Nhiều phụ huynh ở TP. HCM đã sớm kiếm trường THPT 'giữ chỗ' cho con
Sáng 24/6, Sở GD-ĐT TP. HCM đã chính thức công bố điểm kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập năm 2022-2023. Trước đó, nhiều phụ huynh đã sớm đăng ký cho con học trường khác để có… đường lui.
Sáng 24/6, Sở GD-ĐT TP. HCM đã chính thức công bố điểm thi lớp 10 năm học 2022-2023, sau hơn 10 ngày chấm thi. Sau khi nhận kết quả thi tuyển sinh, các em có nhu cầu phúc khảo bài thi có thể làm đơn và nộp tại trường THCS, nơi học lớp 9 trong hai ngày 24 – 25/6. Sở sẽ tổ chức chấm phúc khảo bài thi của thí sinh từ ngày 29/6 - 1/7; kết quả chấm phúc khảo được công bố ngày 2/7.
Học sinh lớp 9 trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập ở TP. HCM.
Bài liên quan
Phụ huynh muốn mở thêm nhiều trường công, tăng cơ hội học tập cho học sinh
Quản lý giá sách giáo khoa phù hợp, đảm bảo mọi học sinh đều được tiếp cận với giá hợp lý
Không ép buộc, vận động học sinh và phụ huynh mua ngoài danh mục sách giáo khoa
Bộ Giáo dục và Đào tạo: Tuyên truyền để học sinh không viết, vẽ vào sách giáo khoa
Dự kiến, ngày 27/6, Sở công bố điểm chuẩn tuyển sinh lớp 10 chuyên, tích hợp và kết quả tuyển thẳng; ngày 11/7 Sở sẽ công bố điểm chuẩn và danh sách học sinh trúng tuyển vào lớp 10 của hơn 100 trường THPT năm học 2022 - 2023.
Trước đó, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vừa qua có khoảng 93.000 thí sinh trong tổng số khoảng 100.000 học sinh tốt nghiệp THCS đăng ký dự thi. Năm nay, TP. HCM đưa ra chỉ tiêu cho lớp 10 công lập là 72.800 em. Số không đậu có thể chọn học tiếp tại các trường THPT ngoài công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường nghề.
“Sớm biết con không đủ điểm”
Chia sẻ với phóng viên báo Nhà báo & Công luận, chị Võ Thị T.N. (40 tuổi, ngụ quận 5) cho biết, nhiều ngày qua đã chị tranh thủ tìm trường cho con vừa tốt nghiệp cấp 2, để tiếp tục học trong thời gian tới.
Nói về kỳ thi tuyển vào lớp 10 công lập, chị N. chia sẻ, cả gia đình đã tự tính kết quả thi của con dựa trên đáp án mà Sở đã công bố. Nhận thấy số điểm cả 3 môn không khả quan, tỉ lệ đậu vào các trường công lập trên địa bàn nên cả nhà đã sớm “rẽ” sang hướng khác.
Nhiều phụ huynh ráo riết tìm trường "giữ chỗ" cho con, trong lúc chờ kết quả thi. Ảnh minh họa.
“Nếu không đậu trường công lập, gia đình dự định sẽ cho bé học trường tư thục, trường cao đẳng hoặc cùng lắm hệ giáo dục thường xuyên. Chúng tôi vẫn muốn bé vào trường tư hơn, tuy nhiên nghe học phí 4-5 triệu/tháng cũng thấy hơi… ngán”, chị L. nói.
Rút kinh nghiệm từ những đợt thi trước, gia đình anh Huỳnh Công N. (45 tuổi, ngụ quận 10) cũng đang ráo riết tìm chỗ học cho con sau khi đoán kết quả thi vào lớp 10 công lập.Trước đó, con đầu của anh N. cũng trượt nguyện vọng vào lớp 10 công lập, do không có sự chuẩn bị trước, cả nhà đã vô cùng bối rối khi phải chọn trường khác cho con.
“Gấp gáp nên gia đình khá bị động vào thời điểm đó, không có nhiều sự lựa chọn. Năm nay rút kinh nghiệm chọn trước, tới đó kết quả ra sao thì có thể ứng phó kịp thời”, anh N. chia sẻ.
Tương tự, chị Huỳnh Ngọc Như Q. (41 tuổi, ngụ quận 5) cũng tính phương án khác thay vì "ngồi không" chờ đợi kết quả. Theo chị Q., đôi lúc nguyện vọng thứ 2, thứ 3 hoặc một hướng đi khác ngoài lớp 10 công lập lại phù hợp hơn với con.
"Hiện nay, có rất nhiều mô hình giáo dục có lợi cho học sinh chứ không phải chỉ có mỗi trường công lập. Riêng với hướng học nghề, gia đình chị cũng nhận thấy nếu con được học, được thực hành, tỉ lệ ra trường có việc làm sớm có thể lên tới 90 - 95%", chị Q. nói.
Tìm hiểu hệ 9+
Chị Lâm Ngọc N. (39 tuổi, ngụ quận 4) đang cùng gia đình chuẩn bị cho con học hệ 9+ tại một trường cao đẳng trên địa bàn. Nhận thấy sức học của con không đủ vào trường công lập, kèm theo những thuận lợi mà mô hình học này mang lại, cả nhà đã không ngần ngại định hướng cho con theo học trong thời gian sắp tới.
Được biết, mô hình 9+ theo Luật GDNN và theo thông lệ quốc tế là học hết lớp 9, học sinh có quyền lựa chọn học nghề ngắn hạn trong thời gian 6 tháng đến 1 năm và các em tham gia thị trường lao động ngay tại các trung tâm dạy nghề. Các em không phải làm những công việc độc hại và được pháp luật cho phép độ tuổi từ 16 đến 18.
Thông thường, các cơ sở giáo dục sẽ đào tạo song song văn hóa và chuyên môn, để trong 3,5 năm - 4 năm (18,5 - 19 tuổi) học sinh có 2 bằng: Cao đẳng chính quy và THPT quốc gia. Đây là mô hình mà tại nhiều quốc gia phát triển như Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan..., đã triển khai rất mạnh. Mô hình này được áp dụng rộng rãi và rất thành công trong việc tận dụng thời gian.
Theo đại diện Trường CĐ Viễn Đông, đến nay, trường đã tuyển được 25% chỉ tiêu cho hệ 9+, sớm hơn nhiều so với những năm gần đây. Được biết, đã có không ít phụ huynh đến rất sớm để nghe tư vấn và đăng ký ngay sau đó.
Bên cạnh đó, một số trường cao đẳng trên địa bàn TP. HCM cũng cho biết, số lượng phụ huynh chủ động tìm tới trường, muốn biết hướng học nghề sau lớp 9 đã tăng đáng kể so với năm 2021. Đặc biệt là học sinh ở các tỉnh, thành khác đã có cơ hội tiếp cận được mô hình đào tạo này.
Theo ThS Vũ Văn Đông - Trưởng phòng đào tạo, Trường CĐ Công nghệ thông tin TP. HCM, phía nhà trường đã có liên kết với Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP. HCM) dành cho các học sinh có nhu cầu học liên thông lên đại học.
Bên cạnh đó, riêng về hệ thống trường tư thục tại thành phố, số lượng học sinh từ hệ THCS vào học thẳng THPT cũng tăng đáng kể. Một trường tư thục trên địa bàn cho biết, con số này có thể lên tới 70%, trong đó, có nhiều gia đình xác định cho con học trường tư ngay từ đầu.