Nhật Bản phát triển du lịch làng nghề truyền thống ở 'thủ phủ mắt kính'
Nhật Bản nổi tiếng với những nghệ nhân thủ công lành nghề . Họ cũng là những bậc thầy luôn cam kết giữ gìn làng nghề truyền thống đồng thời thúc đẩy hiện đại hóa các kỹ thuật sản xuất để tạo ra các sản phẩm mới sáng tạo.
Theo CNN, nhiều khu vực tại Nhật Bản đã trở nên nổi tiếng với các sản phẩm truyền thống nhờ tập trung vào các nghề truyền thống, từ kimono tinh xảo đến những con dao có hiệu suất xuất sắc. Trong số đó phải kể đến thành phố nhỏ Sabae thuộc tỉnh Fukui, cách Tokyo khoảng 3,5 giờ đi tàu.
Sabae từ lâu đã được xem là "thủ phủ kính mắt" ở Nhật Bản. Theo chính quyền địa phương, Sabae sản xuất hơn 90% gọng kính ở Nhật Bản. Du khách đến đây có thể tìm thấy các biển báo và đồ vật hình dạng giống kính mắt trên các con đường ở thành phố. Sabae cũng có một bảo tàng và lễ hội dành riêng cho kính mắt.
Nghệ thuật làm kính
Những người dân ở "thủ phủ mắt kính" Sabae đã gắn bó với nghề sản xuất kính mắt chất lượng cao trong hơn một thế kỷ.
Câu chuyện bắt đầu vào năm 1905, khi chính quyền địa phương mời những nghệ nhân làm kính lành nghề đến thành phố để dạy nghề cho người dân ở đây. Đây cũng là một nỗ lực của chính quyền thành phố để tạo ra những cơ hội mới cho nông dân ở địa phương.
Và việc làm này đã mang lại thành quả. Ngày nay, Sabae có hơn 100 công ty hợp tác để sản xuất những cặp kính.
Mặc dù các xưởng này sử dụng máy móc tiên tiến để sản xuất gọng kính mới làm bằng kim loại và acetate, nhưng hầu hết các công đoạn vẫn đòi hỏi đôi tay khéo léo và đôi mắt tinh tường của những nghệ nhân bậc thầy ở Sabae.
Trong số đó có Takeshi Yamae, một nhà thiết kế gọng kính của thương hiệu Nhật Bản Boston Club, người đã sống ở thành phố này trong 17 năm. Ông Takeshi Yamae nói rằng làm một cặp kính có thể bao gồm hơn 200 bước.
"Đầu tiên, tôi thiết kế, phác thảo, sau đó đưa vào máy tính. Từ lúc tôi bắt đầu thiết kế cho đến khi có được sản phẩm hoàn hảo, phải mất hơn một năm", ông Takeshi Yamae nói.
Nhà thiết kế gọng kính cũng cho biết ông thích sử dụng những vật liệu mới như carbon, nhưng không chạy theo xu hướng này vì phải mất rất nhiều thời gian để sản xuất gọng kính mới. Thay vào đó, ông thích hướng đến tiêu chí tương lai.
"Tôi bắt đầu bằng cách nghĩ tới sở thích của những người sử dụng kính và lấy cảm hứng từ những thứ rất Nhật Bản, ví dụ như nhà cửa, khu vườn và đồ dùng trên bàn ăn", ông nhấn mạnh.
Mặc dù có thể tìm thấy gọng kính Sabae trên khắp Nhật Bản, nhưng du khách vẫn tìm thấy những điều đặc biệt khi đến thăm thành phố và chứng kiến tận mắt quá trình sản xuất.
Một số thợ thủ công tham gia vào quá trình sản xuất gọng kính thường dành nhiều thời gian tập trung vào kỹ năng, chẳng hạn như cắt bằng máy, đánh bóng hoặc gắn miếng đệm mũi.
