Nhanh chóng tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế

Thảo luận tại hội trường sáng 28.10 về kết quả giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội, Phó trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc cho rằng, cần phải tiếp tục nghiên cứu các giải pháp để nhanh chóng tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế và xử lý dứt điểm các dự án bất động sản gặp khó khăn, vướng mắc pháp lý, đình trệ do quá trình triển khai thực hiện kéo dài.

Nhiều tồn tại, vướng mắc về quản lý thị trường bất động sản, nhà ở xã hội

Qua nghiên cứu báo cáo giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”, ĐBQH Đặng Bích Ngọc nhận thấy, nhiều chính sách, pháp luật quản lý thị trường bất động sản đã được ban hành, góp phần tạo khung pháp lý cho việc phát triển thị trường bất động sản và nhà ở xã hội. Giai đoạn 2015 - 2023, thị trường bất động sản đã có những bước phát triển vượt bậc về quy mô, số lượng dự án, đặc biệt đã khẳng định được vai trò, vị thế quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu rất lớn về nhà ở trong giai đoạn hiện nay.

Theo đại biểu, với mong muốn mọi người dân “an cư lập nghiệp”, nhất là những đối tượng yếu thế, người nghèo, người có công đều có nhà ở ổn định, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát động Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát với chủ đề “Mái ấm cho đồng bào tôi”, góp phần tạo cho người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc để không ai bị bỏ lại phía sau.

 Toàn cảnh phiên thảo luận sáng 28.10. Ảnh: Lâm Hiển

Toàn cảnh phiên thảo luận sáng 28.10. Ảnh: Lâm Hiển

Tuy nhiên, qua thực tế giám sát về quản lý thị trường bất động sản và nhà ở xã hội, còn nhiều tồn tại, vướng mắc cần phải tập trung khắc phục. Bởi hiện nay, thị trường bất động sản và nhà ở xã hội phát triển chưa bền vững, mất cân đối cung - cầu. Trong khi đó, giá bất động sản còn cao so với thu nhập của đa số người dân; nhiều khu đô thị bỏ hoang; quản lý chung cư mini còn nhiều bất cập; nhiều dự án gặp vướng mắc, chậm được triển khai.

Thời gian qua, qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đã phát hiện nhiều sai phạm liên quan đến quản lý bất động sản. Theo đó, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính về đất 5.379 tỷ đồng, chủ yếu liên quan đến các sai phạm về phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch; giao đất, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng đất; xác định giá đất; thủ tục đầu tư xây dựng.

Ngoài ra, theo ĐBQH Đặng Bích Ngọc, nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho các chương trình tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội còn thấp; quy trình, thủ tục cho vay thông qua Ngân hàng chính sách xã hội còn phức tạp, trùng lặp; mức cho vay tối đa đối với đối tượng chính sách xã hội thấp, chưa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội.

“Tuy đã triển khai 7 chương trình thực hiện các gói tín dụng hỗ trợ nhà ở xã hội với tổng nguồn vốn trên 159.000 tỷ đồng (phụ lục 19) nhưng việc tiếp cận, giải ngân các gói tín dụng này còn bất cập, ảnh hưởng không nhỏ đối với công tác phát triển nhà ở xã hội” đại biểu nhấn mạnh.

Xử lý dứt điểm với các dự án vướng mắc pháp lý

Với rất nhiều những bất cập đó, ĐBQH Đặng Bích Ngọc cho rằng, việc Quốc hội tiến hành giám sát tối cao về thực hiện chính sách, pháp luật công tác quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội là vô cùng cần thiết, kịp thời, nhất là chỉ ra được điểm nghẽn về thể chế đã và đang cần được tháo gỡ trong thời gian tới. Do đó, đại biểu đề nghị, Chính phủ tiếp tục rà soát kỹ lưỡng những tồn tại, hạn chế của chính sách, pháp luật trong quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.

 Phó trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc phát biểu tại hội trường sáng 28.10. Ảnh: Lâm Hiển

Phó trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc phát biểu tại hội trường sáng 28.10. Ảnh: Lâm Hiển

Bên cạnh 22 nội dung còn vướng mắc, bất cập về chính sách, pháp luật sau khi Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở 2023 và Luật Đất đai 2024 được ban hành, theo đại biểu, cần phải tiếp tục rà soát, nghiên cứu đề xuất kịp thời, đồng bộ các giải pháp để nhanh chóng tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, giải quyết phù hợp, xử lý dứt điểm đối với các các dự án bất động sản gặp khó khăn, vướng mắc pháp lý, đình trệ do quá trình triển khai thực hiện kéo dài và pháp luật qua các thời kỳ có nhiều thay đổi, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững thị trường bất động sản và nhà ở xã hội.

Khẳng định những bất cập, chồng chéo về thể chế được chỉ ra trong báo cáo giám sát là căn cứ vô cùng quan trọng để các cơ quan soạn thảo cập nhật, nghiên cứu, sửa đổi đối với các dự án Luật ngay từ Kỳ họp này, nhất là các Luật về quy hoạch đô thị nông thôn, Luật Đầu tư công. Theo đại biểu Đặng Bích Ngọc, cần nghiên cứu quy định theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương nhằm tăng cường vai trò, tính chủ động, trách nhiệm của chính quyền địa phương phù hợp với năng lực và gắn với phân bổ nguồn lực.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ tích cực triển khai cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để thực hiện hiệu quả gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng. Ngoài ra, các ngân hàng thương mại cần tiếp tục tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay đối với chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Cùng với đó, các địa phương cần phải tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các dự án luật như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở..., bảo đảm các chính sách được Quốc hội thông qua phải thực sự đi vào thực tiễn.

Trần Tâm

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/nhanh-chong-thao-go-diem-nghen-ve-the-che-post394587.html