Nhiều gởi gắm đến Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội khóa XV

Sáng ngày 19/10, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tổ chức Hội nghị trao đổi, nắm bắt tình hình kinh tế - xã hội và các vấn đề khó khăn, bức xúc của địa phương trước Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội khóa XV. Tham dự có ông Huỳnh Quốc Việt, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Nguyễn Quốc Hận, Phó Trưởng đoàn Phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh.

Hội nghị nghe báo cáo kết quả hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau giữa 2 kỳ họp và dự kiến nội dung, chương trình Kỳ họp thứ Sáu của Quốc hội sắp diễn ra; trao đổi, nắm bắt tình hình kinh tế - xã hội và các vấn đề khó khăn, bức xúc của tỉnh Cà Mau.

Hội nghị nghe báo cáo kết quả hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau giữa 2 kỳ họp và dự kiến nội dung, chương trình Kỳ họp thứ Sáu của Quốc hội sắp diễn ra; trao đổi, nắm bắt tình hình kinh tế - xã hội và các vấn đề khó khăn, bức xúc của tỉnh Cà Mau.

Ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh, báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội Cà Mau 9 tháng và một số đề xuất, kiến nghị của tỉnh với Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành Trung ương.

Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, theo quy định của Luật Đầu tư công, các dự án nhóm B, C không được thực hiện tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, dẫn đến việc triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công chậm tiến độ (vì phải đợi thực hiện xong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng mới triển khai thực hiện dự án). Đề xuất, kiến nghị Quốc hội bổ sung quy định cho phép tách riêng dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với các dự án nhóm B, C tương tự như dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A.

Bên cạnh đó, Luật Đầu tư công quy định việc gia hạn thời gian bố trí vốn ngân sách địa phương; kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn ngân sách địa phương thuộc thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh. Tuy nhiên, thẩm quyền giao, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công hàng năm của ngân sách cấp huyện và cấp xã quản lý thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND, UBND cấp huyện, cấp xã; đồng thời, các công trình sử dụng vốn ngân sách cấp huyện và cấp xã quản lý có số lượng nhiều, quy mô vốn nhỏ. Do đó, nếu giao HĐND cấp tỉnh quyết định cho phép gia hạn thời gian bố trí vốn ngân sách địa phương, kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn ngân sách địa phương sẽ gây khó khăn, mất thời gian trong quá trình quản lý, điều hành vốn.

Vì vậy, Cà Mau đề xuất cấp thẩm quyền quy định bổ sung quy định giao HĐND cấp huyện, cấp xã quyết định việc gia hạn thời gian bố trí vốn, kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn ngân sách cấp mình quản lý. Đồng thời, đề xuất điều chỉnh, bổ sung những quy định chưa phù hợp, gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện: Việc sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước để cải tạo, nâng cấp, mở rộng các hạng mục trong các cơ sở, công trình đã được đầu tư; thủ tục thực hiện và tạm ứng vốn công trình khẩn cấp; định mức các chi phí tư vấn, hợp đồng thi công xây dựng; tổ chức, kiện toàn Quỹ phòng, chống thiên tai; thực hiện tiêu chí nước sạch trong xây dựng nông thôn mới; bổ sung chính sách bảo hiểm cho thân nhân của thương binh.

Ông Huỳnh Quốc Việt, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, nêu một số đề xuất, kiến nghị của tỉnh với Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành Trung ương.

Ông Huỳnh Quốc Việt, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, nêu một số đề xuất, kiến nghị của tỉnh với Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành Trung ương.

Đối với những khó khăn, vướng mắc về tình hình kinh tế - xã hội, ông Huỳnh Quốc Việt nêu những kiến nghị cấp thiết của Cà Mau. Theo đó, đề xuất, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, xem xét có cơ chế ưu tiên đầu tư và hỗ trợ đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng của vùng ĐBSCL; đặc biệt là tăng định mức phân bổ vốn đầu tư công hỗ trợ cho các tỉnh khó khăn về đầu tư kết cấu hạ tầng (như tỉnh Cà Mau) cao gấp 3-4 lần so với nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn trong giai đoạn 2021-2025.

