Nhiều tập đoàn châu Âu muốn mở rộng sản xuất ra phía Bắc

Có tới 67% doanh nghiệp châu Âu nhận định Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn và chia sẻ kế hoạch mở rộng hoạt động với nhiều cơ sở sản xuất mới tại miền Bắc.

 Việt Nam đang là điểm đến của các khoản đầu tư năng lượng xanh lớn của châu Âu. Ảnh: EuroCham.

Việt Nam đang là điểm đến của các khoản đầu tư năng lượng xanh lớn của châu Âu. Ảnh: EuroCham.

Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam vừa công bố báo cáo chỉ số Niềm tin kinh doanh (BCI) quý III.

Báo cáo phản ánh tín hiệu tích cực trong tâm lý kinh doanh của nhóm doanh nghiệp này, dù vẫn còn những thách thức kinh tế do hậu quả của bão Yagi và những rào cản trong vận hành doanh nghiệp.

Chỉ số BCI đã tăng đáng kể từ mức 45,1 điểm của quý III/2023 lên mức 52 điểm trong quý III năm nay, đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ trong một năm đầy biến động trước các yếu tố ngoại cảnh.

Báo cáo cũng chỉ ra siêu bão Yagi đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hạ tầng và nông nghiệp tại miền Bắc. Chính phủ dự báo GDP giảm 0,15% trong năm nay, với tổng thiệt hại ước tính lên tới 1,63 tỷ USD.

Sau khi cơn bão xảy ra, cuộc khảo sát doanh nghiệp gần đây nhất của EuroCham vẫn cho thấy gần một nửa (47,4%) doanh nghiệp tin rằng tình hình kinh tế vĩ mô sẽ cải thiện trong quý tới.

Thêm vào đó, triển vọng dài hạn vẫn ở mức cao, với 69,3% doanh nghiệp kỳ vọng về môi trường kinh doanh thuận lợi trong vòng 5 năm tới.

Tâm lý tích cực này càng được củng cố, khi 67% doanh nghiệp châu Âu nhận định Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn dù vẫn còn một số thách thức nhất định.

Các kế hoạch mở rộng kinh doanh vẫn đầy tiềm năng, với gần 80% doanh nghiệp cho biết đã có 1-3 văn phòng hoặc cơ sở sản xuất tại Việt Nam.

Trong số doanh nghiệp chia sẻ kế hoạch mở rộng, hơn một nửa dự định mở rộng hoạt động, với nhiều kế hoạch phát triển các cơ sở sản xuất mới ở miền Bắc hoặc mở thêm văn phòng tại các thành phố trọng điểm như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ.

Ngoài các tín hiệu tích cực, khảo sát cũng cho thấy 3 trở ngại lớn nhất trong hoạt động của các doanh nghiệp châu Âu là gánh nặng hành chính, quy định chưa rõ ràng và khó khăn trong việc xin giấy phép.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng ghi nhận những khó khăn liên quan đến các quy trình thuế và việc tuân thủ các quy định phòng cháy chữa cháy.

Sau khi Nghị định mới về cơ chế thỏa thuận mua bán điện trực tiếp (DPPA) được ban hành vào tháng 7, gần 30% doanh nghiệp tham gia khảo sát của EuroCham dự báo được hưởng lợi từ các dự án năng lượng tái tạo. Điều này củng cố cam kết của Việt Nam đối với quá trình chuyển đổi xanh.

Đáng chú ý, 1/4 số nhà cung cấp dịch vụ và các công ty có quy mô từ 100 nhân viên trở lên dự báo hưởng lợi ở mức độ vừa phải hoặc đáng kể từ cơ chế này.

Dù gần một nửa (47,4%) doanh nghiệp tự tin có thể hoàn toàn chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo vào năm 2050, vẫn tồn tại những khoảng trống trong việc hiểu và triển khai các chính sách liên quan.

Chuyển đổi số cũng được xác định là một lĩnh vực cần cải thiện, đặc biệt trong việc giảm bớt khó khăn về nguồn nhân lực và tinh giản các thủ tục hành chính.

Hồng Nhung

Nguồn Znews: https://znews.vn/nhieu-tap-doan-chau-au-muon-mo-rong-san-xuat-ra-phia-bac-post1502877.html