Nhiễm trùng huyết - cách nhận biết và can thiệp sớm để bảo toàn tính mạng
Theo TS.BS Chu Thanh Sơn – Khoa Điều trị tích cực Nội khoa (Bệnh viện Nhi Trung ương), nhiễm trùng huyết (Sepsis) là tình trạng bệnh lý nặng, đe dọa tính mạng xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể đáp ứng quá mức với nhiễm trùng.
TS.BS Chu Thanh Sơn cho biết, quá trình đáp ứng viêm mạnh mẽ này sẽ làm tổn thương các mô và tạng. Khi rối loạn chức năng các tạng đặc biệt là hệ tuần hoàn sẽ làm giảm khả năng tưới máu, cung cấp oxy đến mô, do đó sẽ làm nặng hơn tình trạng bệnh lý của người bệnh. Nếu không được nhận biết sớm và can thiệp kịp thời sẽ dẫn đến sốc, suy đa tạng và tử vong.
Nhiễm trùng huyết – Vấn đề sức khỏe toàn cầu
Ước tính mỗi năm, trên toàn cầu có khoảng 47 triệu – 50 triệu người mắc và khoảng 11 triệu người tử vong do nhiễm trùng huyết, trong đó tỷ lệ mắc ở trẻ em dưới 5 tuổi chiếm khoảng hơn 40% (20 triệu trẻ) và tử vong chiếm khoảng 25-30% (khoảng 3 triệu trẻ).
Tùy theo mỗi quốc gia và khu vực, tỷ lệ tử vong có thể dao động từ 15% đến trên 50%. Khoảng 85% trường hợp mắc và tử vong do nhiễm trùng huyết xảy ra ở các nước thu nhập thấp và trung bình, đặc biệt là các nước ở khu vực châu Phi và Đông Nam Á. Ngoài ra, người bệnh cũng phải chịu nhiều di chứng của nhiễm trùng huyết suốt phần đời còn lại.
Các căn nguyên thường gặp
Căn nguyên gây nhiễm trùng huyết bao gồm virus, vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng. Các căn nguyên ở trẻ em phụ thuộc vào lứa tuổi, bệnh nền, vùng địa lý.
Ngoài ra, các loại virus như Cúm, Adenovirus, Coronavirus cũng là nguyên nhân phổ biến gây nhiễm trùng huyết ở trẻ nhỏ và trẻ suy giảm miễn dịch.
Các triệu chứng nhiễm trùng huyết
Các triệu chứng sau đây có thể chỉ ra tình trạng nhiễm trùng huyết: Nói nhịu hoặc lú lẫn; Run cơ hoặc đau cơ, sốt;Không có nước tiểu; Khó thở; Mệt mỏi, kiệt sức; Da tái hoặc nổi vân tím.
Lưu ý: Nếu nghi ngờ hoặc đã xác định người bệnh có tình trạng nhiễm trùng và xuất hiện một trong những triệu chứng trên thì người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất.
Nhiễm trùng huyết – Nhóm nguy cơ
Mọi người đều có thể mắc nhiễm trùng huyết, bất kể tình trạng sức khỏe,thể trạng và điều kiện sống.
Tuy nhiên, một số nhóm đối tượng nguy cơ cao gồm: Trẻ dưới 1 tuổi; Người trên 60 tuổi; Người bệnh đã cắt lá lách; Người có bệnh lý mạn tính về hô hấp, tim mạch, ung thư, thần kinh cơ, ghép tủy; Người bệnh suy giảm miễn dịch; Người mới phẫu thuật.
Hội chứng hậu Nhiễm trùng huyết
Nhiễm trùng huyết không chỉ dừng lại khi người bệnh xuất viện, các di chứng hậu nhiễm trùng huyết còn ảnh hưởng đến người bệnh suốt phần đời còn lại, đó có thể là buồn chán hay lo lắng; Nuốt khó,đau ngực; Yếu cơ, giảm vận động; Đau khớp và cơ; Suy nghĩ; tiêu cực; Khó ngủ; Khó tập trung; Suy giảm trí nhớ; Mệt mỏi.
Các biện pháp phòng ngừa
Các biện pháp phòng ngừa nhiễm trùng huyết bao gồm: Tiêm chủng đầy đủ; Sử dụng nước sạch; Vệ sinh tay; Ngăn ngừa nhiễm trùng mắc phải trong bệnh viện; An toàn sản khoa...