Nhiệm kỳ với nhiều điều dang dở

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tuyên bố tái tranh cử trong nhiệm kỳ 2022-2027, vòng một cuộc bầu cử sẽ diễn ra ngày 10/4. Nhìn lại những gì Tổng thống Macron đã làm được cho nước Pháp trong chặng đường 5 năm qua, dư luận nhìn chung ghi nhận những cố gắng của ông để hoàn thành cam kết với cử tri, nhưng cũng thấy nhiều vấn đề then chốt còn dở dang và chỉ có thể nối lại nếu ông có thêm một nhiệm kỳ.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại cuộc họp báo về chương trình tranh cử tại Paris, Pháp, ngày 17/3/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại cuộc họp báo về chương trình tranh cử tại Paris, Pháp, ngày 17/3/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Năm 2017, với nhiệt huyết của một trong những tổng thống trẻ nhất thế giới, ông Macron đã không ngần ngại bày tỏ những tham vọng lớn, trong chương trình tranh cử đưa ra tổng số 401 cam kết cụ thể thuộc mọi lĩnh vực kinh tế-xã hội. Trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ này, kênh phát thanh quốc gia France Info đã lựa chọn, đánh giá mức độ thực hiện “100 lời hứa lớn nhất”, theo đó, ông Macron đã hoàn thành 46 điều, thực hiện phần nào 28 điều và không thực hiện 26 điều.

Có thể kể đến những cam kết đã được ông Macron thực hiện như việc “tất cả người lao động đều có quyền hưởng bảo hiểm thất nghiệp” từ tháng 11/2019, cho phép những người đang làm việc được hưởng trợ cấp một lần 800 euro trong tối đa 6 tháng. Ông Macron cũng đã hiện thực hóa mong muốn “tăng lương ròng bằng việc loại bỏ các khoản đóng góp của người ăn lương” thông qua Luật an sinh năm 2018. Biện pháp này cũng cho phép tăng thưởng để những người hưởng lương có thêm trung bình 3,5% sức mua trong 5 năm. Ngoài ra, đã có 4/5 hộ gia đình được hưởng chế độ miễn thuế nhà ở trong năm 2020.

Kinh tế được xem là lĩnh vực mà ông Macron gặt hái nhiều thành công nhất trong 5 năm qua. Với trục chính là hiện đại hóa nền kinh tế, tổng thống sắp mãn nhiệm được đánh giá thực hiện “khá tốt”, trung thành với những gì đã cam kết, bất chấp những thách thức từ phong trào “Áo vàng” và đại dịch COVID-19. Ông Macron tỏ ra là người có năng lực trong lĩnh vực này nhờ kinh nghiệm trong thời gian làm thanh tra tài chính và chủ ngân hàng trước khi bước vào Điện Elyseé. Chẳng hạn, ngay khi bắt đầu nhiệm kỳ, ông đã nhanh chóng làm hài lòng cử tri bằng chính sách hạ mức thuế doanh nghiệp xuống 25%, đồng thời áp dụng thuế bất động sản (IFI) thay cho thuế tài sản (ISF) đối với các hộ gia đình có bất động sản ròng vượt quá 1,3 triệu euro từ cuối năm 2017.

Từ góc độ vĩ mô, ông Macron đã có nhiều nỗ lực thực tế thông qua các chính sách hỗ trợ hoặc phục hồi tăng trưởng, hiện đại hóa nền kinh tế. Năm 2018, ông công bố thành lập "Quỹ công nghiệp và đổi mới" trị giá 10 tỷ euro. Năm 2020, để khắc phục hậu quả do khủng hoảng dịch bệnh và vực dậy nền kinh tế suy thoái (âm 8%), ông công bố nhiều gói hỗ trợ tổng cộng tương ứng 10% GDP, trong đó có kế hoạch “France Relance" bơm 100 tỷ euro, lớn gấp 4 lần so với chương trình vực dậy kinh tế Pháp sau khủng hoảng tài chính 2008. Năm 2021, ông giới thiệu kế hoạch "France 2030" (Nước Pháp 2030), khởi đầu cho kế hoạch phát triển 10 năm tập trung vào các dự án chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số và phát triển công nghệ mới.

Những gói hỗ trợ này đã góp phần quan trọng đưa kinh tế phục hồi ngoạn mục sau đại dịch. Theo số liệu của Viện thống kê và nghiên cứu kinh tế quốc gia Pháp (INSEE), tăng trưởng GDP của Pháp cả năm 2021 đạt 7%, mức cao nhất kể từ năm 1969, đưa tăng trưởng trong 5 năm kể từ năm 2017 tăng 4,6%. Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm từ 9,5% giữa năm 2017 xuống còn 8,1% bất chấp khủng hoảng COVID-19. Cũng trong thời gian này, nền kinh tế Pháp đã tạo thêm 844.000 vị trí việc làm hưởng lương và 200.000 việc làm tự doanh. Sức mua của các hộ gia đình được cải thiện rõ rệt, đặc biệt sau thời điểm kết thúc của phong trào “Áo vàng”, với mức tăng trung bình 7,6% nhờ các chính sách giảm thuế và các biện pháp an sinh xã hội được ban hành. Tuy nhiên, tính đến cuối quý 3/2021, nợ công của Pháp đã tăng đến mức kỷ lục 2.834 tỷ euro so với 2.275 tỷ vào giữa năm 2017.

