Nhiều dấu tích 'phát lộ' tại cuộc khai quật Thành nhà Hồ năm 2022

Cuộc khai quật Thành nhà Hồ năm 2022 đã phát hiện nhiều dấu tích, hiện vật quan trọng, làm tăng thêm các giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản này.

Ngày 4/3, tại Di sản Thành nhà Hồ ở huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, Viện khảo cổ học Việt Nam tổ chức Hội nghị thông báo kết quả khai quật bước đầu khu vực bên trong và bên ngoài 4 cổng di sản Thành nhà Hồ.

Trong thời gian từ ngày 15/9 đến 31/12/2022, Viện Khảo cổ học và Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã tiến hành khai quật khảo cổ tại khu vực bên trong và bên ngoài của 4 cổng thành (Đông - Tây - Nam - Bắc) với diện tích khai quật 5.000m2.

Trong đó, tại vị trí cổng phía Bắc khai quật 2.000m2, cổng phía Nam diện tích khai quật 2.000m2, phía Đông 500m2, phía Tây khai quật 500m2.

Hội nghị thông báo kết quả khai quật bước đầu khu vực bên trong và bên ngoài 4 cổng di sản Thành nhà Hồ ngày 4/3. Ảnh: ND

Kết quả các cuộc khai quật đã làm rõ kích thước ban đầu của 4 cổng thành tại di sản Thành Nhà Hồ. Các cửa cuốn này được xây bằng cách đắp đất thành hình vòm cửa, sau đó ghép những khối đá tảng hình thang dạng múi bưởi lên trên, sau khi ghép xong các phiến đá thì mới xử lý đất ra ngoài.

Ba bức tường thành Đông, Nam, Tây tương tự nhau về kích thước và kỹ thuật ghép đá. Tiêu biểu nhất là tường thành phía Đông, dưới đáy là đá lót móng kích thước lớn; phía trên còn lại 4 đến 5 hàng đá kích thước lớn được làm nhẵn, hàng dưới to nhất lên cao nhỏ dần; phía trong là hệ thống đá và đất sét sỏi gia cố.

Riêng cổng Bắc, lớp đá xếp thành ở tường và cổng Bắc có kích thước nhỏ hơn, mạch ghép lớn hơn, nhiều hàng đá hơn, các lớp đá ngoài không được làm nhẵn, các lớp đá trong không được ghè đẽo vuông vức. Điều này được các nhà khảo cổ giải thích một phần là do quá trình xử lý vật liệu và một phần do quá trình tu sửa nhiều lần trong giai đoạn sau.

Đặc biệt, cuộc khai quật đã xuất lộ rõ dấu tích con đường Hoàng Gia trong nội thành với những dấu tích kè đá xanh và lát đá phiến nằm chính giữa cổng Nam Thành nhà Hồ nối thẳng về phía Nam đến di tích đàn tế Nam Giao, nối về phía Bắc con đường hướng vào Trung tâm Nội thành.

Trong đó, trục trung tâm chính là dấu tích con đường Hoàng Gia nối từ cổng Nam lên khu vực chính điện. Tại khu vực nội thành còn phát hiện dấu tích con đường với 1 làn rộng 4,65m và làn còn lại khoảng 16m về phía trong nội thành. Như vậy có thể nhận thấy con đường Hoàng Gia của thành Tây Đô thời Hồ chỉ còn tình trạng tốt nhất ở khu vực trước và trong cổng Nam.

Theo TS Nguyễn Bá Linh, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ, cuộc khai quật cũng cho thấy rõ các chi tiết về di vật như một số loại hình gạch chữ nhật, trang trí lá đề thời Trần - Hồ, ngói phẳng, ngói cong lòng máng màu xám thời Lê; các mảnh gốm men thời Trần - Hồ và thời Lê Sơ. Ngoài ra, còn tìm thấy một số cụm bi, đạn đá tại khu vực cổng Nam và cổng Bắc.

 Các cửa cuốn được xây bằng cách đắp đất thành hình vòm cửa, sau đó ghép những khối đá tảng hình thang dạng múi bưởi lên trên. Ảnh: BTH

Các cửa cuốn được xây bằng cách đắp đất thành hình vòm cửa, sau đó ghép những khối đá tảng hình thang dạng múi bưởi lên trên. Ảnh: BTH

 Cuộc khai quật đã xuất lộ rõ dấu tích con đường Hoàng Gia trong nội thành

Cuộc khai quật đã xuất lộ rõ dấu tích con đường Hoàng Gia trong nội thành

 Các loại đạn đá tiếp tục được phát hiện trong Thành nhà Hồ. Ảnh: BTH

Các loại đạn đá tiếp tục được phát hiện trong Thành nhà Hồ. Ảnh: BTH

Tại hội nghị, các nhà nghiên cứu khoa học, các nhà quản lý đánh giá cao kết quả khai quật bước đầu khu vực bên trong và bên ngoài 4 cổng thành thuộc di sản Thành Nhà Hồ.

Các chuyên gia kiến nghị Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ xây dựng các kế hoạch nghiên cứu bảo tồn trong các năm tiếp theo trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Trước mắt, cần xây dựng các kế hoạch bảo vệ, bảo tồn cấp bách các di tích khảo cổ nhằm phát huy giá trị của di sản này.

T.Toàn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nhieu-dau-tich-phat-lo-tai-cuoc-khai-quat-thanh-nha-ho-nam-2022-post237881.html