"Mọi người trong các nhà máy ở Sabae đều muốn tạo ra những sản phẩm đẹp, chất lượng tốt để thu hút khách hàng toàn cầu. Và khách hàng có thể nhận ra ngay ra điều đó ở kính Sabae", ông Takeshi nói thêm.
Bên cạnh đó, bảo tàng Megane ở thành phố Sabae (gọi là Bảo tàng kính) ở phố Megane cũng có các màn hình trưng bày, nêu rõ các bước tạo ra một cặp kính hoàn hảo. Bảo tàng tổ chức nhiều sự kiện khác nhau mô phỏng nghệ thuật làm kính mắt. Các thương hiệu kính mắt như Boston Club, thường được mời đến trưng bày thiết kế tại các cửa hàng pop-up.
Bảo tàng cũng cung cấp các buổi hội thảo cho những ai muốn tự làm gọng kính của riêng mình, được xem như món quà lưu niệm hoàn hảo.
Những người không có nhiều thời gian đến bảo tàng có thể ghé thăm cửa hàng tại chỗ, nơi có hàng nghìn gọng kính do khoảng 50 nhà sản xuất khác nhau của tỉnh Fukui sản xuất.
"Không chỉ là những chiếc kính"
Cùng với Toyama, Niigata và Ishikawa, Fukui là một trong bốn tỉnh thuộc vùng Hokuriku của Nhật Bản.
Giờ đây, việc đến thăm khu vực ít người qua lại này của Nhật Bản dễ dàng hơn bao giờ hết nhờ tuyến tàu cao tốc shinkansen (tàu siêu tốc) mở rộng vào đầu năm nay, kết nối nhiều khu vực hơn với Tokyo.
Tuyến tàu mở rộng vào năm 2024 và kết thúc tại Ga Tsuruga ở Fukui đã tăng thêm 125 km đường ray và mang đến nhiều cơ hội du lịch mới cho du khách quốc tế muốn tránh xa đám đông ở những thành phố nổi tiếng như Tokyo và Kyoto.
Tỉnh Fukui có 4 nhà ga nằm trên tuyến tàu cao tốc Shinkansen mở rộng – Ga Awara Onsen, Ga Fukui, Ga Echizen-Takefu và Ga Tsuruga. Du khách có thể lên một chuyến tàu riêng từ Ga Fukui đến Sabae trong 15 phút.
Ngoài việc là nơi có thủ phủ kính mắt của Nhật Bản, tỉnh Fukui còn có nhiều kiến trúc cổ được bảo tồn rất tốt, các di tích lịch sử và đền thờ, cũng như các điểm tham quan mới, bao gồm Vườn thú Nishiyama, nổi tiếng với loài gấu trúc đỏ.
Ngoài ra còn có bảo tàng Khủng long Tỉnh Fukui, nơi lưu giữ một trong những bộ sưu tập khủng long lớn nhất châu Á. Bảo tàng có 50 bộ xương khủng long hoàn chỉnh, bao gồm cả hóa thạch xác ướp Brachylophosaurus quý hiếm.
Đối với những người thích ngắm hoa anh đào, sông Asuwa chảy qua thành phố Fukui là điểm đến lý tưởng với những hàng hoa anh đào vào mỗi mùa xuân.
Thành phố này cũng là một điểm dừng chân lý tưởng cho những ai muốn ghé thăm Công viên Lâu đài Maruoka cũng như Eihei-ji, một trong hai ngôi đền chính của phái Soto.
Ngoài ra, ẩm thực cũng là điểm nhấn trong bất kỳ chuyến thăm nào của du khách đến Fukui. Tỉnh này là nơi sản xuất gạo và cũng là một cảng hải sản, khiến nơi đây trở thành điểm đến tuyệt vời cho những người yêu thích sushi.
Hay cua Echizen gani – cua tuyết dài tới 80 cm (31 inch) – là món ăn thu hút đặc biệt phổ biến. Và du khách muốn tìm hiểu thêm về lịch sử đánh bắt cua của khu vực này có thể ghé thăm Bảo tàng cua Echizen bên bờ biển./.