Nhiều thách thức khi phát triển năng lượng sạch

Sự phát triển của những mô hình nông nghiệp kết hợp năng lượng tái tạo ở Đồng bằng sông Cửu Long đang gặp nhiều 'điểm nghẽn' và chưa thể phát huy được hết tiềm năng.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Anh Tuấn (Đại học Cần Thơ) hướng dẫn sinh viên tìm hiểu mô hình nuôi tôm kết hợp năng lượng mặt trời của gia đình ông Trịnh Văn Hoặc.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Anh Tuấn (Đại học Cần Thơ) hướng dẫn sinh viên tìm hiểu mô hình nuôi tôm kết hợp năng lượng mặt trời của gia đình ông Trịnh Văn Hoặc.

Mặc dù bước đầu mang lại những lợi ích rõ rệt, nhưng sự phát triển của những mô hình nông nghiệp kết hợp năng lượng tái tạo ở Đồng bằng sông Cửu Long đang gặp nhiều “điểm nghẽn” và chưa thể phát huy được hết tiềm năng.

Trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu hiện nay có khoảng 44 tổ chức và cá nhân có đầu tư lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời kết hợp với nuôi tôm trên diện tích khoảng 70ha.

Việc sử dụng năng lượng mặt trời trong nuôi tôm được ghi nhận đem lại những lợi ích như chủ động nguồn điện trong sản xuất, giảm chi phí tiền điện; giảm phát thải khí nhà kính. Qua đó, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam trong cắt giảm phát thải CO2 đến năm 2030.

Dù mang lại nhiều lợi ích nhưng điện mặt trời không phải không có điểm yếu. Trong đó số tiền bỏ ra lớn là một trong những nguyên nhân khiến người dân chưa dễ dàng tiếp cận nguồn năng lượng này.

Ông Trịnh Văn Hoặc (xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) cũng nhận thấy hạn chế của mô hình này là chi phí đầu tư ban đầu khá cao. Ông cho biết, mô hình điện mặt trời kết hợp với ao tôm tại nhà ông có tổng mức đầu tư khoảng 70 triệu đồng. Đó là số tiền không nhỏ với nông dân. Ông may mắn được Tổ chức Bánh mì cho thế giới (Bread for The World) hỗ trợ 70% chi phí, do đó gia đình chỉ phải bỏ ra khoảng 21 triệu đồng để lắp đặt.

Theo ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho biết, vốn đầu tư ban đầu tương đối lớn cũng là một yếu tố gây khó cho các hộ nuôi trồng quy mô nhỏ; thủ tục vay ngân hàng đòi hỏi phải có tài sản thế chấp nên khó tiếp cận.

Bên cạnh đó, hiện nay Nhà nước chưa có chính sách khuyến khích kết hợp giữa nuôi tôm và lắp đặt năng lượng mặt trời; khả năng truyền tải của hệ thống điện lưới quốc gia hiện tại cũng không đủ truyền tải dẫn đến việc hệ thống điện mặt trời của các tổ chức, cá nhân đầu tư chưa phát huy được hết công suất, hiệu quả.

Ngoài ra, một số dự án lắp đặt điện mặt trời kết hợp với nuôi tôm chưa làm tốt công tác quy hoạch, thiết kế ban đầu dẫn đến việc giai đoạn đầu chỉ tập trung thi công phần năng lượng điện mặt trời. Điều này dẫn đến việc triển khai các hoạt động nuôi tôm chưa phát huy hết hiệu quả.

Chi phí còn cao được xem là nguyên nhân chính cản trở nông dân tiếp cận điện mặt trời. Gia đình anh Nguyễn Trần Văn Hưng, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời phục vụ cho hệ thống tưới tự động vườn sầu riêng trồng xen canh ổi và một số loại rau màu trên diện tích 0,6 ha. Người nông dân này cho biết, chi phí lắp đặt hệ thống năng lượng điện mặt trời công suất 6 kWp với 12 tấm pin với hệ thống vòi tưới phun tự động vào đầu năm 2021 với chi phí hơn 170 triệu đồng.

