Nhật Bản căng mình đối phó với siêu bão nguy hiểm nhất trong hơn 60 năm
Ngày 12-10, cơn bão số 19, có tên gọi quốc tế là Hagibis, đã đổ bộ vào Nhật Bản, kéo theo mưa lớn và gió giật mạnh. Các nhà chức trách Nhật Bản đã ban hành mức cảnh báo cao nhất trước cơn bão Hagibis, được mô tả có sức tàn phá mạnh nhất trong hơn 60 năm qua.
Bão Hagibis, có nghĩa là "tốc độ” theo tiếng Tagalog của người Philippines, có sức gió tối đa 216 km/giờ, lượng mưa 800mm. Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) cho biết, bão Hagibis có thể gây lượng mưa lớn kỷ lục và có thể là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào Tokyo kể từ năm 1958. Đài truyền hình NHK đưa tin, tại Nhật Bản, bão Hagibis đã khiến ít nhất 70 người bị thương, 2 người thiệt mạng và 3 người mất tích. Dự kiến, con số thương vong có thể tiếp tục tăng lên. Chính quyền Nhật Bản cảnh báo rằng, cơn bão trên đang khiến mực nước ở một số con sông dâng lên một cách nguy hiểm.
Chiều 12-10, JMA đã đưa ra cảnh báo 5-mức cao nhất trong thang cảnh báo thiên tai 5 cấp độ của nước này sau khi ghi nhận lượng mưa kỷ lục trong cơn bão Hagibis. Đây là mức cảnh báo chưa từng có tại Nhật Bản trong hàng chục năm qua. Các khu vực nằm trong diện bị cảnh báo là thủ đô Tokyo và 6 tỉnh gồm Kanagawa, Saitama, Gunma, Shizuoka, Yamanashi và Nagano. JMA cũng kêu gọi những người sinh sống trong các khu vực này, đặc biệt là các địa phương gần sông, biển và núi, cần có các biện pháp khẩn cấp để bảo vệ tính mạng của mình. Trong trường hợp đang di chuyển đến các điểm lánh nạn mà gặp phải tình trạng nguy hiểm thì phải nhanh chóng tìm cách trú ẩn tại các ngôi nhà cao, có nền vững chãi gần đó. Cùng với đó, JMA cũng kêu gọi người dân hết sức chú ý tới tình trạng sạt lở đất, ngập lụt, gió mạnh và lốc xoáy. Chính phủ Nhật Bản đã triển khai 17.000 nhân viên cảnh sát và binh sĩ sẵn sàng ứng cứu, triển khai các hoạt động cứu hộ. Các khu vực trú ẩn an toàn đã được cung cấp đầy đủ nước uống và thực phẩm cho người dân. Để giúp người nước ngoài phòng tránh siêu bão Hagibis, Chính phủ Nhật Bản đã tăng cường dịch vụ thông tin bằng tiếng nước ngoài về cơn bão thông qua các ứng dụng trên điện thoại di động và mạng xã hội. Bên cạnh đó, các sân bay lớn cũng huy động thêm các nhân viên có khả năng ngoại ngữ. Các trung tâm thông tin du lịch trên cả nước cũng đang lắp đặt nguồn điện và thiết bị sạc điện thoại di động trong trường hợp khẩn cấp.
Hoạt động giao thông đường sắt, hàng không tại Nhật Bản đều tạm ngưng. Hiện công ty đường sắt Đông Nhật Bản (JR East) đã tạm dừng nhiều dịch vụ tàu trong khu vực nội đô Tokyo cuối tuần này. Bộ Giao thông vận tải Nhật Bản đã quyết định tạm thời đóng cửa hai sân bay quốc tế Haneda và Narita. Trong khi đó, hãng hàng không All Nippon Airways thông báo hủy toàn bộ các chuyến bay nội địa và gần hết các chuyến bay quốc tế từ các sân bay Haneda và Narita ở thủ đô Tokyo. Hãng Japan Airlines cũng quyết định hủy gần như toàn bộ các chuyến bay trong ngày 12-10. Tại thủ đô Tokyo, khu công viên Disneyland ra thông báo tạm ngừng hoạt động từ sáng ngày 12-10 tới trưa ngày 13-10. Ngoài ra, một số sự kiện dự kiến diễn ra cuối tuần này sẽ bị hủy do cơn bão mạnh Hagibis đổ bộ. Trong đó, một trong những sự kiện thể thao lớn nhất thế giới-Giải vô địch bóng bầu dục thế giới cũng bị ảnh hưởng. Hiện nhiều cửa hàng ở thủ đô Tokyo thông báo đóng cửa trong ngày 12-10 và đang cân nhắc về quyết định có trở lại hoạt động trong ngày 13-10 hay không. Hai tập đoàn Toyota và Honda cũng thông báo ngừng hoạt động ở một số nhà máy.
Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo kêu gọi Chính phủ nước này thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn cho người dân trong mưa bão. “Cần phải phổ biến thông tin kịp thời và dễ hiểu, thực hiện các biện pháp phòng ngừa cùng với chính quyền khu vực và làm mọi cách có thể để bảo đảm an toàn cho người dân”, Đài truyền hình NHK dẫn lời Thủ tướng Nhật Bản.
Các chuyên gia khí tượng cho rằng, về cường độ và mức độ gây thiệt hại, có thể so sánh cơn bão Hagibis với cơn bão Ida (tên tiếng Nhật là Kanogawa), đã cướp đi sinh mạng của 1.269 người vào năm 1958.