Nhiều doanh nghiệp dệt may hạ mục tiêu xuất khẩu

Năm 2023, ngành dệt may Việt Nam đề ra hai kịch bản tăng trưởng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, mặc dù nhận định nhu cầu thị trường có nhích lên, nhưng toàn ngành chỉ kỳ vọng đạt con số mục tiêu từ 40 tỷ 500 triệu đến 41 tỷ USD. Đến hiện tại, nhiều doanh nghiệp trong ngành cũng đã hạ mục tiêu xuất khẩu.

Trong năm 2023, ngành dệt may Việt Nam đề ra hai kịch bản tăng trưởng, gồm kịch bản tích cực có thể đạt giá trị xuất khẩu là 47- 48 tỷ USD với kỳ vọng nhu cầu hồi phục trong nửa sau năm 2023 và 45-46 tỷ USD cho kịch bản còn lại kém tích cực hơn.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, mặc dù nhận định nhu cầu thị trường có nhích lên, nhưng toàn ngành chỉ kỳ vọng đạt con số mục tiêu từ 40 tỷ 500 triệu đến 41 tỷ USD. Đến hiện tại, nhiều doanh nghiệp trong ngành cũng đã hạ mục tiêu xuất khẩu.

Nhiều doanh nghiệp dệt may hạ mục tiêu xuất khẩu

Ba thị trường chính của doanh nghiệp này là Châu Âu, Mỹ và Nga. Hiện tại, thị trường châu Âu và thị trường Mỹ có mức sụt giảm kim ngạch xuất khẩu khá lớn, từ 20 – 30%. Riêng thị trường Nga có mức tăng từ 5 -10%, nhưng cũng không bù lại được . Thực tế này khiến mục tiêu xuất khẩu cả năm có thể phải giảm 10%.

Ông Phí Ngọc Trịnh – Tổng giám đốc Công ty May Hồ Gươm cho biết, “Doanh thu quý 3/2032 của đơn vị này giảm mạnh nhất từ đầu năm tới nay, giảm 15%. Tính chung 9 tháng, mức giảm từ 7 – 8%. Tình hình hàng hóa quý 4/2023 cũng chưa có nhiều chuyển biến tích cực. Mục tiêu doanh thu năm nay có thể sẽ phải giảm 10%.”

Mặc dù theo đánh giá của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, quý 4 này tín hiệu thị trường sẽ có hiệu ứng tốt hơn. Tuy nhiên trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, toàn ngành cũng chỉ đặt lại mục tiêu xuất khẩu ở mức 40 tỷ 500 triệu USD– 41 tỷ USD.

Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho hay, 6 tháng đầu năm mức giảm là 17%, nhưng đến 9 tháng mức giảm còn 12%. Nhưng khả năng kết thúc năm tài chính 2023 chúng tôi đang nhận định mức giảm sẽ về 7 – 8%. Chúng ta sẽ đạt được mục tiêu xuất khẩu khoảng 40 tỷ 500 triệu – 41 tỷ USD. Đó là một xu thế tất yếu.

Sự suy giảm về kim ngạch xuất khẩu và thị phần dệt may của Việt Nam, ngoài lý do khách quan về sự ảm đạm trong thị trường chung, xu hướng chuyển dịch đơn hàng sang các nước có lợi thế về mặt địa lý, còn do năng lực cạnh tranh ngành dệt may Việt Nam bị suy giảm, nguyên nhân đến từ các yếu tố cả về vĩ mô và vi mô.

Ông Nguyễn Văn Hội – Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công thương, Bộ Công Thương cho biết: “Nói là giảm mục tiêu xuất khẩu cũng được. Tuy nhiên, cần có những tính toán ổn định bền vững hơn trong thời gian tới; vi đó là mục tiêu xuất khẩu khi chúng ta đa dạng hóa các mặt hàng khác, tập trung vào sản xuất các mặt hàng thực sự có giá trị gia tăng cao. Còn, hiện nay tỷ lệ gia công của ngành dệt may là tương đối lớn. Vì vậy, thực ra sự suy giảm của xuất khẩu ngành dệt may có tác động, nhưng không lớn so với con số suy giảm.”

Để tháo gỡ khó khăn, các doanh nghiệp cho rằng trong điều hành vĩ mô, nhất là tỷ giá, cần tính toán đầy đủ ảnh hưởng của việc suy giảm xuất khẩu. Bản thân các doanh nghiệp phải có giải pháp ổn định lực lượng lao động, giữ chân khách hàng, chấp nhận các đơn hàng không phải thế mạnh, không có lãi, đồng thời cắt giảm tối đa các chi phí.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/nhieu-doanh-nghiep-det-may-ha-muc-tieu-xuat-khau-200938.htm