Nhiều giải pháp, giao thông TP HCM mới thoáng
Ngoài giải pháp thu phí ôtô vào khu vực trung tâm, TP HCM cần thực hiện nhiều nhóm giải pháp khác mới có thể giải quyết vấn nạn quá tải xe cộ
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông đô thị cho rằng các giải pháp hạn chế xe cá nhân, phát triển hệ thống giao thông công cộng, quy hoạch mật độ đô thị khu trung tâm là vấn đề đặc biệt quan trọng để giải bài toán quá tải.
Cam kết giảm ùn tắc
Thu phí ôtô vào khu trung tâm có kéo giảm kẹt xe là câu hỏi được dư luận quan tâm. Để trả lời câu hỏi này, cần nhắc lại hồi năm 2009, UBND TP HCM chấp thuận cho Công ty CP Công nghệ Tiên Phong (ITD) tổ chức nghiên cứu đầu tư dự án lắp đặt hệ thống thiết bị kiểm soát và thu phí tự động đối với ôtô ra vào khu trung tâm. Đến năm 2017, đề án đề xuất lập vành đai thu phí với 34 cổng thu, khép kín khu trung tâm bao gồm các quận 1, 3 và vùng giáp ranh quận 5, 10… Thời điểm này, nhà đầu tư đề xuất tự bỏ vốn xây dựng với khoảng 1.500 tỉ đồng, thực hiện theo hình thức BLT (xây dựng, thuê dịch vụ và chuyển giao) trong thời hạn 15 năm (2018-2034). Nhà đầu tư chỉ cung cấp giải pháp, còn tiền phí được sử dụng thế nào do chính quyền TP HCM quyết định.
Theo đó, thay vì sử dụng thiết bị OBU như lần nghiên cứu trước, chủ đầu tư sử dụng công nghệ nhận diện vô tuyến (RFID) kết hợp tự động nhận dạng biển số (ANPR). Cách này được cho là bảo đảm khả năng thu phí đa làn không dừng với công suất 1.800 ôtô/giờ/làn. Hệ thống chỉ thu trong giờ cao điểm (6 giờ đến 9 giờ và 16 giờ đến 19 giờ) để người dân lựa chọn thời gian di chuyển và tuyến đường phù hợp. Phí có 2 loại: ôtô con là 40.000 đồng/lượt; ôtô khách là 50.000 đồng/lượt. Xe biển xanh vào trung tâm vẫn phải nộp phí, trừ xe công vụ ưu tiên theo quy định (cấp cứu, hộ đê, chữa cháy…). Xe buýt không bị thu phí; giảm 25% đối với taxi (30.000 đồng). Theo tính toán của đề án, trong năm đầu tiên áp dụng thu phí, lượng ôtô vào khu trung tâm giờ cao điểm sẽ giảm tới 40%, nhường đường cho xe buýt tăng từ 9% lên 15%. Việc này giúp thay đổi hành vi sử dụng xe cá nhân, chuyển sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Với những nghiên cứu và tính toán như trên, sau nhiều lần lấy ý kiến đóng góp, phản biện vẫn có nhiều luồng dư luận trái chiều nên không thể triển khai. Và hiện nay, đề xuất của Sở Giao thông Vận tải được xem là dựa trên nền tảng của những nghiên cứu nêu trên. Ông Ngô Hải Đường, Trưởng Phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ Sở Giao thông Vận tải TP HCM, khẳng định theo kinh nghiệm và từ nghiên cứu của nhiều nước như Singapore, Thụy Điển..., sau khi áp dụng việc thu phí ôtô, khu vực trung tâm sẽ giảm từ 30% - 50% lượng ôtô trong giờ cao điểm, các tuyến đường thông thoáng hơn nhiều.
Cần thêm nhiều giải pháp khác
Khẳng định việc thu phí ôtô vào khu trung tâm là cấp thiết trong bối cảnh hiện nay, tuy nhiên theo ông Ngô Hải Đường, đó chỉ là một trong tổng thể những giải pháp hạn chế ùn tắc và ô nhiễm môi trường tại TP. Vậy những giải pháp kèm theo là gì, ông Đường cho biết dựa trên những nghiên cứu đã nêu ra trong đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cá nhân tại TP, nhiều phương án đang được nghiên cứu thực hiện.
Theo đó, các nhóm giải pháp tuân theo nguyên tắc "kéo - đẩy", tức song song hạn chế xe cá nhân là phát triển hệ thống giao thông công cộng. Bên cạnh việc áp dụng "vành đai" thu phí ôtô vào khu trung tâm, đề án cũng nêu vấn đề cần phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống VTHKCC. Việc này triển khai theo lộ trình và tiến tới cấm xe máy tại một số khu vực trung tâm như các quận 1, 3, 5, 10... giai đoạn 2025-2030. Bên cạnh đó, TP cũng phải nghiên cứu hạn chế số lượng ôtô đăng ký mới, kết hợp hạn chế xe ngoại tỉnh lưu thông vào trung tâm, trước khi bảo đảm đủ điều kiện về hạ tầng. Mặt khác, đề án này còn nêu hàng loạt giải pháp khác như tập trung triển khai các dự án giao thông thông minh, trọng tâm là xây dựng cơ sở dữ liệu về hạ tầng và phương tiện giao thông, các phần mền phục vụ quản lý...
