Nhiều điển hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở Đam Rông

Phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã khích lệ bà con nông dân trên địa bàn huyện Đam Rông liên kết đầu tư sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật mới, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Cũng từ phong trào này đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu.

Chuyển đổi diện tích lúa, bắp sang trồng dâu nuôi tằm ở Đạ M’rông.

Chuyển đổi diện tích lúa, bắp sang trồng dâu nuôi tằm ở Đạ M’rông.

Là người dân tộc M’nông, sinh ra và lớn trên vùng đất khó của xã Đạ M’rông, anh Ha Boel, ở Thôn Liêng K’rắc 1 luôn trăn trở tìm hướng thoát nghèo để cải thiện đời sống. Với hơn 3ha diện tích đất canh tác nhưng trước đây anh chủ yếu trồng bắp, cà phê giống cũ, năng suất, hiệu quả kinh tế thấp. Năm 2018 anh được tham gia các lớp tập huấn chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp do Hội Nông dân huyện Đam Rông tổ chức. Từ đó, anh nhận thấy vùng đất ven sông K’rông Nô của gia đình đang trồng bắp phù hợp với việc trồng dâu, nuôi tằm. Bước đầu, anh Boel đã trồng 1 sào thử nghiệm xem cây dâu có phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ những ở địa phương không. Sau 1 năm triển khai mô hình, nhận thấy cây dâu, con tằm là hướng đi đúng để phát triển kinh tế, anh đã chuyển đổi 5 sào đất trồng bắp sang trồng dâu nuôi tằm. Đến nay, mỗi tháng anh Boel nuôi từ 2 - 3 hộp tằm, cho thu nhập ổn định từ 15 - 20 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn vận động bà con trong thôn chuyển đổi diện tích đất ven sông, suối để trồng dâu nuôi tằm. Đến nay, toàn Thôn Liêng K’rắc 1 đã có 13 hộ tham gia Tổ hợp tác Trồng dâu nuôi tằm. Vào vùng đất Thôn 2, xã Rô Men lập nghiệp với hai bàn tay trắng, chị Nguyễn Phương Bắc đã vượt qua bao khó khăn, vươn lên trong lao động, sản xuất, kinh doanh. Đến nay, chị Bắc đã xây dựng được mô hình phát triển kinh tế trang trại, thu mua nông sản, cung cấp vật tư nông nghiệp cho bà con ở địa phương. Cụ thể 11 ha đất canh tác của gia đình chị đã trồng cà phê, xen cây ăn trái, 5 sào trồng cỏ nuôi bò vừa tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có vừa tạo nguồn phân bón để chăm sóc cây trồng. Đặc biệt, với lợi thế về khí hậu, chị Bắc đã đầu tư xây dựng mô hình nuôi cá tầm thương phẩm, cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Ngoài ra, chị Bắc còn mở cơ sở buôn bán kinh doanh vật tư nông nghiệp, thu mua nông sản. Nhờ đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đến nay, thu nhập bình quân hàng năm của gia đình đạt từ 3 - 3,5 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động với thu nhập ổn định từ 5 đến 9 triệu đồng.

Vốn sinh ra từ miệt vườn sông nước miền Tây, lão nông Nguyễn Nghĩa Dũng đã lên vùng đất thôn Pang Pế Nâm, xã Đạ R’sal khai hoang đất canh tác để trồng cây ăn trái. Đến nay, ông Dũng đã xây dựng được mô hình trồng cây ăn trái với tổng diện tích 10 ha gồm sầu riêng, cam sành, quýt, bưởi da xanh và mở cơ sở kinh doanh cây giống, mỗi năm, mô hình của ông Dũng cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho từ 5 - 7 lao động địa phương. Cùng với đó, ông còn hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng, hỗ trợ giống cây cho 20 - 50 hội viên nông dân đẩy mạnh chuyển đổi giống cây trồng.

Một điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi khác là anh Nguyễn Huy Phương, ở thôn Đạ Mul, xã Đạ K’nàng. Nhận thấy vùng đất xã Đạ K’nàng phù hợp với việc trồng chuối Laba, năm 2017, anh Phương đã chuyển đổi 5 ha cà phê già cỗi sang trồng chuối Laba. Sau khi triển khai mô hình trồng chuối có hiệu quả, anh tiếp tục mở rộng diện tích và thành lập Hợp tác xã Chuối Laba Đạ K’nàng để huy động các hộ dân tham gia. Đến nay, đã có hơn 100 hộ thuộc xã Đạ K’nàng, Phi Liêng, huyện Đam Rông; xã Phúc Thọ, Tân Hà, huyện Lâm Hà liên kết tham gia Hợp tác xã để trồng gần 300 ha chuối Laba. Các sản phẩm chuối được hợp tác xã ký kết với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, xuất khẩu sang các thị trường, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Mỹ và các nước Trung Đông. Ở trong nước, sản phẩm được phân phối tại Thành phố Hồ Chí Minh và đang mở rộng thị trường các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ và các tỉnh ven biển miền Trung. Hiện nay, hợp xã đẩy mạnh chế biến các sản phẩm chuối khô, chuối bột phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Bà Võ Thị Thu, Phó Giám đốc Hợp tác xã Chuối Laba Đạ K’nàng, cho biết: “Tới thời điểm hiện nay, hợp tác xã đã huy động được hơn 100 hộ dân ở Phi Liêng, Đạ K’nàng, Phú Sơn, Phúc Thọ tham gia liên kết trồng chuối với diện tích 300 ha. Chúng tôi dự định đến năm 2025 mở rộng diện tích lên hơn 1.000 ha”.

Theo Hội Nông dân huyện Đam Rông, những năm qua, Hội đã làm tốt công tác tuyên truyền, động viên, cổ vũ nông dân phát huy truyền thống yêu nước, ý thức tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình liên kết hợp tác sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Riêng trong giai đoạn 2017 - 2022, huyện Đam Rông có 2.516 hộ được công nhận hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, tăng 105 hộ so với giai đoạn 2013 - 2017. “Phải nói rằng, Phong trào Sản xuất kinh doanh giỏi ở địa phương đang là một trong những phong trào lớn để các cấp Hội Nông dân trên địa bàn huyện đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, liên kết sản xuất để hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác nhằm sản xuất, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp. Đến thời điểm này, phong trào đã góp phần nâng cao chất lượng, sản phẩm các loại cây trồng ở địa phương. Đây là phong trào quan trọng góp phần thực hiện chính sách tam nông ở địa phương”, ông Nguyễn Thiện Chí - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đam Rông cho biết.

VĂN TÂM

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202208/nhieu-dien-hinh-nong-dan-san-xuat-kinh-doanh-gioi-o-dam-rong-3128459/