Nhật – Hàn cố chấp trong bế tắc, Mỹ không thể mãi đứng ngoài cuộc

Hàn Quốc và Nhật Bản - hai đồng minh thân cận nhất của Mỹ - đang tỏ ra cố chấp trong tình trạng bế tắc chưa từng có tiền lệ giữa hai nước. Tại sao Mỹ không thể đứng ngoài cuộc tranh cãi Nhật-Hàn?

Tranh cãi Nhật – Hàn, Mỹ không thể mãi đứng ngoài cuộc. (Nguồn: Yonhap)

“Lửa vẫn đang cháy”

Căng thẳng ngày càng gia tăng trong một loạt động thái “ăn miếng trả miếng” kể từ khi Tòa án tối cao Hàn Quốc ngày 30/10/2018 ra phán quyết chống lại các công ty của Nhật Bản về lao động ép buộc từ thời Chiến tranh Thế giới II.

Với các cuộc đàm phán ngoại giao bị đình trệ, ngày 1/7/2019, Nhật Bản đã siết chặt những quy định xuất khẩu đối với 3 nguyên liệu chủ chốt mà các công ty Hàn Quốc sử dụng trong chế tạo chất bán dẫn.

Tiếp đến ngày 2/8, Tokyo đã loại Hàn Quốc khỏi “Danh sách Trắng”, bao gồm những quốc gia được hưởng ưu đãi trong đơn giản thủ tục xuất khẩu. Hàn Quốc đã đáp lại bằng việc khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào ngày 11/9 và loại Nhật Bản khỏi “Danh sách Trắng” của mình một tuần sau đó.

Ngày 22/8, Seoul đã quyết định chấm dứt Hiệp định chia sẻ thông tin an ninh và quân sự (GSOMI) với Nhật Bản và quyết định này có hiệu lực từ ngày 22/11/2019.

Hàng trăm ngày đã trôi qua kể từ khi hai nước hành động trả đũa lẫn nhau. Cả hai bên đã phải hứng chịu những thiệt hại do chính họ gây ra. Quả thực, tranh chấp Nhật Bản –Hàn Quốc không phải là mới, có rất nhiều vấn đề lịch sử trong đó. Tuy nhiên, điểm mới trong tranh chấp lần này là sự im lặng gần như hoàn toàn của Mỹ. Washington gần như đã đứng sang một bên, ngoại trừ một vài bày tỏ lo ngại mang tính tượng trưng ngay cả khi cuộc tranh cãi giữa hai đồng minh trở nên căng thẳng.

Nếu Mỹ tiếp tục thờ ơ…

Những gì đang diễn ra không còn chỉ là cuộc tranh cãi thương mại đơn thuần. Lần này, chính cơ cấu hợp tác ba bên Mỹ - Hàn -Nhật, vốn có ý nghĩa then chốt, đang có nguy cơ sụp đổ. Nếu Mỹ tiếp tục thái độ thờ ơ, điều đó sẽ làm tăng nghi ngờ về cam kết và vai trò lãnh đạo của Mỹ trong khu vực vào thời điểm khu vực cần đến Mỹ nhất.

Nếu Washington không nhận ra giá trị của những gì họ đã tạo dựng để bảo vệ những lợi ích của mình ở khu vực Đông Bắc Á, thì sẽ là ai?

Những gì đang diễn ra không còn chỉ là cuộc tranh cãi thương mại đơn thuần. (Nguồn: Getty Images)

Chỉ có Washington mới có thể ngăn chặn quan hệ Nhật Bản – Hàn Quốc tiếp tục xấu đi. Có ba việc mà Mỹ có thể làm. Thứ nhất, Washington có thể hối thúc Seoul và Tokyo chấm dứt leo thang hành động trả đũa lẫn nhau. Mỹ có thể sắp xếp các cuộc đàm phán Nhật - Hàn để tìm kiếm giải pháp hàn gắn quan hệ và giảm bớt căng thẳng.

Một khi Seoul và Tokyo sẵn sàng đàm phán, Mỹ cần phải đứng ra làm trung gian. Sau khi lắng nghe những lập luận từ cả hai bên, Washington có thể đưa ra một gói hòa giải. Nếu bản thân Mỹ chứng tỏ được mình là một nhà trung gian hòa giải nghiêm túc và trung thực, thì Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ không thể nói “Không”. Sự thỏa hiệp do Mỹ tạo dựng cũng có thể đem lại cách thức giữ thể diện cho cả hai bên để giảm bớt những tranh cãi giữa họ.

Thứ ba là về tương lai. Đây thực sự là cơ hội tốt để Mỹ làm rõ ý nghĩa của mối quan hệ đối tác ba bên trong bối cảnh này. Nếu mối quan hệ đối tác ba bên này được cho là có ý nghĩa then chốt đối với những lợi ích của nó, thì khi đó cần tái xác nhận cam kết của nó. Washington, Tokyo và Seoul sẽ phải phản đối mạnh mẽ bất kỳ diễn biến nào làm lung lay mối quan hệ đối tác này.

Do lịch sử để lại, cả Nhật Bản lẫn Hàn Quốc đều có khả năng rơi vào những bất đồng mới trong tương lai, nhưng một lập trường rõ ràng từ Mỹ về giá trị của dàn xếp an ninh và những đóng góp mà cả hai nền dân chủ Đông Á này mang lại sẽ giúp các bên tập trung trí lực cho những quyền lợi lớn hơn.

Cuối cùng, Mỹ không có nhiều thời gian. Các vấn đề chính trị trong nước Mỹ với tiến trình luận tội tổng thống và cuộc bầu cử đang đến gần sẽ làm phân tâm các nhà hoạch định chính sách Mỹ. Khu vực Trung Đông có khả năng xảy ra nhiều xung đột cũng sẽ tác động đến những lợi ích của Mỹ. Washington cần dập tắt đám lửa hiện nay giữa Nhật Bản và Hàn Quốc trước khi nó "đốt cháy" toàn bộ cơ cấu phòng thủ chiến lược của Mỹ trong khu vực.

(theo Straits Times)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nhat-han-co-chap-trong-be-tac-my-khong-the-mai-dung-ngoai-cuoc-102681.html