Số doanh nghiệp mới thành lập tại Pháp đã tăng từ 560.000 lên hơn một triệu tính đến cuối nhiệm kỳ 5 năm của ông Macron, đặc biệt trong đó có rất nhiều công ty khởi nghiệp liên quan đến kinh tế xanh và công nghệ mới. Số công ty công nghệ có giá trị trên một tỷ USD tăng đáng kể, từ 4 công ty thời điểm trước năm 2018 lên tới 26 công ty hiện nay. Đây được coi là một thành tựu đáng khích lệ, một phần thưởng cho những nỗ lực không mệt mỏi của ông Macron nhằm phát triển “một thế hệ những nhà đổi mới”.

Môi trường cũng là lĩnh vực có nhiều điều để nói khi nhìn lại nhiệm kỳ qua. Theo cương lĩnh tranh cử năm 2017, đây không phải là trọng tâm chính sách của ứng cử viên Macron. Tuy nhiên, sau khi bước chân vào Điện Elyseé, ông đã mạnh mẽ cam kết biến các nỗ lực chống biến đối khí hậu thành “cuộc chiến thế kỷ”. Trong nhiệm kỳ của ông, Chính phủ Pháp đã ban hành các chính sách cấm khai thác khí đá phiến, không cấp phép mới cho các hoạt động thăm dò hydrocarbon, từ bỏ dự án sân bay Notre-Dame-des-Landes, đóng cửa tất cả các nhà máy nhiệt điện than, theo đó nhà máy cuối cùng sẽ đóng cửa vào năm 2024. Tuy nhiên, đối với các nhà hoạt động môi trường, ông Macron cuối cùng “đã không thể rũ bỏ hình ảnh của một tổng thống không có biện pháp khẩn cấp về khí hậu”. Mục tiêu giảm tỷ trọng năng lượng hạt nhân từ 75% xuống 50% vào năm 2025 có vẻ chưa thể thực hiện được trong nhiệm kỳ này.

Trong bối cảnh COVID-19 liên tục tấn công nước Pháp suốt hơn hai năm, hầu hết các đề xuất về y tế mà ông Macron đưa ra trong chiến dịch tranh cử, như tăng lương cho các nhân viên chăm sóc y tế và tối ưu hóa tài chính cho các bệnh viện, đều được triển khai thực hiện, nhưng kết quả không phải lúc nào cũng làm hài lòng cử tri. Lĩnh vực an ninh và tư pháp cũng có những kết quả đáng ghi nhận, song còn nhiều tồn tại.

Về đối ngoại, có thể nói ông Emmanuel Macron đã không ngừng cố gắng thể hiện vai trò trung tâm của Pháp trong hàng loạt vấn đề quốc tế, đặc biệt là vai trò của một nhà trung gian hòa giải hàng đầu. Cho đến những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ, ông Macron vẫn có các chuyến đi con thoi tới các thủ đô châu Âu, kể cả tới Moskva (Nga), để ngăn chặn khủng hoảng tại Ukraine, tuy nhiên những nỗ lực của vị tổng thống Pháp chưa đạt kết quả như mong muốn. Cũng trong thời điểm này, dư luận thế giới được chứng kiến ông Macron chính thức tuyên bố việc Pháp rút quân khỏi Mali sau 9 năm dẫn dắt cuộc chiến chống khủng bố và thánh chiến tại Sahel châu Phi.

Việc quản lý mối quan hệ với đồng minh Mỹ cũng không phải là điều đơn giản. Thời gian đầu nhiệm kỳ, ông Macron đã rất chủ động gây dựng quan hệ cá nhân tốt đẹp với Tổng thống Mỹ khi đó Donald Trump. Các chuyến thăm lẫn nhau giữa hai nhà lãnh đạo trong 2 năm 2017-2018 là minh chứng cho điều này. Mặc dù vậy, nỗ lực của Tổng thống Macron đã không thể ngăn được ông Trump quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu cũng như khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.

Pháp đã hy vọng vào một khởi đầu mới với Washington sau khi ông Joe Biden trở thành Tổng thống Mỹ năm 2021. Tuy nhiên, Tổng thống Joe Biden bất ngờ tuyên bố thành lập Aukus, một liên minh tay ba giữa Mỹ, Anh và Australia, dẫn đến việc Canberra hủy bỏ “hợp đồng thế kỷ” trị giá 56 tỷ euro mua 12 tàu ngầm của Pháp. Quyết định này cũng đột ngột như quyết định rút quân đội Mỹ khỏi Afghanistan, khiến các đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trở tay không kịp… Đây được đánh giá "không đơn giản là một thất bại, mà còn thực sự là một nỗi đau khó nguôi ngoai", buộc ông Macron phải đánh giá lại chính sách đối ngoại và tỏ ra quyết tâm hơn với ý tưởng “tự chủ chiến lược” và chính sách “phòng thủ chung” của Liên minh châu Âu (EU).

Giờ đây, khi Pháp đang đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên EU, cuộc xung đột tại Ukraine và sự “quay xe” trong chính sách quốc phòng của Đức, thành viên EU lâu nay không mấy ủng hộ ý tưởng của ông Macron, có thể tạo một khởi đầu thực sự cho dự án phòng thủ chung của châu Âu. Nhưng đồng thời, các diễn biến địa chính trị mới tại châu Âu cũng có thể đưa NATO, khối quân sự mà ông Macron từng cho là đã “chết não”, trở lại trung tâm cuộc chơi. Sẽ phải mất một thời gian nhất định để xác định khủng hoảng tại Ukraine sẽ là bàn đạp hay gây trở ngại cho tham vọng quốc tế của ông Macron, nếu như ông có cơ hội tiếp tục ở lại Điện Elyseé.

Nguyễn Tuyên (PV TTXVN tại Pháp)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/nhiem-ky-voi-nhieu-dieu-dang-do-20220408174458612.htm