Song song việc hạn chế xe cá nhân, trong việc tăng cường phát triển VTHKCC, đề án nêu rõ đầu tiên phải nâng cao năng lực quản lý, điều hành và khai thác của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng. Bên cạnh đó là phát triển mạng lưới VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn TP đến năm 2030 nhằm hình thành những tuyến xe buýt có hiệu quả, các tuyến xe buýt mini..., ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng và dành quỹ đất hợp lý cho phát triển vận tải công cộng bằng xe buýt. Tất cả những giải pháp này cộng với việc hình thành các tuyến metro và những loại hình vận tải công cộng lớn thì khu trung tâm mới kỳ vọng sẽ "dễ thở".
Phải "đánh" vào quy hoạch đô thị
PGS-TS Nguyễn Lê Ninh, ủy viên MTTQ TP HCM, nhìn nhận thực trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm ngày càng gia tăng là một trong những hệ lụy của những quy hoạch trước đây. Ông Ninh nhận định phần lớn người dân tại TP HCM hiện sinh sống và đi lại theo dạng cá thể, biểu hiện qua tình trạng sáng và chiều mỗi ngày đổ dồn ra vào trung tâm, thậm chí xuyên tâm mới có thể đáp ứng được nhu cầu làm việc, giao thương, sinh hoạt... "Quãng đường xa, thời gian di chuyển dài và không ai muốn vậy. Thế nhưng, đó lại là nhu cầu bắt buộc bởi hầu hết các dịch vụ, nơi làm việc... "nén" ở khu trung tâm nên kẹt xe là vấn đề tất yếu. Vì vậy, nếu có những khu dân cư khép kín, đáp ứng đầy đủ các dịch vụ, tiện ích như công việc, nhà ở, trường học, bệnh viện, mua bán... thì nhu cầu đi lại sẽ tự động giảm bớt" - ông Ninh nói.
Giảng viên đô thị học một trường đại học cho rằng vấn đề kẹt xe không hẳn là do ôtô bên ngoài vào trung tâm mà bởi quy hoạch và quản lý đô thị có nhiều bất cập. Vấn đề này thể hiện rõ nhất là tình trạng tại khu trung tâm, cao ốc, siêu thị, trung tâm thương mại với mật độ dày đặc trong khi cơ sở hạ tầng giao thông phát triển không theo kịp, nhiều tuyến đường chưa được mở rộng theo quy hoạch phải kết nối giao thông ra vào nên dẫn đến xung đột trực tiếp giữa các phương tiện. Vì vậy về lâu dài, phải sắp xếp lại việc đi lại, học hành, giãn dân cư nội thành và nơi thường xảy ra kẹt xe. Đặc biệt, hạn chế xây dựng nhà cao tầng ở khu vực trung tâm và những nơi có nguy cơ ùn tắc.
Người dân sẽ hưởng lợi nhiều hơn
* Phóng viên: Theo đề án mà đơn vị ông đã nghiên cứu thì để phát huy hiệu quả phải cần thêm những giải pháp nào?
- Ông LÂM THIẾU QUÂN: Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ Tiên Phong - đơn vị trước đây được giao nghiên cứu đề án thu phí ôtô vào khu trung tâm: Trong đề án, công ty đề xuất miễn phí đi xe buýt ở khu trung tâm. Việc này nhằm khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng khi di chuyển vào nội đô. Cụ thể là miễn phí xe buýt vào quận 1, quận 3. Chi phí phục vụ cho việc này được trích từ khoản phí thu từ ôtô vào trung tâm. Hiện nay, quận 1 và quận 3 đường không thể mở rộng thêm nữa nên phải ưu tiên xe buýt. Đường thì nhỏ nếu giữ như hiện nay thì xe buýt hoạt động không thuận tiện, không khuyến khích người dân tham gia.
* Nhưng người dân ở khu trung tâm lo phải "oằn mình" đóng phí?
- Đối với những ôtô của người dân ở trung tâm, đề án nghiên cứu các phương án. Một là đi ra thì miễn phí, chỉ tính phí đi vào. Hai là mỗi ngày được miễn phí một lượt hoặc là có thể giảm phí cho người dân khu vực trung tâm. Nếu người dân chọn lưu thông giờ thấp điểm, tránh cao điểm thì không bị đóng phí, bởi phí chỉ được thu vào giờ cao điểm. Hơn nữa, khi các tuyến metro đi vào hoạt động, đi xe buýt ở khu nội đô được miễn phí thì rất thuận tiện để người dân lựa chọn di chuyển bằng metro. Đi metro vào trung tâm, họ có thể tiếp tục sử dụng xe buýt để di chuyển. Như vậy giải tỏa rất lớn về giao thông.
* Những xe ngoại tỉnh vào trung tâm TP đóng phí thế nào?
- Việc thu phí ôtô vào trung tâm dự kiến thực hiện vào năm 2021, lúc này trên toàn quốc, các trạm thu phí đã thu tự động nên xe tỉnh hay TP cũng như nhau, vì mọi thứ đã được tích hợp và dùng chung.
Phan Anh thực hiện