Nhật Bản là thị trường xuất khẩu quan trọng của trái nhãn Hưng Yên
Bên cạnh thị trường nội địa và các thị trường truyền thống như Trung Quốc, tỉnh Hưng Yên xác định Nhật Bản là thị trường tiềm năng và quan trọng của trái nhãn.
Sáng 25/8, tại Hà Nội, UBND tỉnh Hưng Yên đã tổ chức lễ khai mạc Tuần lễ nhãn – nông sản Hưng Yên năm 2023. Tại sự kiện, ông Nguyễn Văn Thơ – Giám đốc Sở Công Thương Hưng Yên nhận định, đây là dịp để các hợp tác xã, nhà vườn, hộ sản xuất và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trao đổi, lắng nghe những góp ý của người tiêu dùng để không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, phương thức phục vụ.
Điểm nhấn trong Tuần lễ năm nay là các sản phẩm mang đến hội chợ đều là các sản phẩm hữu cơ, đến từ các vườn trồng có tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Hiện toàn tỉnh Hưng Yên có hơn 4.600 ha nhãn, trong đó có hơn 30% diện tích được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP.
Ông Nguyễn Văn Thơ, Giám đốc Sở Công Thương Hưng Yên
Chia sẻ rõ hơn về định hướng xây dựng trái nhãn của tỉnh thời gian tới, ông Thơ nhấn mạnh, Hưng Yên sẽ tập trung phát triển chất lượng, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn cho người tiêu dùng và chú trọng mẫu mã sản phẩm nhãn.
Ngoài ra, tỉnh sẽ tăng cường tổ chức các sự kiện quảng bá để trái nhãn đến gần hơn với người tiêu dùng. Trong đó, tại thị trường nội địa, bên cạnh phát triển tại Hà Nội, Hưng Yên đã có kế hoạch quảng bá tại tỉnh Quảng Ninh với đối tượng nhắm đến là khách du lịch.
“Theo ghi nhận, từ đầu tháng 7 đến nay, nhãn bán cho du khách tại thị trường Quảng Ninh rất hiệu quả. Dự kiến cuối vụ nhãn, nếu còn đủ sản lượng, Hưng Yên cũng sẽ tổ chức tiếp một sự kiện quảng bá tại Đà Nẵng, hướng đến khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch châu Âu”, ông Thơ cho biết.
Liên quan đến vấn đề xuất khẩu, toàn tỉnh Hưng Yên hiện có 29 mã vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu sang Nhật Bản, EU, Mỹ và Australia. Riêng thị trường Nhật Bản, đây được đánh giá là thị trường quan trọng và tiềm năng với trái nhãn Hưng Yên.
Trước đó, ngày 18/11/2022, Bộ Nông lâm ngư nghiệp Nhật Bản đã cho phép trái nhãn tươi được xuất khẩu vào Nhật Bản. Đến ngày 31/12/2022, UBND tỉnh Hưng đã phê duyệt Đề án xúc tiến thương mại xuất khẩu nhãn và các sản phẩm nhãn sang Nhật Bản giai đoạn 2021 – 2025.
Với sự chuẩn bị kỹ càng về chất lượng cũng như nắm bắt thị hiếu tiêu dùng của thị trường (do đã xuất khẩu tiểu ngạch từ năm 2020), năm 2023 Hưng Yên đã xuất khẩu những lô nhãn đầu tiên sang Nhật Bản theo con đường chính ngạch.
Bên cạnh thị trường Nhật Bản, Hưng Yên vẫn tập trung vào các thị trường truyền thống như Trung Quốc và mở rộng thị trường mới như Australia, Thái Lan.
Tham gia Tuần lễ năm nay, chia sẻ với Mekong ASEAN, anh Nguyễn Minh Chiến – đại diện hợp tác xã Đức Thắng (tại Phù Cừ, Hưng Yên) cho biết, hợp tác xã kỳ vọng sẽ gặp gỡ các doanh nghiệp, các đối tác mới trong chuỗi cung ứng. Đồng thời, có thêm cơ hội giao lưu, trao đổi, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm.
"Trước đó, hợp tác xã đã có thêm đối tác mới khi tham gia các hội chợ tại tỉnh và tại Quảng Ninh (do tỉnh Hưng Yên tổ chức). Do vậy, tại Tuần lễ này, hợp tác xã hy vọng sẽ có tìm kiếm thêm được đối tác mới, mở rộng kênh phân phối", anh Chiến chia sẻ.
Về phía người tiêu dùng, tuần lễ là dịp để người dân có cơ hội tiếp cận với đặc sản Hưng Yên “chính gốc”. Chị Thu (địa chỉ tại quận Cầu Giấy) cho rằng: “Bây giờ nhiều nhãn lai, ra chợ mua không biết đâu mới là nhãn cùi cổ, nhãn lồng để mà mua. Nhân có hội chợ đặc sản này nên mình mua về ăn”.
Trong khi đó, chị Lan (địa chỉ tại quận Ba Đình) không chỉ mua về ăn mà còn mua về làm quà cho người thân, bạn bè: “Nhãn Hưng Yên ngon hơn các vùng trồng khác, thơm, vỏ mỏng mà cùi dày. Mấy chục năm nay gia đình mình đều thích thức quà này. Nhưng tiếc là nhãn chỉ theo vụ nên phải tranh thủ mua".
Một số hình ảnh tại Tuần lễ nhãn - nông sản Hưng Yên 2023: