Nhiều doanh nghiệp dệt may gặp khó giữa căng thẳng Nga – Ukraine
Căng thẳng chiến sự giữa Nga – Ukraine đã ảnh hưởng nhất định tới những doanh nghiệp may mặc Việt Nam có đơn hàng xuất khẩu sang thị trường hai nước này. Và để phục hồi lại thị trường này không phải một sớm một chiều.
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), ông Vũ Đức Giang, đã có nhận định như trên tại một sự kiện của ngành diễn ra mới đây ở TPHCM khi nhận được câu hỏi của báo chí liên quan đến ảnh hưởng của ngành từ cuộc chiến Nga – Ukraine với ngành.
Nhiều doanh nghiệp dệt may bị ảnh hưởng do chiến sự Nga – Ukraine. Ảnh minh họa: Lê Hoàng
Theo ông Giang, chiến sự Nga – Ukraine đang gây ra không ít khó khăn cho những doanh nghiệp dệt may xuất khẩu vào các thị trường này.
Người đứng đầu hiệp hội đã chỉ ra 3 rủi ro chính mà các doanh nghiệp dệt may đang phải đối mặt. Thứ nhất, những đơn hàng Việt Nam đã và đang xuất khẩu vào Nga thì phương thức thanh toán bị dừng lại, gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
Rủi ro khác là doanh nghiệp đã mua nguyên phụ liệu cho những đơn hàng của thị trường hai nước này buộc phải dừng lại hoàn toàn. Doanh nghiệp giờ đây phải tìm kiếm khách hàng và thị trường các nước khác cho lượng hàng này để thay thế.
Tuy nhiên, ông Chủ tịch Vitas cho rằng việc tìm thị trường các nước khác thay thế là hoàn toàn không dễ dàng, bởi lẽ mặt hàng thời trang phụ thuộc vào gu ăn mặc của người tiêu dùng. Mỗi thị trường có gu riêng, chất liệu vải theo đó cũng khác nhau nên việc tìm kiếm nhà mua hàng mới sử dụng loại vải và nguyên liệu đã mua để phục vụ cho thị trường Nga và Ukraine là sẽ cần một quá trình.
“Điều này sẽ ảnh hưởng tới vấn đề lãi suất ngân hàng do doanh nghiệp phải chôn vốn vào đơn hàng đó”, ông Giang nói thêm.
Và khó khăn thứ ba là rủi ro trong trung hạn. Theo Chủ tịch Vitas, do không thể biết chắc được rằng cuộc chiến này có thể kéo dài bao lâu và sau khi chiến tranh kết thúc thì doanh nghiệp cũng không thể quay trở lại đàm phán trong một sớm một chiều do niềm tin đã bị ảnh hưởng trước đó.
“Chúng tôi đánh giá phải đến năm 2023, thậm chí là bước sang năm 2024 thì các thị trường Nga, Ukraine, Belarus mới có thể trở lại”, ông Giang nhận định.
Trước những rủi ro như trên, lãnh đạo Vitas đã đưa ra khuyến nghị với các doanh nghiệp là cần thông tin với Vitas về các hợp đồng đã xuất khẩu sang các thị trường này nhưng chưa được thanh toán để Hiệp hội báo cáo với Bộ Công Thương và các cơ quan quản lý chuyên ngành tìm giải pháp về dòng tiền tài chính.
Với những đơn hàng đang trên tàu vận chuyển đến các thị trường này, ông Giang khuyên doanh nghiệp cần dừng lại ngay khi đến các cảng quá cảnh như Singapore hay Hồng Kông để quay ngược về tìm cách tiêu thụ tại thị trường khác.
Về phần nguyên phụ liệu đã mua và những mẫu mã đã được phê duyệt, doanh nghiệp cần chuyển ngay sang thị trường khác, kể cả thị trường trong nước cũng có thể được xem là phương án thay thế, ông Giang chia sẻ.
Trên thực tế, một số doanh nghiệp dệt may Việt Nam cũng đã bị ảnh hưởng ngay khi chiến sự giữa Nga – Ukraine xảy ra. Nguyên nhân là do các nước phương Tây áp dụng lệnh trừng phạt và siết chặt việc làm ăn với thị trường Nga khiến các hãng vận chuyển quốc tế đều từ chối nhận đơn hàng giao cho Nga. Do đó đến nay các lô hàng đến hạn giao cho khách hàng tại Nga, các doanh nghiệp vẫn chưa giao được.
Việc Mỹ và các nước phương Tây loại Nga khỏi mạng lưới thanh toán quốc tế SWIFT gây ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam. Bởi lâu nay, hoạt động thanh toán giữa doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Nga được thực hiện chủ yếu qua mạng lưới này.
Mặc dù vậy, theo ông Vũ Đức Giang, ước mức thiệt hại do chiến tranh Nga – Ukraine tại các thị trường này của doanh nghiệp Việt Nam không nhiều trong tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam đi toàn cầu.
Lê Hoàng