Nhiều người bị rắn độc cắn, chuyên gia mách 'mẹo hay' phòng tránh
Đối với trường hợp bị rắn độc cắn, việc sử dụng thuốc nam hay chích, rạch, bôi các loại thuốc không rõ nguồn gốc… đều không có tác dụng.
Nhiều người gặp nạn cùng thời điểm rắn độc đi kiếm ăn
Trước tình trạng nhiều người gặp nạn cùng thời điểm rắn độc kiếm ăn, nhân viên đội kỹ thuật đã chia sẻ cách phòng tránh giảm rủi ro.
Theo Giáo Dục & Thời Đại, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á - Tây Ninh cho hay, thời gian gần đây bệnh viện liên tục tiếp nhận, cấp cứu nhiều nạn nhân bị rắn độc tấn công giữa đêm khuya.
Bệnh nhân thứ nhất là ông T.H (58 tuổi). Ông H bị rắn lục đuôi đỏ cắn vào mu bàn chân phải lúc ông thức dậy đi vệ sinh giữa khuya.
Tiếp đến là chị N.O (31 tuổi) bị loài rắn này cắn vào cẳng chân phải khi chị đi cạo mủ cao su.
Được biết cả hai phải nhập viện trong tình trạng sưng đau phù nề cẳng bàn chân và rối loạn đông máu mức độ nặng, dẫn tới nguy cơ xuất huyết cao.
Cách phòng tránh rắn cắn
Trao đổi với Vietnamnet, ThS.BS Trần Thị Mỹ Hạnh, Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ cách phòng ngừa rắn cắn:
- Hãy tránh tới những nơi có thể có rắn như những khu vực có cỏ cao, bụi cây um tùm, hang có nhiều gạch đá, khu vực gần chuồng gia cầm.
- Nếu đi khi đi trên cỏ rậm hoặc vườn cây có nhiều lá khô nên mang giày ống cao và mặc quần dài phủ ra ngoài giày. Tránh ra vườn sau mưa rào, trời tối.
- Cha mẹ không cho trẻ nằm ngủ dưới nền nhà.
- Khi thấy rắn trong tự nhiên, nên để rắn tự đi. Tránh bắt hay chọc phá rắn.
Đặc biệt, khi bị rắn độc cắn hoặc nghi ngờ rắn độc cắn, cần thực hiện các biện pháp sơ cứu đúng cách như sau:
- Động viên, trấn an, để bệnh nhi nằm yên. Đặt nơi bị cắn thấp hơn so với tim để hạn chế hấp thu nọc độc.
- Rửa sạch vết thương bằng xà phòng và nước muối sinh lý.
- Dùng một miếng gạc khô và sạch để băng kín vùng bị cắn.
- Băng ép tại chỗ cắn lên tới gốc chi, băng tương đối chặt nhưng vẫn còn sờ thấy mạch đập, không garô động mạch
- Dùng nẹp cứng để cố định chi
- Duy trì băng ép, bất động chi và vận chuyển kịp thời người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.
- Cung cấp hình dạng, màu sắc hoặc ảnh chụp con rắn cho bác sĩ để dễ dàng nhận biết loại rắn, nhằm có biện pháp cấp cứu kịp thời.
Bác sĩ cũng khuyến cáo cha mẹ không sử dụng các biện pháp sau: cố gắng hút nọc độc của rắn; trích, rạch, nặn, bóp tại vùng vết cắn; không loay hoay tìm kiếm và áp dụng các kinh nghiệm dân gian hoặc thầy lang để sơ cứu.
Trúc Chi (t/h)