 Một trang trại kết hợp điện mặt trời ở tỉnh Kiên Giang

Một trang trại kết hợp điện mặt trời ở tỉnh Kiên Giang

“Trước đây tài chính gia đình cũng eo hẹp nên tôi phải vay ngân hàng thương mại 100 triệu đồng với lãi suất hơn 6%/năm để đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời và tưới phun tự động. Trong suốt hơn 2 năm qua, nguồn điện sử dụng rất tốt, giúp vườn cây phát triển tươi tốt. Nhưng tôi cũng ngán khoản tiền lãi đóng cho ngân hàng,” anh Hưng nói và mong muốn Nhà nước có chính sách cho vay vốn lãi suất ưu đãi cho những hộ dân đầu điện năng lượng mặt trời vào sản xuất nông nghiệp để tiết kiệm chi phí, vừa góp phần ổn định nguồn điện lưới quốc gia về dài lâu.

Theo bà Huỳnh Thị Ngọc Kiều, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang, đến nay, trên địa bàn huyện có khoảng 200 hội viên nông dân sử dụng điện năng lượng mặt trời trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, tập trung chủ yếu ở các hộ nuôi lợn, nuôi gà, nuôi lươn theo quy mô gia trại và một số nhà vườn đầu tư để tưới tiêu.

“Các hộ dân sử dụng điện mặt trời cho để trồng trọt, chăn nuôi đều giúp tiết kiệm tiền điện mỗi tháng vài triệu đồng. Tuy nhiên không phải gia đình nào cũng có điều kiện đầu tư do chi phí ban đầu khá lớn. Nếu muốn phát triển nguồn năng lượng này thì cần có chính sách hỗ trợ vay vốn sản xuất nông nghiệp thông qua hình thức ủy thác giữa ngân hàng và các cơ quan, đơn vị để người dân dễ dàng tiếp cận hơn,” bà Kiều chia sẻ.

Ông Lê Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang, đánh giá kết hợp điện năng lượng mặt trời với sản xuất nông nghiệp có ý nghĩa rất tốt đẹp. Tuy nhiên, để sử dụng hiệu quả thì đầu tiên phải tính được bài toán kinh tế cho người nông dân, để họ thấy được khi sử dụng nguồn năng lượng này sẽ có lợi cho túi tiền của họ.

“Phải cho người dân thấy được khi xài năng lượng mặt trời thì sẽ tiết kiệm được bao nhiêu tiền mỗi tháng, 20%, 30% hay 40%, phải có con số cụ thể. Đó là điều quan trọng nhất.”

“Kế đến, sử dụng năng lượng mặt trời thì sẽ giảm ô nhiễm môi trường, từ đó giúp giảm các rủi ro cho người dân trong quá trình chăn nuôi, trồng trọt. Khi môi trường tốt hơn thì dịch bệnh sẽ ít xuất hiện, sản xuất ổn định hơn. Đời sống người dân được đảm bảo thì xã hội sẽ tốt đẹp hơn. Đây là những lợi ích mà nếu như tiếp tục sử dụng các nguồn năng lượng hóa thạch sẽ không bao giờ có được,” ông Dũng nói.

Tỉnh An Giang cũng là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển nguồn điện từ mặt trời do nằm trong vùng có cường độ bức xạ từ 4,5-5,1 kWh/m2/ngày, số giờ nắng trong năm trên 2.400 giờ, có nhiều ao, hồ lớn nhỏ, vùng đồi, núi...

Theo Sở Công Thương tỉnh An Giang, tổng công suất có khả năng phát triển thêm khoảng 3.500 MWp.

Bên cạnh đó, tiềm năng xuất khẩu điện năng sang Campuchia có thể được thực hiện tăng sản lượng do tỉnh đang bán điện qua lưới truyền tải 220kV - mạch kép đủ khả năng truyền tải thêm. Hạ tầng đấu nối, giải tỏa công suất nguồn điện tương đối hoàn chỉnh, mỗi huyện được cung cấp điện từ TBA (trạm biến áp) 110kV và EVN SPC đang dần hoàn thiện kết mạch vòng…

Giám đốc Sở Công Thương An Giang Nguyễn Minh Hùng cho rằng, trước những diễn biến bất thường về giá năng lượng trên toàn cầu, việc nhân rộng các mô hình ứng dụng giải pháp tiết kiệm điện là hết sức cần thiết; trong đó, mô hình sử dụng pin năng lượng mặt trời kết hợp với sản xuất nông nghiệp là một giải pháp có ý nghĩa, cần được khuyến khích nhân rộng hơn nữa.

