Nhiều doanh nghiệp lo cạn nguồn nguyên liệu

Về lâu dài, ngành công thương phải có những biện pháp khuyến khích các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước

Ngày 26-2, Bộ Công Thương đã họp đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến một số ngành sản xuất của Việt Nam. Trong đó, nhấn mạnh đến vướng mắc về nguồn cung nguyên phụ liệu, linh phụ kiện đầu vào cho sản xuất. Cuộc họp do Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chủ trì với sự tham dự của các cục, vụ và đơn vị thuộc bộ.

Nguy cơ dừng sản xuất

Báo cáo tại cuộc họp, ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp, khá lo lắng khi nguồn nguyên phụ liệu cho các ngành sản xuất trong nước đang cạn dần. Theo đó, những ngành hàng chịu ảnh hưởng lớn nhất do dịch Covid-19 -gồm: điện - điện tử; da giày - dệt may; sản xuất, lắp ráp ôtô.

Theo ông Hoài, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam hiện nay phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc và các quốc gia khác đang chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh như Hàn Quốc, Nhật Bản để phục vụ sản xuất.

Trong đó, điện - điện tử của Việt Nam là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Năm 2019, Việt Nam nhập khoảng 40 tỉ USD các mặt hàng linh kiện điện tử từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Hiện nay, các doanh nghiệp (DN) điện tử chỉ còn đủ nguyên liệu phục vụ cho sản xuất đến khoảng giữa hoặc cuối tháng 3. Tương tự, đa số DN dệt may và da giày chỉ dự trữ nguyên phụ liệu đến đầu tháng 3 hoặc đầu tháng 4. "Do đó, khả năng nhiều DN trong ngành phải tạm ngừng sản xuất là rất lớn" - ông Hoài lo ngại.

Đối với ngành sản xuất, lắp ráp ôtô, ông Trương Thanh Hoài cho biết dự kiến đến cuối quý I/2020, các DN sản xuất, lắp ráp ôtô sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ việc thiếu hụt nguồn linh kiện phục vụ sản xuất. Theo số liệu thống kê, năm 2019 nhập khẩu gần 4 tỉ USD phụ tùng, linh kiện ôtô, trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc 0,7 tỉ USD, Hàn Quốc là 1,14 tỉ USD... "Trong trường hợp phải tạm ngừng một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất do thiếu hụt nguồn nguyên phụ liệu và linh kiện đầu vào, các DN sẽ phải chịu rất nhiều chi phí phát sinh như chi phí vốn vay ngân hàng; duy tu, bảo trì máy móc trong quá trình tạm ngưng sản xuất; chi phí trả lương ngừng việc cho người lao động theo quy định của pháp luật về lao động" - ông Hoài nhấn mạnh.

Do các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo hiện nay chủ yếu được tổ chức theo chuỗi giá trị rất chặt chẽ, ngay cả trong vấn đề cung cấp nguyên phụ liệu và linh phụ kiện đầu vào, vì vậy việc ngay lập tức tìm được nguồn thay thế các yếu tố này trong ngắn hạn là hết sức khó khăn.

Cục Công nghiệp cho rằng trong trường hợp dịch bệnh kết thúc và phía Trung Quốc sản xuất, cung ứng trở lại nguồn đầu vào cho sản xuất trong nước thì giá thành nguyên vật liệu, linh phụ kiện nhập khẩu từ Trung Quốc có thể sẽ tăng lên so với trước đây, gây ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm trong nước.

Khẩn cấp tìm đối sách

Bên cạnh việc thiếu nguyên liệu phục vụ sản xuất, Cục Công nghiệp cho rằng thị trường tiêu thụ cũng là vấn đề lo ngại của nhiều DN. Theo đó, Trung Quốc cũng như một số quốc gia đang bùng phát dịch bệnh khác như Hàn Quốc, Nhật Bản là thị trường tiêu thụ lớn đối với một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là các ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn như dệt may, da giày, túi xách, máy vi tính. Vì vậy, ảnh hưởng của dịch bệnh cũng sẽ tác động đến kim ngạch xuất khẩu và thị trường tiêu thụ ngoài nước của các ngành hàng trên.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khi một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản có số ca nhiễm bệnh tăng nhanh, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh ảnh hưởng của dịch sẽ tác động lớn đến các ngành sản xuất, vận tải, logistics, phân phối, dịch vụ trên toàn thế giới chứ không chỉ Việt Nam. Dù phải chịu ảnh hưởng từ dịch nhưng Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu ngành công thương cần đánh giá kỹ lưỡng tác động của dịch để có thể đưa ra chính sách hỗ trợ DN hiệu quả, khả thi, không làm trầm trọng hóa tình hình.

Về vấn đề DN đối mặt việc thiếu nguyên liệu sản xuất, ông Trần Tuấn Anh đề nghị các cơ quan thuộc bộ cần tiếp tục phân tích dự báo và xây dựng đối sách để ứng phó. "Sản xuất nhiều ngành công nghiệp trọng điểm chỉ duy trì tới tháng 3. Rõ ràng chúng ta phụ thuộc vào nhập khẩu chứ chưa thể cải thiện ngay được" - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Người đứng đầu ngành công thương yêu cầu về lâu dài, phải có những biện pháp khuyến khích các DN công nghiệp hỗ trợ trong nước, đặc biệt là các DN sản xuất các nguyên phụ liệu đầu vào cho một số ngành công nghiệp như dệt may, da - giày tăng cường sản xuất để đáp ứng một phần nhu cầu nội địa.

Tại cuộc họp, nhiều ý kiến cho rằng Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương liên quan làm việc với chính quyền các tỉnh, địa phương cũng như cấp trung ương Trung Quốc trong việc xem xét áp dụng hợp lý các biện pháp kiểm soát biên giới có giới hạn trong việc phòng ngừa dịch bệnh để bảo đảm nguồn nguyên phụ liệu, linh phụ kiện đầu vào sản xuất cho các DN công nghiệp trong nước.

Bài và ảnh: Minh Chiến

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/kinh-te/nhieu-doanh-nghiep-lo-can-nguon-nguyen-lieu-20200226215418892.htm