Nhiều chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 10/2024

Quy định mới về khai thác tài sản công tại cơ quan nhà nước; giấy tờ cần thiết khi lập Hồ sơ phương tiện và kiểm định xe cơ giới; nghiêm cấm hành nghề công tác xã hội để trục lợi; quy định mới về đánh số nhà từ 15/10/2024... là những chính sách có hiệu lực trong tháng 10/2024.

Quy định mới về giấy tờ cần thiết khi lập Hồ sơ phương tiện và kiểm định xe cơ giới từ 01/10/2024. (Ảnh: Hồng Thương)

Quy định mới về giấy tờ cần thiết khi lập Hồ sơ phương tiện và kiểm định xe cơ giới từ 01/10/2024. (Ảnh: Hồng Thương)

Giấy tờ cần thiết khi lập Hồ sơ phương tiện và kiểm định xe cơ giới từ 1/10/2024

Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư 30/2024/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 16/2021/TT-BGTVT và Thông tư 03/2018/TT-BGTVT.

Cụ thể, Thông tư 30/2024/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 Điều 6 Thông tư 16/2021/TT-BGTVT (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 2 Điều 1 Thông tư 02/2023/TT-BGTVT). Theo đó, từ 1/10/2024, giấy tờ cần thiết khi lập Hồ sơ phương tiện và kiểm định được quy định như sau:

Về lập Hồ sơ phương tiện, chủ xe phải khai báo thông tin và cung cấp giấy tờ sau đây để lập Hồ sơ phương tiện (trừ trường hợp kiểm định lần đầu để cấp Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định có thời hạn hiệu lực 15 ngày):

Xuất trình Giấy tờ về đăng ký xe: bản chính Chứng nhận đăng ký xe do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc bản chính Giấy biên nhận giữ bản chính Chứng nhận đăng ký xe (kèm theo bản sao Chứng nhận đăng ký xe) của tổ chức tín dụng hoặc bản sao Chứng nhận đăng ký xe có xác nhận của tổ chức cho thuê tài chính, cho vay tài chính theo quy định của pháp luật hoặc Giấy hẹn cấp Chứng nhận đăng ký xe.

Bản sao Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng đối với xe cơ giới sản xuất, lắp ráp trong nước (trừ xe cơ giới thanh lý).

Bản chính Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo hoặc Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo đối với trường hợp xe cơ giới mới cải tạo;

Bản cà số khung, số động cơ của xe đối với trường hợp xe cơ giới thuộc đối tượng miễn kiểm định quy định tại khoản 3 Điều 5 Thông tư 16/2021/TT-BGTVT (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1 Điều 1 Thông tư 02/2023/TT-BGTVT).

Khai báo thông tin các thông tin tương ứng quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 16/2021/TT-BGTVT.

Quy định mới về khai thác tài sản công tại cơ quan nhà nước

Chính phủ đã ban hành Nghị định 114/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 151/2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017, trong đó tại khoản 7 Điều 1 Nghị định 114/2024/NĐ-CP đã bổ sung Điều 10b vào Nghị định 151/2017/NĐ-CP về khai thác tài sản công tại cơ quan nhà nước.

Theo đó, từ 30/10/2024, danh mục tài sản công tại cơ quan nhà nước được khai thác gồm: Nhà ở công vụ. Quyền sở hữu trí tuệ, bản quyền phần mềm ứng dụng. Cơ sở dữ liệu. Tài sản phục vụ hoạt động phụ trợ, hỗ trợ cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan nhà nước (nhà ăn, căn tin; nhà/bãi để xe; vị trí lắp đặt máy rút tiền tự động, máy bán hàng tự động; vị trí lắp đặt, xây dựng công trình viễn thông; vị trí lắp đặt màn hình led, tấm pano phục vụ thông tin, tuyên truyền). Tài sản là di tích lịch sử - văn hóa, di tích lịch sử gắn với đất thuộc đất xây dựng trụ sở cơ quan; phòng truyền thống của cơ quan. Tài sản khác được khai thác theo quy định của pháp luật có liên quan.

Bên cạnh đó, việc khai thác tài sản công tại cơ quan nhà nước phải bảo đảm các nguyên tắc: Không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan nhà nước. Không vi phạm các điều cấm của luật. Bảo đảm tính công khai, minh bạch; tuân thủ các quy định tại Nghị định này và quy định của các pháp luật có liên quan. Không làm thay đổi kết cấu, kiến trúc, nguyên trạng tài sản công (trừ trường hợp đầu tư thêm để nâng cao giá trị sử dụng của tài sản; phần giá trị tài sản đầu tư thêm thuộc về cơ quan có tài sản sau khi hết thời hạn khai thác); không làm mất quyền sử dụng đất của cơ quan, quyền sở hữu về tài sản công.