Trung ương sớm có cơ chế, chính sách đặc thù về thu hút đầu tư phù hợp với các tỉnh ven biển để khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển, hạn chế tác động của biến đổi khí hậu, bảo vệ và phát triển rừng, đảm bảo an sinh cho người dân ở khu vực ven biển.

Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương cần có biện pháp quản lý, bình ổn giá cả vật tư đầu vào phục vụ nuôi tôm; quản lý tốt giá tôm nguyên liệu, tránh để tình trạng tôm rớt giá ảnh hưởng đến sản xuất của người dân; cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ, hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu trong nước phục vụ cho sản xuất thức ăn nuôi tôm, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Cà Mau kiến nghị Trung ương tiếp tục dành nguồn lực để hỗ trợ phát triển đồng bộ hạ tầng cơ sở. (Ảnh: Thi công lộ giao thông nông thôn tại xã Trí Lực, huyện Thới Bình).

Cà Mau kiến nghị Trung ương tiếp tục dành nguồn lực để hỗ trợ phát triển đồng bộ hạ tầng cơ sở. (Ảnh: Thi công lộ giao thông nông thôn tại xã Trí Lực, huyện Thới Bình).

Ngày 18/8/2023, Bộ Công thương có Công văn số 6412/BCT-ĐL gửi Thủ tướng Chính phủ về việc chủ trương xuất khẩu điện từ Việt Nam sang Singapore; trong đó có nêu khó khăn trong việc thẩm định Đề án xuất khẩu điện tỉnh Cà Mau do chưa có văn bản hướng dẫn về quy trình, thủ tục; đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn quy trình, thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt Đề án. Tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét, có ý kiến về vấn đề này để Bộ Công thương thẩm định Đề án, làm căn cứ để UBND tỉnh Cà Mau trình Thủ tướng Chính phủ (đây là nhiệm vụ được giao trong Chương trình công tác của Thủ tướng Chính phủ năm 2023).

Tỉnh cũng kiến nghị Tổng Công ty Khí Việt Nam sớm có giải pháp cung cấp khí ổn định trong dài hạn, đảm bảo lượng khí cấp cho Nhà máy điện Cà Mau 1 và 2 theo từng tháng hoặc theo mùa (mùa khô và mùa mưa), đáp ứng sản lượng điện của 2 nhà máy theo nhu cầu của thị trường điện.

Về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, Cà Mau kiến nghị Trung ương xem xét sớm bổ sung Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh từ TP Cà Mau đến Mũi Cà Mau vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; đầu tư kéo dài tuyến cao tốc Cà Mau - Đất Mũi; nâng cấp, mở rộng tuyến Quốc lộ 63, đường Hành lang ven biển phía Nam; sớm đầu tư nâng cấp Cảng Hàng không Cà Mau theo quy hoạch.

Ông Dư Minh Hùng, Giám đốc Sở Y tế, nêu những khó khăn liên quan đến lĩnh vực phụ trách.

Ông Dư Minh Hùng, Giám đốc Sở Y tế, nêu những khó khăn liên quan đến lĩnh vực phụ trách.

Hội nghị sôi nổi với phần thảo luận của các đại biểu, tập trung vào một số lĩnh vực liên quan đến các Luật đã ban hành, dự Luật sắp được trình để thông qua Quốc hội có sức tác động lớn đến đời sống xã hội, trên các lĩnh vực như: Đất đai, giáo dục, y tế, an ninh mạng, viễn thông, bảo hiểm, căn cước công dân, giao thông, bình ổn giá cả xăng dầu, giá điện... Đây đều là những vấn đề còn vướng mắc trong thực tế tại Cà Mau, cần các bộ, ngành Trung ương, Chính phủ và Quốc hội xem xét để có giải pháp, điều chỉnh phù hợp.

Ông Nguyễn Quốc Hận, Phó Trưởng đoàn Phụ trách Đoàn đại biểu ĐBQH tỉnh, cho biết sẽ gởi toàn bộ các ý kiến, kiến nghị của tỉnh Cà Mau đến các ĐBQH tỉnh đang công tác tại Trung ương, sau đó sẽ tổng hợp các theo cụm vấn đề để chuyển đến các bộ, ngành Trung ương, Chính phủ và Quốc hội./.

Quốc Rin

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/nhieu-goi-gam-den-ky-hop-thu-sau-quoc-hoi-khoa-xv-a29685.html