Nhanh chóng hoàn thiện dự thảo để trình Quốc hội xem xét, thông qua

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội XIV, sáng ngày 12/6, bên cạnh công tác nhân sự, Quốc hội sẽ tập trung thảo luận về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.

Tại buổi thảo luận về Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Hà Nội, cơ bản các ý kiến đại biểu tán thành việc ban hành Nghị quyết nhằm phát triển thu đô nhanh bền vững, khẳng định vai trò đầu tàu của thành phố. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng, những cơ chế đặc thù đang được Hà Nội đề xuất còn hẹp hơn với những đề xuất cơ chế đặc thù của TP Hồ Chí Minh trước đó, cần đột phá hơn. Bên cạnh đó, đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội phát biểu tại hội trường bày tỏ sự thống nhất cao với việc xây dựng và ban hành Nghị quyết; cho rằng nghị quyết được thông qua sẽ góp phần tăng nguồn lực, quyền chủ động trong việc quyết định, sử dụng ngân sách để thực hiện đạt kết quả cao nhất các mục tiêu phát triển Thủ đô trong điều kiện mới.

Quốc hội thảo luận về Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Hà Nội sáng 12/6

Quốc hội thảo luận về Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Hà Nội sáng 12/6

Phân tích về tính cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Hà Nội, đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn đại biểu Hà Nội cho rằng, trong 9 cơ chế tại dự thảo Nghị quyết của Hà Nội, thì đã có 7 cơ chế đã được thông qua và áp dụng đối với TP Hồ Chí Minh và 7 cơ chế này đang được thực hiện rất tốt, do đó, không có lý do gì không áp dụng với Thủ đô.

Đề cập đến 2 cơ chế còn lại trong dự thảo, theo đại biểu Hoàng Văn Cường, thành phố đề xuất sử dụng chi thường xuyên còn dư dôi để phát triển hạ tầng. Điều này là phù hợp. Trong đó, thành phố cũng đề xuất sử dụng ngân sách thành phố hỗ trợ cho các địa phương khác gặp khó khăn, đây là tinh thần cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước nên không có lý gì để không đồng tình. “Nếu Hà Nội cũng được áp dụng tự xác định phí, lệ phí thì Thủ đô sẽ phát triển dịch vụ công, sẽ có những khu vực hạ tầng và cảnh quan đẹp như các khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Ciputra hay Ecopark”, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh. Về đề xuất thành phố Hà Nội được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất, đại biểu đoàn Hà Nội cho rằng, thực chất khoản thu này dành đến 70% để trang trải di dời đầu tư xây dựng cho chuyển đổi, trong khi đó với 30% còn lại, thì chỉ dành cho địa phương 15%, đồng thời thúc đẩy chuyển dịch cơ sở sử dụng tài sản đất đai không hiệu quả hoặc là các đơn vị sử dụng các vị trí “đắc địa” thì có thể dễ dàng hơn trong việc chuyển đổi thành các hoạt động có hiệu quả.

Về đề xuất Hà Nội được hưởng toàn bộ số thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, hoặc sắp xếp lại vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp do Ủy ban nhân dân Thành phố làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, thực chất nguồn thu về vốn và các nguồn thu khác từ các dịch vụ này trong cổ phần hóa thuộc ngân sách địa phương quản lý. Ở đây chỉ khác một điều là, những giá trị không thuộc vốn nhà nước Hà Nội đang xin đưa vào như giá trị thương hiệu,…Điều này sẽ khuyến khích địa phương làm thế nào để đổi mới hoạt động doanh nghiệp, cổ phần hóa cao hơn. Liên quan đến cơ chế xin tạm ứng quỹ dự trữ tài chính, đại biểu đoàn Hà Nội cho rằng, cơ chế này là phù hợp. So sánh với TP Hồ Chí Minh thì địa phương này cũng đã đề xuất vay triển khai dự án từ lâu. Việc kéo dài thời gian vay từ 12 lên 36 tháng của Hà Nội cũng sẽ đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn vốn này. Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Văn Cường cũng băn khoăn, so với Nghị quyết 54 của TP Hồ Chí Minh, Hà Nội còn đang xin cơ chế hẹp hơn, ví dụ như TP Hồ Chí Minh còn xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ 10ha trở lên còn Hà Nội thì không. Nhưng đây cũng là dễ hiểu khi Hà Nội còn có Luật Thủ đô.

Thảo luận về một số cơ chế thù đối với Hà Nội, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn đại biểu Bến Tre) cho rằng, đề xuất cơ chế là quan trọng, song Hà Nội cũng cần quan tâm hơn nữa trong huy động và phát huy nguồn lực, tiềm lực; phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền và sự phấn đấu của người dân trong thúc đẩy phát triển mọi mặt kinh tế-xã hội của Hà Nội. Đại biểu cũng bày tỏ sự băn khoăn về việc tăng thêm các khoản thu phí và lệ phí, đề nghị có những đánh giá đầy đủ về những tác động của của việc này… Liên quan đến các khoản thu phí và lệ phí cho Hà Nội, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Đoàn đại biểu Ninh Thuận) cho rằng, nên giao quyền cho Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quyết định mức phí, lệ phí, bỏ mức trần tăng thu phí, lệ phí. Tuy nhiên cần lưu ý đến đến sự đồng thuận của người dân.

“Điều này là phù hợp, nhiều nước đã làm. Ví dụ như phí đỗ xe nhiều nước cũng quy định cao khu vực trung tâm, các địa phương lân cận xa trung tâm mức phí thấp hoặc miễn phí. Nếu trung tâm thành phố mà cái gì cũng miễn phí thì ai tội gì đi xa. Đây cũng là tạo cơ chế thu hút cho các khu đô thị xung quanh thành phố”, Đại biểu nhấn mạnh. Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cũng cho rằng, Hà Nội là địa phương duy nhất có Luật Thủ đô từ năm 2012, có hiệu lực từ năm 2013, song đến nay hầu như các quy định trong luật đã không còn phù hợp. Năm 2017, Hà Nội cũng kiến nghị ban hành Nghị định 63 cũng là một khối cơ chế chính sách đặc thù cho Thủ đô song cơ chế đó cũng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của Hà Nội…do đó, đại biểu nhất trí với việc ban hành Nghị quyết thí điểm cơ chế đặc thù cho Thủ đô...

Phát biểu kế thúc thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị các cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo Nghị quyết tiếp thu đầy đủ các ý kiến phát biểu, hoàn thiện dự thảo để trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Đỗ Đạt

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nhanh-chong-hoan-thien-du-thao-de-trinh-quoc-hoi-xem-xet-thong-qua-109310.html