Nhiều giải pháp giảm nghèo cho đồng bào dân tộc Khmer

Huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh có trên 33.000 người dân tộc thiểu số, trong đó, khoảng 32% là đồng bào dân tộc Khmer. Cuối năm 2021, toàn huyện Cầu Kè còn 244 hộ nghèo người dân tộc Khmer, chiếm 50,62% so với tổng số hộ nghèo toàn huyện. Trước tình hình này, Ban Thường vụ Huyện ủy đã có sáng kiến triển khai mô hình 'Đồng hành cùng người nghèo' nhằm thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua 'Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau'. Để thực hiện tốt công tác giảm nghèo, huyện Cầu Kè đã tập trung chủ yếu vào việc tạo kế sinh nhai, giúp bà con cải thiện cuộc sống.

Chị Thạch Thị Phol vui mừng vì cuộc sống gia đình đã đổi thay nhờ sự giúp đỡ của đảng viên. Ảnh: Trần Dũng

Chị Thạch Thị Phol vui mừng vì cuộc sống gia đình đã đổi thay nhờ sự giúp đỡ của đảng viên. Ảnh: Trần Dũng

Thực hiện mục tiêu giảm nghèo, theo kế hoạch, mỗi năm, Ban Thường vụ Huyện ủy hỗ trợ 4 hộ, mỗi xã đỡ đầu 1 - 2 hộ thoát nghèo. Cách thức được Huyện ủy chỉ đạo thống nhất là phân công đảng viên hỗ trợ hộ nghèo. Hàng tháng, hàng quý, đảng viên đó phải báo cáo và chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Huyện ủy, nếu hộ được phân công không thể thoát nghèo. Các đảng viên tiến hành khảo sát nhu cầu của từng hộ nghèo xem họ cần được giúp đỡ, hỗ trợ cụ thể về vốn, kiến thức làm ăn hay công cụ, phương tiện, vật tư sản xuất... Thông qua đó, nắm rõ nguyên nhân dẫn đến nghèo để có biện pháp giúp đỡ sát nhất với mong muốn của hộ, đồng thời có cơ sở để báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương và kêu gọi cộng đồng xã hội đóng góp vật chất hỗ trợ hộ nghèo thoát nghèo.

Đồng chí Nguyễn Hoàng Khải, Bí thư Huyện ủy Cầu Kè cho biết, Ban Thường vụ Huyện ủy phân công từng đồng chí, kể cả Bí thư Huyện ủy, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện, các đồng chí trong Ban Thường vụ nhận đỡ đầu một hộ dân, tập trung chủ yếu vào việc tạo kế sinh nhai giúp bà con cải thiện đời sống hàng ngày, từng bước nâng cao hơn chất lượng cuộc sống. Sau 3 năm thực hiện phương thức này, huyện Cầu Kè đã có 90 hộ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương chỉ còn 0,58%. Ngoài đảng viên được phân công, còn có sự vào cuộc của nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Hiện, đã huy động được hơn 5 tỷ đồng để hỗ trợ hộ nghèo xây 51 căn nhà và có vốn phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.

Chỉ chừng một năm trước đây, gia đình chị Thạch Thị Phol, dân tộc Khmer, ở xã Châu Điền vẫn thuộc diện đặc biệt khó khăn. Từ khi được Đảng bộ xã phân công đảng viên hỗ trợ, chị được nhận vào làm lao công tại UBND xã với mức lương 2 triệu đồng/tháng. Chị Phol chia sẻ, hàng ngày, chồng chị cũng đi làm, có thu nhập, lại được Nhà nước hỗ trợ cho căn nhà, được hướng dẫn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để mua 2 con bò về nuôi nên gia đình đã thoát nghèo bền vững. Còn bà Thạch Thị Thương, dân tộc Khmer, ở xã Phong Thạnh đã hai lần được Nhà nước hỗ trợ bò giống, nay tiếp tục được hỗ trợ nhà ở. Bà vô cùng phấn khởi, cảm ơn Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp trong tỉnh đã giúp đỡ gia đình sinh kế và nơi ăn chốn ở đàng hoàng.

Được biết, năm 2022, bằng cách thức phân công đảng viên giúp đỡ hộ nghèo, huyện Cầu Kè đã giúp được 15 hộ thoát nghèo, đạt 100% kế hoạch. Trong đó, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện vận động hỗ trợ giúp đỡ được 4 hộ nghèo ở 2 xã Châu Điền, Hòa Tân, với tổng kinh phí trên 418 triệu đồng; Ban Chấp hành Đảng bộ các xã, thị trấn vận động hỗ trợ giúp đỡ được 11 hộ nghèo, với tổng kinh phí gần 817 triệu đồng.

Năm 2023, huyện Cầu Kè tiếp tục giúp đỡ 17 hộ nghèo và cận nghèo, trong đó, Ban Chấp hành Huyện ủy hỗ trợ giúp đỡ 4 hộ tại 2 xã Hòa Ân và Phong Thạnh, mỗi xã 2 hộ; mỗi xã, thị trấn hỗ trợ giúp đỡ ít nhất là 1 hộ; riêng 2 xã Ninh Thới và Thạnh Phú không còn hộ nghèo thì mỗi xã chọn 2 hộ cận nghèo để hỗ trợ, giúp đỡ thoát nghèo. Các hộ được giúp đỡ là hộ không có khả năng lao động và hộ đồng bào dân tộc Khmer vì tỷ lệ hộ nghèo trong dân tộc Khmer chiếm tới trên 40% tổng số hộ nghèo của huyện, qua đó, góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo chung của huyện. Đến cuối năm 2023, toàn huyện còn 180 hộ nghèo, trong đó, hộ nghèo dân tộc Khmer chỉ còn 58 hộ, chiếm 0,58% tổng số hộ người Khmer.

Trằm nón lá - một nghề giúp người dân ở xã Phong Phú, huyện Cầu Kè có thêm thu nhập. Ảnh: Trần Dũng

Trằm nón lá - một nghề giúp người dân ở xã Phong Phú, huyện Cầu Kè có thêm thu nhập. Ảnh: Trần Dũng

Bên cạnh những giải pháp trên, trong 6 tháng đầu năm 2024, huyện Cầu Kè còn chủ động thực hiện cấp phát 30.241 thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng thuộc diện được Nhà nước hỗ trợ, trong đó, có 264 thẻ cấp cho hộ nghèo, 1.520 thẻ cho hộ diện cận nghèo, 3.520 thẻ cấp cho người dân ở ấp II, xã Phong Thạnh là ấp đặc biệt khó khăn, 9.054 thẻ cho người dân xã An toàn khu Ninh Thới... Bằng vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện đã hỗ trợ làm nhà ở cho 12 hộ với kinh phí 552 triệu đồng; chuyển đổi nghề cho 6 hộ, kinh phí 60 triệu đồng; 360 học sinh được hưởng hỗ trợ chi phí học tập với số tiền trên 221 triệu đồng...

Từ nay đến cuối năm, huyện Cầu Kè tiếp tục thực hiện công tác kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo. Tập trung hoàn thành việc hỗ trợ nhà ở cho các hộ khó khăn về nhà ở; đồng thời, thực hiện tốt các chính sách dân tộc, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phấn đấu đến năm 2029, không còn hộ nghèo là dân tộc thiểu số (trừ hộ nghèo dân tộc thiểu số không có khả năng lao động).

Trần Dũng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhieu-giai-phap-giam-ngheo-cho-dong-bao-dan-toc-khmer-post480945.html