Nhiều doanh nghiệp ngoài Nhà nước chưa xây dựng quy chế dân chủ

Khoảng 64% doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn, gần như không tổ chức hội nghị người lao động theo quy định.

Bảo đảm thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp

Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở sáng 14/6, đại biểu Trần Nhật Minh (đoàn Nghệ An) đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu xây dựng các quy định của pháp luật đảm bảo thực chất, có tính khả thi cao, dễ thực hiện hiệu quả.

Đồng thời, có cơ chế rõ ràng, mang tính pháp lý, hình thức, khắc phục được những hạn chế, bất cập trong thực hiện dân chủ cơ sở.

Từ đó, đảm bảo mục tiêu hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân.

Đại biểu đoàn Nghệ An bày tỏ quan tâm đến việc quy định về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp trong dự án Luật.

Thực tế thời gian qua, việc thực hiện dân chủ tại các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài Nhà nước chưa được như mong muốn.

Đại biểu Trần Nhật Minh phát biểu ý kiến tại hội trường.

Đại biểu Trần Nhật Minh phát biểu ý kiến tại hội trường.

“Như báo cáo tổng kết thi hành pháp luật về thực hiện dân chủ cơ sở của Bộ Nội vụ đã nêu, nhiều doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước chưa xây dựng quy chế dân chủ”, ông Minh nói và dẫn chứng tỉ lệ doanh nghiệp có tổ chức công đoàn khu vực ngoài nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tổ chức hội nghị người lao động còn thấp. Khoảng 64% doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn, gần như không tổ chức hội nghị người lao động theo quy định.

Đại biểu cũng chỉ rõ nguyên nhân của vấn đề này là do một số doanh nghiệp, người sử dụng lao động chưa nhận thức đúng ý nghĩa của việc tổ chức thực hiện quy chế dân chủ doanh nghiệp. Do đó chưa chủ động phối hợp mà chủ yếu do Ban chấp hành công đoàn cơ sở đề xuất, nên việc thực hiện quy chế dân chủ còn gặp khó khăn, nhất là doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước.

Một số doanh nghiệp không tổ chức lấy ý kiến của đa số người lao động nhưng vẫn ký thỏa ước lao động tập thể…

Theo đại biểu, việc thực hiện dân chủ doanh nghiệp cần được quan tâm đúng mức, phải nghiên cứu, rà soát, xây dựng các quy định của pháp luật để khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập trong thực tiễn, các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp.

Do đó, đại biểu Minh đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định của pháp luật lao động như đối thoại doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể, giải quyết tranh chấp lao động, hợp đồng lao động.

Những điều này đã được quy định tại Bộ luật Lao động và các văn bản dưới luật khác để không có sự trùng lặp, chồng chéo giữa hệ thống pháp luật về dân chủ cơ sở và hệ thống pháp luật lao động.

Cơ chế thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp phát triển

Đại biểu Trần Quốc Quân (đoàn Long An) nêu ý kiến về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp theo nội dung của Chương I của dự thảo Luật quy định về nội dung, hình thức, cách thức hiện dân chủ ở cơ sở, tại các doanh nghiệp. Trong đó bao gồm cả hợp tác xã và tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.

Đại biểu Quân cho rằng việc công khai và thực hiện dân chủ tại các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế.

Đại biểu Quân cho rằng việc công khai và thực hiện dân chủ tại các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế.

Đại biểu Quân thống nhất với dự thảo đề nghị trong dự thảo luật có một số nội dung quy định về đặc thù đối với doanh nghiệp nhà nước. Đây là tổ chức trực tiếp quản lý, sử dụng các nguồn đầu tư công của Nhà nước nên cần thiết phải có những quy định mang tính chất đặc thù để quản lý. Việc này nhằm kiểm soát việc tham nhũng, tiêu cực, lãng phí nếu có.

Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm các quy định chi tiết hơn về các nội dung doanh nghiệp phải công khai liên quan đến quyền và lợi ích trực tiếp của người lao động.

“Thực tế trong thời gian qua, việc công khai và thực hiện dân chủ tại các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, nhất là việc công khai các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp”, đại biểu Quân nêu ý kiến.

Phát biểu giải trình ý kiến của các ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, đối với việc thực hiện dân chủ trong doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp ngoài Nhà nước, bao gồm cả tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê muớn và sử dụng lao động, áp dụng theo Điều 3 của Bộ luật Lao động và cũng là việc kỹ thuật cho việc gọi tắt, tránh phải nhắc đi, nhắc lại nhiều lần trong dự án luật này.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu giải trình tại phiên thảo luận.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu giải trình tại phiên thảo luận.

Theo Bộ trưởng, đây không phải là vấn đề mới, đã thực hiện Nghị định từ năm 2013, đó là trên cơ sở Kết luận số 65 của Bộ Chính trị và sau đó Nghị định 60, Nghị định 159. Mới đây, nhất là Nghị định 145, sau khi cụ thể hóa Bộ luật Lao động năm 2019.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ chia sẻ: "Thực chất nội dung này khi đưa vào là việc kế thừa các quy định nêu trên, không làm thay đổi bản chất quan hệ lao động, không làm ảnh hưởng và xung đột các bộ luật liên quan, không mâu thuẫn các điều ước quốc tế về lao động mà Việt Nam tham gia và bảo đảm được mối quan hệ hài hòa, hợp tác cùng phát triển.

Nếu doanh nghiệp làm tốt biện pháp để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động và là cơ chế để hỗ trợ, thúc đẩy cho doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến của đại biểu chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện vấn đề này hơn".

Hoàng Thị Bích

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nhieu-doanh-nghiep-ngoai-nha-nuoc-chua-xay-dung-quy-che-dan-chu-a556478.html