Nhiệm kỳ nhiều thách thức với chính phủ mới của Colombia

Sự kiện tân Tổng thống Gustavo Petro, nhà lãnh đạo cánh tả đầu tiên trong lịch sử Colombia, chính thức lên nắm quyền đang tạo ra luồng dư luận tích cực trong đời sống chính trị-xã hội của quốc gia Nam Mỹ.

Ông Gustavo Petro trong lễ tuyên thệ nhậm chức tại Bogota, Colombia, ngày 7/8/2022. (Ảnh: Reuters)

Ông Gustavo Petro trong lễ tuyên thệ nhậm chức tại Bogota, Colombia, ngày 7/8/2022. (Ảnh: Reuters)

Người dân Colombia kỳ vọng, người thay thế cựu Tổng thống Iván Duque sẽ hiện thực hóa cam kết hóa giải chia rẽ trong xã hội, mở đường thực thi chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm đói nghèo, đem lại công bằng xã hội và hòa bình thật sự cho đất nước.

Với gần 11,3 triệu phiếu ủng hộ trong cuộc bầu cử tổng thống vòng hai diễn ra vào tháng 6 vừa qua (tương đương 50,44%), ứng cử viên thuộc liên minh cánh tả Pacto Histórico (Hiệp ước Lịch sử) Gustavo Petro chính thức vượt qua ứng cử viên cánh hữu Rodolfo Hernández, người nhận 47,31% số phiếu bầu, để nắm giữ vị trí cao nhất trong Chính phủ Colombia. Trong nhiệm kỳ bốn năm tới đây, Tổng thống Petro sẽ phải đối mặt bài toán phục hồi kinh tế, cải cách xã hội sau giai đoạn khủng hoảng do đại dịch Covid-19, kéo theo tỷ lệ người nghèo, thất nghiệp và bất bình đẳng gia tăng nhanh chóng thời gian qua.

Phát biểu tại lễ nhậm chức ngày 7/8 tại quảng trường Bolívar ở thủ đô Bogotá, tân Tổng thống Petro cho biết sẽ thực hiện những thay đổi triệt để trong nhiều lĩnh vực đời sống chính trị-xã hội, đúng như những cam kết ông đưa ra xuyên suốt quá trình tranh cử. Ông kêu gọi sự đồng lòng của người dân Colombia, cùng nhau chống lại những chia rẽ dân tộc và xây dựng một quốc gia mạnh mẽ, công bằng và đoàn kết. Chính phủ mới sẽ triển khai chương trình cải tổ hệ thống thuế nhằm bổ sung thêm cho ngân sách quốc gia khoảng 13,5 tỷ USD (tương đương 5,5% GDP), qua đó giúp tăng chi tiêu và đầu tư vào các dự án xã hội.

Ngoài ra, Tổng thống Petro cũng nhắm tới cải cách hệ thống lương hưu, bảo đảm giáo dục công miễn phí, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động cũng như chấm dứt các hợp đồng khai thác dầu khí mới để giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào lĩnh vực này, đồng thời cũng thúc đẩy các chính sách bảo vệ môi trường.

Người đứng đầu Chính phủ Colombia cam kết sẽ tìm kiếm giải pháp hòa bình toàn diện nhằm chấm dứt các cuộc xung đột vũ trang kéo dài suốt nhiều năm tại quốc gia Nam Mỹ này, trong đó chú trọng khả năng nối lại các cuộc đàm phán hòa bình với nhóm vũ trang Quân đội Giải phóng quốc gia (ELN), đồng thời xem xét tuân thủ các điều khoản trong thỏa thuận hòa bình đã ký từ năm 2017 với Lực lượng Vũ trang cách mạng Colombia (FARC) đã giải giáp.

Trong công tác đối ngoại, Tổng thống Petro khẳng định sẽ khôi phục quan hệ ngoại giao với nước láng giềng Venezuela, sau nhiều năm căng thẳng dưới thời các chính phủ tiền nhiệm, từ đó tạo cơ sở thúc đẩy hội nhập với các nước trong khu vực Mỹ Latin và thế giới. Giống như các chính phủ cánh tả Mỹ Latin khác trong khu vực hiện nay như Chile, Peru, Bolivia, Argentina, Mexico hay Honduras, chính quyền mới của Tổng thống Petro sẽ chú trọng hơn trong việc giải quyết những vấn đề mang tính cấu trúc của nền kinh tế, thúc đẩy đầu tư và tăng cường sản xuất trong nước, hướng tới sự phát triển lâu dài và bền vững.

Trước đó, Tổng thống Petro cũng đưa ra thông báo bổ nhiệm một loạt nhân sự mới trong chính phủ, gồm Bộ trưởng Nội vụ, Bộ trưởng Dầu mỏ và Năng lượng, Bộ trưởng Thể thao và Bộ trưởng Lao động.

Các chuyên gia nhận định, chính quyền của Tổng thống Petro sẽ gặp không ít trở ngại trên hành trình xây dựng một Colombia đoàn kết và thống nhất, đặc biệt trong bối cảnh liên minh Pacto Histórico không có được đa số ghế tại quốc hội và nhiều khả năng Tổng thống Petro phải có những nhượng bộ nhất định khi đàm phán liên kết với một số đảng phái nhỏ khác tại cơ quan lập pháp.

Người dân quốc gia Nam Mỹ đang rất kỳ vọng vào những thay đổi quan trọng trong nhiều vấn đề cốt lõi của xã hội thời gian tới, đáp ứng những đòi hỏi về một quốc gia công bằng và phát triển bền vững, thúc đẩy xu hướng đoàn kết và hội nhập ở khu vực Mỹ Latin.

KHA ÁNH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nhiem-ky-nhieu-thach-thuc-voi-chinh-phu-moi-cua-colombia-post711422.html