Nhân viên y tế Osaka kiệt sức trong bệnh viện, muốn hủy Olympic Tokyo

Các bệnh viện ở Osaka, thành phố lớn thứ hai Nhật Bản, đang chịu sức ép nặng nề trước làn sóng COVID-19 mới.

Người dân chờ tại trung tâm xét nghiệm COVID-19 ở Osaka. Ảnh: Getty Images

Người dân chờ tại trung tâm xét nghiệm COVID-19 ở Osaka. Ảnh: Getty Images

Theo kênh CNBC, tình trạng hết giường bệnh và máy thở, bác sĩ làm việc tới kiệt sức cho thấy hệ thống y tế Osaka đang đứng trước nguy cơ sụp đổ.

Trong tháng 5, thành phố 9 triệu dân này chiếm 1/3 tổng số ca tử vong vì COVID-19 hàng ngày của cả nước, mặc dù dân số chỉ chiếm 7%.

Hệ thống y tế ở Osaka nhanh chóng quá tải trong làn sóng dịch bệnh thứ tư. Điều này cho thấy những thách thức lớn khi Nhật Bản định tổ chức Olympic sau hai tháng nữa, đặc biệt là khi chỉ có một nửa nhân viên y tế Nhật Bản đã hoàn thành tiêm chủng vaccine COVID-19.

Ông Yuji Tohda, Giám đốc Bệnh viện Đại học Kindai ở Osaka, nói: “Nói đơn giản, hệ thống y tế sụp đổ. Biến thể Anh lây lan nhanh và người dân mất cảnh giác khiến số bệnh nhân tăng mạnh”.

Nhật Bản từng tránh được tình cảnh mà các nước khác phải trải qua, nhưng làn sóng dịch bệnh thứ tư đã ập tới tỉnh Osaka như cơn bão. Tỉnh này ghi nhận 3.849 ca mắc mới trong tuần tính tới ngày 20/5. Con số này tăng gấp 5 lần so với cùng giai đoạn cách đây ba tháng.

Chỉ 14% trong số 13.770 bệnh nhân COVID-19 của tỉnh được nhập viện, khiến đa số bệnh nhân còn lại phải tự chống chọi. Tỷ lệ người được nhập viện ở thủ đô Tokyo là 37%.

Ủy ban cố vấn của chính phủ Nhật Bản cho rằng tỷ lệ người được nhập viện dưới 25% là điều kiện để cân nhắc áp đặt tình trạng khẩn cấp.

Tính tới 20/5, 96% trong số 348 giường bệnh mà Osaka để dành cho bệnh nhân COVID-19 nặng đã kín chỗ. Từ tháng 3, tỉnh Osaka có 17 người đã tử vong vì COVID-19 ngoài bệnh viện.

Ông Toshiaki Minami, Giám đốc Bệnh viện Đại học Dược và Y khoa Osaka (OMPUH) cho biết biến thể Anh có thể khiến ngay cả người trẻ cũng có chuyển biến bệnh tình theo hướng xấu rất nhanh. Ông nói: “Tôi cho rằng tới tận bây giờ, nhiều người trẻ vẫn nghĩ họ bất khả chiến bại. Nhưng thời điểm này thì không như vậy. Ai cũng có rủi ro như nhau”.

Theo ông Minami, một nhà cung cấp của OMPUH cho biết sắp hết propofol, một loại thuốc quan trọng dùng cho bệnh nhân phải thở máy. Bệnh viện PMPUH cũng đang thiếu máy thở cho bệnh nhân COVID-19 nặng.

Trong khi đó, chăm sóc bệnh nhân nặng và phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm từ họ đã khiến các nhân viên y tế kiệt sức. Bà Satsuki Nakayama, trưởng khoa điều dưỡng tại OMPUH cho biết có một số nhân viên làm việc trong phòng chăm sóc đặc biệt cho biết họ đã tới giới hạn chịu đựng.

Khoảng 500 bác sĩ và 950 y tá đang làm việc tại OMPUH, nơi có 832 giường bệnh. 10 trong số 16 giường chăm sóc đặc biệt đã được dùng cho bệnh nhân COVID-19. 20 trong số 140 bệnh nhân nặng mà OMPUH tiếp nhận đã tử vong.

Ông Yasunori Komatsu, lãnh đạo nghiệp đoàn nhân viên chính phủ khu vực, cho biết tình hình cũng rất u ám đối với y tá tại các trung tâm y tế địa phương. Ông nói: “Một số người làm thêm giờ tới 100, 150, 200 tiếng và đã kéo dài suốt cả năm rồi. Khi trực ca, thỉnh thoảng họ về nhà lúc 1 hay 2 giờ sáng, ngủ một chút rồi lại bị cuộc gọi điện đánh thức lúc 3 hay 4 giờ sáng”.

Nhân viên y tế chứng kiến những gì mà Osaka phải trải qua trong làn sóng dịch bệnh mới đang có quan điểm tiêu cực về việc tổ chức Olympic, dự kiến diễn ra từ 23/7 đến 8/8.

Akira Takasau, trưởng khoa cấp cứu tại OMPUH, cho rằng nên ngừng tổ chức Olympic, vì Nhật Bản đã không thể ngăn chặn biến thể mới từ Anh, sắp tới có thể là làn sóng biến thể Ấn Độ - mà theo Tổ chức Y tế Thế giới là có thể lây lan dễ dàng hơn. Ông nói: “Trong Olympic, 70.000 tới 80.000 vận động viên và người liên quan khắp thế giới sẽ tới Nhật Bản. Điều này có thể kích hoạt thảm họa trong mùa hè”.

Tính tới 24/5, Nhật Bản ghi nhận 174.214 ca mắc, trong đó 12.236 ca tử vong.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/nhan-vien-y-te-osaka-kiet-suc-trong-benh-vien-muon-huy-olympic-tokyo-20210524171357522.htm