa thải nhân viên trong năm qua, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Ảnh: BI.

Theo Dương, để không rơi vào thế bị động, nhân sự ngành công nghệ cần thực tế hơn, thay vì mơ mộng màu hồng như trước đây.

Từ đó, mỗi cá nhân có thể đưa ra những phương án dự phòng cho mình, về cả tài chính lẫn công việc, để nếu bị cắt giảm cũng có thời gian và tâm trí cho khởi đầu mới.

Tương tự, H.Tuấn cho rằng các "anh em" trong ngành không ở trong trạng thái sợ sệt, mà mang tâm thế sẵn sàng đề phòng cho tình huống xấu.

“Cơ hội việc làm vẫn dồi dào, nhưng điều mọi người quan tâm hơn là chỗ làm mới có đáp ứng đủ kỳ vọng về thu nhập, đãi ngộ, vị trí công việc hay khả năng thăng tiến hay không”, anh chia sẻ.

Chàng trai cũng xác định trước công việc khó hoàn toàn ổn định trong 1-2 năm tới, từ đó vạch trước kế hoạch dự phòng trong trường hợp mọi thứ không như ý muốn.

Trước đó, anh chưa có ý định quan tâm đến chính sách cho nghỉ việc hay quy định dành cho lao động nước ngoài ở nước sở tại. Tuy nhiên, khi làn sóng sa thải diễn ra, Tuấn bắt đầu tìm hiểu thêm về mặt pháp lý, như một bước chuẩn bị cho bản thân.

Mong chờ 'cơn bão' sớm tan

Trước khi sang Singapore làm việc từ đầu năm 2022, Nam Nguyễn (25 tuổi) có biết đến những thay đổi theo chiều hướng xấu diễn ra trong nền kinh tế Mỹ và thế giới.

Tuy vậy, anh không nghĩ tác động của nó đến ngành Công nghệ lại mạnh mẽ tới vậy.

 Nam Nguyễn sang Singapore làm việc từ đầu năm 2022. Ảnh: NVCC.

Nam Nguyễn sang Singapore làm việc từ đầu năm 2022. Ảnh: NVCC.

Mặt khác, Nam cũng đồng tình với nhận định rằng "cú trượt" của ngành chỉ mang tính tạm thời.

Tương lai, công nghệ vẫn có nhiều "đất" giúp ích cho vận hành doanh nghiệp và cuộc sống người tiêu dùng, vì vậy tiềm năng còn rất rộng mở.

“Tôi thấy bạn bè xung quanh có tâm lý lo lắng, nhưng khi hiểu được về xu hướng và dự báo về nền kinh tế thì mọi người vẫn hy vọng ‘cơn bão’ này sẽ sớm tan".

Về phía cá nhân, Nam tiếp tục dành thời gian cải thiện kỹ năng cứng và mềm, học thêm "kiến thức ngành" về các sản phẩm công nghệ có nhiều ứng dụng tới đời sống.

"Đặc trưng của ngành Công nghệ là luôn cải tiến và thay đổi nhanh chóng, do đó cần duy trì học hỏi thường xuyên nhằm không bị tụt lại phía sau. Tôi coi đây mới là những giá trị đi cùng xuyên suốt sự nghiệp và khó bị lung lay bởi giai đoạn ảm đạm hiện giờ", anh bày tỏ.

Thiên Nhi - Trà My

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhan-su-viet-o-big-tech-singapore-lan-song-sa-thai-duoc-bao-truoc-post1380360.html