Nghị định 114/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 30/10/2024.

Nghiêm cấm hành nghề công tác xã hội để trục lợi

Chính phủ đã ban hành Nghị định 100/2024/NĐ-CP về công tác xã hội, trong đó quy định 6 hành vi bị nghiêm cấm trong công tác xã hội. Theo đó, tại Điều 10 Nghị định 110/2024/NĐ-CP quy định 6 hành vi bị nghiêm cấm trong công tác xã hội, bao gồm: Cung cấp, công bố, tiết lộ, phá hủy thông tin, dữ liệu cá nhân của đối tượng mà không được sự đồng ý của đối tượng hoặc người giám hộ hoặc người đại diện trừ trường hợp cơ quan, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu theo quy định của pháp luật.

Từ chối cung cấp dịch vụ công tác xã hội cho đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp, trừ trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật.

Lợi dụng việc cung cấp dịch vụ công tác xã hội để trục lợi hoặc có hành vi vi phạm pháp luật. Lợi dụng hành nghề công tác xã hội để trục lợi chế độ, chính sách của Nhà nước và sự hỗ trợ, giúp đỡ của tổ chức, cá nhân.

Thu các khoản chi phí, lợi ích ngoài khoản thù lao và chi phí được thỏa thuận thống nhất với tổ chức, cá nhân trong hợp đồng cung cấp dịch vụ công tác xã hội, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Lợi dụng hành nghề công tác xã hội, cung cấp dịch vụ công tác xã hội để xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Nghị định 110/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/10/2024.

Quy định mới về đánh số nhà từ 15/10/2024

Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 08/2024/TT-BXD quy định đánh số và gắn biển số nhà, công trình xây dựng, trong đó quy định đánh số nhà trong ngõ, ngách.

Cụ thể, đối với việc đánh số nhà trong ngõ, Thông tư 08/2024/TT-BXD quy định như sau: Trường hợp ngõ chưa có tên riêng: tên ngõ được đặt tên theo số nhà mặt đường, phố nằm kề ngay trước đầu ngõ (có số nhà nhỏ hơn). Nguyên tắc đánh số áp dụng tương tự quy định tại khoản 1, khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều 6 Thông tư 08/2024/TT-BXD

Chiều đánh số nhà trong ngõ: Trường hợp ngõ nối thông giữa hai đường, phố và đã đặt tên thì lấy chiều từ nhà đầu ngõ sát với đường, phố mà ngõ mang tên đến cuối ngõ. Trường hợp ngõ nối thông giữa hai đường, phố và chưa được đặt tên thì chiều đánh số nhà từ nhà đầu ngõ sát với đường, phố có mặt cắt ngang lớn hơn đến cuối ngõ. Trường hợp ngõ chỉ có một đầu thông ra đường, phố thì chiều đánh số nhà được thực hiện từ nhà đầu ngõ sát với đường, phố đến nhà cuối ngõ.

Đối với việc đánh số nhà trong ngách được thực hiện theo quy định như sau: Trường hợp ngách chưa có tên riêng: Tên ngách được đặt tên theo số nhà mặt ngõ nằm kề ngay trước đầu ngách (có số nhà nhỏ hơn). Nguyên tắc đánh số áp dụng tương tự quy định tại khoản 1, khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều 6 Thông tư 08/2024/TT-BXD.

Chiều đánh số nhà trong ngách: Trường hợp ngách nối thông giữa hai ngõ và đã đặt tên thì lấy chiều từ nhà đầu ngách sát với ngõ mà ngách mang tên đến cuối ngách; trường hợp ngách nối thông giữa hai đường và chưa được đặt tên thì chiều đánh số nhà từ nhà đầu ngách sát với đường có mặt cắt ngang lớn hơn đến cuối ngách. Trường hợp ngách chỉ có một đầu thông ra ngõ thì chiều đánh số nhà được thực hiện từ nhà đầu ngách sát với ngõ đến nhà cuối ngách.

Ngoài ra, Thông tư 08/2024/TT-BXD nêu rõ, trường hợp nhà trong ngõ, ngách có tính chất đặc thù thì UBND cấp huyện quyết định việc đánh số.

Hồng Thương

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/nhieu-chinh-sach-moi-noi-bat-co-hieu-luc-tu-thang-102024-post527146.html