Nhiều sàn giao dịch bitcoin không chặn người Nga, làm suy yếu nỗ lực trừng phạt từ phương Tây
Một số sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới vẫn cho người Nga hoạt động, quyết định mà các chuyên gia cho rằng làm suy yếu nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập Nga sau cuộc tấn công Ukraine.
Các biện pháp trừng phạt của phương Tây, nhằm mục đích bóp nghẹt Nga và cắt đứt nền kinh tế này khỏi hệ thống tài chính toàn cầu, đã buộc các công ty và tổ chức tài chính phải ngừng kinh doanh tại nước này.
Thế nhưng, nhiều sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới, gồm cả Binance, Kraken và Coinbase có trụ sở tại Mỹ, không thực hiện lệnh cấm hàng loạt với khách hàng Nga, bất chấp lời kêu gọi từ chính phủ Ukraine. Họ cho biết sẽ sàng lọc người dùng và chặn bất kỳ ai bị nhắm mục tiêu bởi các lệnh trừng phạt.
Động thái này thể hiện hố sâu ý thức hệ giữa lĩnh vực tài chính truyền thống và thế giới tiền điện tử, mà nguồn gốc của chúng nằm ở lý tưởng tự do và sự thiếu tin tưởng vào các chính phủ.
Các sàn giao dịch tiền điện tử lập luận rằng việc cắt đứt toàn bộ một quốc gia sẽ đi ngược lại với đặc tính của bitcoin là cung cấp quyền truy cập vào các khoản thanh toán mà không có sự giám sát của chính phủ.
Tuy nhiên, một số chuyên gia chống rửa tiền cảnh báo các sàn giao dịch có thể đang giữ một con đường mở cho người Nga chuyển tiền ra nước ngoài, qua đó làm suy yếu nỗ lực của phương Tây nhằm gây áp lực buộc Nga dừng tấn công Ukraine.
Ross Delston, một luật sư Mỹ và cựu quan chức quản lý ngân hàng, nói: “Tiền điện tử tạo ra con đường cho một chuyến bay đến nơi an toàn mà trước đây không tồn tại”.
Dù hầu hết các sàn giao dịch đều yêu cầu kiểm tra ID, nhưng do mức độ nghiêm ngặt trong các quy tắc know-you-customer khác nhau trong ngành, các nhà quản lý lo lắng những người coi tiền điện tử là phương tiện kiếm tiền bất hợp pháp.
Know-you-customer (KYC) là quy trình xác minh danh tính của chủ tài khoản mà các tổ chức tài chính phải tuân theo, dù họ là một cá nhân hay một công ty. Chủ tài khoản thường quen với việc cung cấp thông tin KYC này khi mở tài khoản ngân hàng, đăng ký thẻ tín dụng hoặc thế chấp.
Theo các chuyên gia chống rửa tiền và tiền điện tử, những người bị nhắm mục tiêu bởi các lệnh trừng phạt có thể cố gắng chuyển tiền thông qua đồng tiền ẩn danh - loại tiền điện tử che giấu danh tính của người dùng hơn cả bitcoin. Những người ủng hộ điều này nói rằng họ cung cấp cho người dùng sự bảo vệ tốt hơn khỏi sự giám sát xâm nhập của các chính phủ.
Các hộ gia đình và doanh nghiệp Nga đã đổ xô chuyển đổi đồng rúp sang ngoại tệ, khi rúp đạt mức thấp kỷ lục so với USD hôm 2.3. Cụ thể là 1 USD = 112,43 rúp.
Cũng có những dấu hiệu cho thấy nhiều người Nga đang bí mật mua tiền điện tử. Khối lượng giao dịch giữa đồng rúp và tiền điện tử đạt 15,3 tỉ rúp (140,7 triệu USD) vào ngày 28.2, tăng gấp 3 lần so với một tuần trước đó, theo trang CryptoCompare.
Một số sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới vẫn cho người Nga hoạt động - Ảnh; Internet
Hôm 2.3, một quan chức Liên minh châu Âu (EU) cho biết mức tăng đột biến khiến các nhà quản lý lo lắng, với việc Ủy ban châu Âu đang xem xét liệu tiền điện tử có được sử dụng để tránh các lệnh trừng phạt không.
Bộ Tài chính Mỹ và cơ quan giám sát tài chính Anh không bình luận về câu chuyện này.
Lập trường của các sàn giao dịch tiền điện tử đi ngược lại quan điểm của một số công ty thanh toán truyền thống và các công ty công nghệ tài chính (fintech) đã phản ứng với các lệnh trừng phạt bằng cách hạn chế dịch vụ ở Nga.
Ví dụ công ty thanh toán Wise và công ty xử lý chuyển tiền Remitly đã tạm ngừng dịch vụ chuyển tiền ở Nga, trong khi Apple hạn chế sử dụng Apple Pay.
Visa và Mastercard cũng đã chặn nhiều công ty tài chính Nga khỏi mạng lưới của họ.
“Hiện thân của các giá trị tự do”
Phó thủ tướng Ukraine - Mykhailo Fedorov hôm 28.2 đã đề nghị các sàn giao dịch tiền điện tử chặn địa chỉ ví kỹ thuật số của người dùng Nga, một động thái có thể loại bỏ hiệu quả khả năng giao dịch tiền điện tử của họ.
Thế nhưng, Giám đốc điều hành sàn Kraken - Jesse Powell nói ông sẽ không chấp nhận việc này, gọi bitcoin là "hiện thân của các giá trị tự do". Kraken nói sẽ tuân thủ các yêu cầu pháp lý và quy định của tất cả khu vực pháp lý mà nó hoạt động.
Binance, sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới, cũng từ chối cấm tất cả người dùng Nga nhưng cho biết đang chặn tài khoản của bất kỳ khách hàng nào bị nhắm mục tiêu bởi các lệnh trừng phạt. "Tiền điện tử nhằm cung cấp tự do tài chính lớn hơn cho mọi người trên toàn cầu", Binance cho biết.
Binance chiếm hơn 40% tất cả các giao dịch tiền điện tử bằng đồng rúp, theo trang CryptoCompare. Người phát ngôn Binance từ chối bình luận về con số này hoặc cung cấp chi tiết về bất kỳ người dùng bị trừng phạt nào mà nó đã chặn.
Sàn giao dịch tiền điện tử Mỹ - Coinbase cũng cho biết sẽ không áp đặt lệnh cấm hoàn toàn với các giao dịch liên quan đến người Nga, nhưng sẽ chặn tài khoản của những người bị nhắm mục tiêu bởi lệnh trừng phạt.
Joby Carpenter, chuyên gia về tiền điện tử và tài chính bất hợp pháp tại Hiệp hội các chuyên gia về chống rửa tiền được chứng nhận, cảnh báo việc tiếp tục hoạt động ở Nga có thể gây ra rủi ro cho chính các sàn giao dịch.
“Các sàn giao dịch và cuối cùng là các ngân hàng nơi tiền điện tử hoạt động ngoài luồng sẽ cần phải cảnh giác với những nỗ lực này để tránh vi phạm các lệnh trừng phạt hoặc luật chống khủng bố”, Joby Carpenter nói.