Tuy nhiên, để phát triển rộng rãi mô hình này vẫn còn nhiều khó khăn, đòi hỏi phải áp dụng công nghệ cao, giá thành đắt... Do đó, trong thời gian tới cần có những chính sách cụ thể, phù hợp, linh hoạt với từng địa phương để điện mặt trời áp mái được phát triển đồng bộ, bền vững và tương xứng với tiềm năng sẵn có, ông Hùng đề xuất.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo, Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), hiện tại, hệ thống điện Việt Nam có tổng công suất lắp đặt 80.704MW, đứng thứ hai tại khu vực ASEAN và thứ 23 trên thế giới. Trong đó, điện mặt trời chiếm khoảng 20,5%. Nhờ các chính sách khuyến khích, công suất điện mặt trời của Việt Nam đã tăng vọt từ 84MW vào cuối năm 2018 lên 16.500MW vào cuối năm 2021.

Dự kiến đến năm 2030, công suất điện mặt trời sẽ đạt 20.591MW và tăng lên đến 189.000MW vào năm 2050. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra những thách thức đang đối mặt do sự phát triển "quá nóng" của các dự án điện mặt trời, đặc biệt là vấn đề hệ thống lưới điện và phụ tải không đáp ứng được nhu cầu, gây nghẽn mạch truyền tải.

 Công nhân thi công điện mặt trời mái nhà cho một trang trại ở Kiên Giang.

Công nhân thi công điện mặt trời mái nhà cho một trang trại ở Kiên Giang.

Trong khi đó, chính sách giá mua điện hỗ trợ (FIT) cao đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của điện mặt trời, nhưng việc chưa được bổ sung vào quy hoạch khiến các nhà đầu tư mới gặp khó khăn.

Để đẩy mạnh quá trình chuyển dịch năng lượng, Chính phủ Việt Nam đã khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, với mục tiêu đến năm 2050, nguồn điện này sẽ đạt 39.500 MW.

Trong Báo cáo Kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Đồng bằng sông Cửu Long công bố vào năm 2022, các chuyên gia cho rằng về mặt hiệu quả, năng lượng tái tạo hiện nay đã cạnh tranh ngang bằng hay còn rẻ hơn so với các nhà máy than xây mới. Chi phí năng lượng mặt trời và gió đã giảm 20-30%/năm trong ba năm qua, trong khi chi phí than tăng cao và việc huy động tài trợ cho than hiện nay rất khó khăn.

Giai đoạn 2017-2020 là thời gian khám phá thị trường mới của các dự án điện mặt trời, có nhiều cơ chế ưu đãi để cấp phép xây dựng, vận hành, điển hình là giá mua điện cố định (FIT).

Nhiều dự án quy mô lớn đã được bổ sung quy hoạch và xây dựng đưa vào phát điện thương mại trong thời gian ngắn.

Thậm chí, có nhiều dự án được xây dựng trái quy định, sai mục đích sử dụng đất, sai về tiêu chỉ trang trại, chưa đúng quy cách mà đã đầu nổi lên lưới điện, vận hành thương mại hưởng giá ưu đãi.

Việc phát triển ồ ạt gây ra nhiều hệ lụy (tranh chấp đất đai, cắt giảm công suất, vấn đề về phòng cháy chữa cháy...) đã gây tổn thất chung cho cả nhà nước và doanh nghiệp, khiến các nhà hoạch định chính sách phải xem xét lại, quyết định ngưng không áp dụng giá FIT và cấp phép đầu tư cho dự án mới.

Do đó, quy hoạch mới hầu như không phát triển thêm trong điện mặt trời cho đến năm 2030, mặc dù bài học vừa qua cho thấy chính sách rất thành công về công suất lắp đặt./.

Bài 1: Nông dân hưởng lợi nhờ điện mặt trời

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/nhieu-thach-thuc-khi-phat-trien-nang-luong-sach-post986496.vnp