Nhiều rủi ro pháp lý từ việc bán, cho thuê tài khoản ngân hàng
Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết, thời gian gần đây, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng đang diễn biến rất phức tạp với nhiều thủ đoạn mới rất tinh vi.
Các đối tượng lừa đảo thường sử dụng các tài khoản ngân hàng do mua, bán để thực hiện giao dịch chuyển và nhận tiền của bị hại sau đó rửa tiền bằng nhiều phương thức khác nhau. Do đó, người dân cần hết sức cảnh giác để không “tiếp tay” cho tội phạm thông qua việc mua bán, cho thuê tài khoản ngân hàng.
Theo Cục An toàn thông tin, thủ đoạn mà các đối tượng thường sử dụng là đăng tải thông tin trên các diễn đàn, hội nhóm mạng xã hội về việc thuê, mua tài khoản ngân hàng hoặc tiếp cận với những người lao động có thu nhập thấp, người thiếu hiểu biết về pháp luật hoặc sinh viên các trường cao đẳng, đại học nhờ thuê mở tài khoản ngân hàng để nhận tiền công với giá khoảng từ 500.000 - 1.000.000 đồng. Sau khi mở tài khoản, chủ tài khoản phải bàn giao thông tin đăng nhập Internet Banking, SIM điện thoại đăng ký tài khoản, thẻ ngân hàng… cho đối tượng. Đối tượng sẽ sử dụng các tài khoản ngân hàng này vào các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, hiện nay các đối tượng còn sử dụng giấy tờ tùy thân của người khác (thu mua từ cửa hàng cầm đồ, nhà nghỉ hoặc nhặt được...), thay ảnh để mở tài khoản thanh toán tại các ngân hàng thương mại. Các tài khoản thanh toán không chính chủ này được sử dụng chủ yếu cho mục đích luân chuyển dòng tiền trong các vụ án, vụ việc liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ cao, gây khó khăn cho công tác điều tra, xác minh, xử lý của lực lượng chức năng. Đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tội phạm, nhất là tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, tội phạm rửa tiền, đánh bạc và ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an ninh trật tự.
Thông tin thêm về những rủi ro pháp lý mà người dân có thể gặp phải khi cho thuê hoặc bán tài khoản ngân hàng, Luật sư Hồ Sĩ Dũng, Trưởng Văn phòng Luật sư S&A cho biết: Khi người dân cho thuê, hoặc bán tài khoản ngân hàng thì họ có thể gặp phải một loạt các rủi ro nghiêm trọng, không chỉ về mặt pháp lý mà còn liên quan đến tài chính, uy tín và an ninh cá nhân. Theo quy định tại Nghị định 143/2021/NĐCP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 88/2019/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, phạt tiền 40-50 triệu đồng đối với những hành vi như thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản, mua bán, thông tin tài khoản thanh toán từ một tài khoản cho đến dưới 10 tài khoản thanh toán chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; phạt tiền từ 50-100 triệu đồng về hành vi thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán; mua bán tài khoản thanh toán với số lượng từ 10 tài khoản trở lên mà chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Thậm chí, trong một số trường hợp, người dân có thể bị điều tra, truy tố về hành vi liên quan đến các giao dịch vi phạm pháp luật ngay cả khi không tham gia trực tiếp vào hoạt động lừa đảo thì họ vẫn có thể bị coi là đồng phạm hoặc có thể coi hành vi đó là tiếp tay cho tội phạm. Tùy mức độ người vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội danh tại điều 291 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt tiền đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù đến 7 năm. Chính vì thế để tránh bị xử phạt hành chính hoặc hình sự, các chủ tài khoản cần lưu ý không cho thuê, cho mượn hay bán tài khoản thanh toán dưới mọi hình thức.
Để tránh trở thành nạn nhân của các vụ việc mua bán, cho thuê tài khoản ngân hàng cho mục đích lừa đảo, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần hết sức lưu ý và cẩn trọng trong việc quản lý thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng của mình, tránh việc tiếp tay cho tội phạm hoặc liên đới đến các hành vi vi phạm pháp luật. Cùng với đó, người dân cần có những biện pháp đảm bảo an toàn thông tin cá nhân, không chia sẻ thông tin cá nhân hoặc thông tin tài khoản ngân hàng với người lạ trên không gian mạng; nói không với mọi lời đề nghị "cho thuê" hoặc "bán" tài khoản ngân hàng để hưởng lợi ích tài chính. Khi phát hiện bị mất giấy tờ tùy thân, thẻ ngân hàng, người dân cần trình báo cho cơ quan chức năng để làm lại giấy tờ, thông báo cho ngân hàng để khóa thẻ. Đây là căn cứ để chứng minh chủ sở hữu của giấy tờ tùy thân, thẻ ngân hàng không liên quan đến các giao dịch trong thời gian bị mất. Trong trường hợp phát hiện đối tượng chào mời cho thuê, cho mượn, mua, bán tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, người dân cần tố giác và cung cấp tài liệu, chứng cứ đến cơ quan Công an nơi gần nhất để xử lý theo quy định pháp luật.