Nhiều tiềm năng, cơ hội mới để phát triển Bình Thuận trong năm 2024

Ngày 9/1, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương trong tỉnh tổng kết công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

17 chỉ tiêu phát triển

Năm 2024, tỉnh Bình Thuận đề ra 17 chỉ tiêu chủ yếu. Nổi bật là tổng sản phẩm nội tỉnh GRDP tăng 8 đến 8,5%, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội 6,4%, thu ngân sách Nhà nước 10.000 tỷ đồng...

Tỉnh sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết, chỉ đạo Trung ương, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đảm bảo hiệu quả, thực chất; đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trong năm 2024; công bố và triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; giải pháp tái cơ cấu lại nền kinh tế, nhất là 3 trụ cột: công nghiệp - du lịch và nông nghiệp.

Tại hội nghị, các đại biểu đã phân tích làm rõ những nguyên nhân, hạn chế, đặc biệt là những nút thắt kìm hãm sự phát triển, đề xuất UBND tỉnh giải pháp chỉ đạo, điều hành để hoàn thành đạt và vượt các nhiệm vụ, chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024.

Trong đó, đại biểu đề xuất giải pháp thực hiện công tác quản lý đất đai, quản lý tài nguyên khoáng sản và xác định giá đất các dự án; giải pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các Khu công nghiệp Tân Đức, Sơn Mỹ 1, Sơn Mỹ 2… tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp thứ cấp đầu tư.

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An chỉ đạo tại hội nghị. (Ảnh: TTD).

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An chỉ đạo tại hội nghị. (Ảnh: TTD).

Cơ hội và thách thức

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An nhấn mạnh trong thời gian tới, tỉnh ta có nhiều cơ hội tiềm năng, lợi thế để phát triển, tỉnh cũng đã cố gắng tháo gỡ khó khăn, bất cập còn tồn đọng nhiều năm như việc gỡ chồng lấn quy hoạch dự trữ khoáng sản titan, giải quyết vướng mắc các nhà đầu tư, tỉnh cũng định hình được không gian, mục tiêu phát triển trong thời gian tới, ban hành nhiều Nghị quyết chuyên đề và đã đạt được nhiều kết quả.

Bí thư Tỉnh ủy thống nhất với chủ đề, quan điểm chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh với 5 nhiệm vụ trọng tâm, 9 nhóm nhiệm vụ giải pháp tập trung thực hiện trong năm 2024.

Đồng thời, đề nghị cần triển khai quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt, đây là căn cứ quan trọng giúp tỉnh định hình tầm nhìn, không gian phát triển, mở ra tiềm năng, cơ hội mới.

Tập trung triển khai 6 Nghị quyết chuyên đề của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh. Quan tâm đến lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, dành thêm nguồn lực để đầu tư cho 3 lĩnh vực này, gắn với phát triển nguồn nhân lực.

Ngoài ra, cần tập trung giữ vững quốc phòng an ninh, đẩy mạnh công tác phòng ngừa, đấu tranh trấn áp tội phạm, tệ nạn xã hội để bảo vệ cuộc sống yên bình cho nhân dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng phát biểu. (Ảnh: TTD).

Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng phát biểu. (Ảnh: TTD).

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng nhấn mạnh: Năm 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo đà bứt phá để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các chủ đầu tư phải xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để giải ngân vốn đầu tư công ít nhất 95% trong năm 2024.

Bên cạnh đó, các sở, ngành và địa phương phải coi việc tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong lĩnh vực đất đai là nhiệm vụ cấp bách hiện nay để tập trung giải quyết trên nguyên tắc: vướng mắc thuộc thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó phải giải quyết, tuyệt đối không đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm.

Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ, hiện nay, Quy hoạch tỉnh Bình Thuận và nhiều quy hoạch chuyên ngành của quốc gia đã được Thủ tướng phê duyệt (như Quy hoạch điện 8, Quy hoạch trong lĩnh vực giao thông vận tải, đất đai, khoáng sản…).

Do đó, các sở, ngành khẩn trương tham mưu lập, điều chỉnh các quy hoạch liên quan của tỉnh cho phù hợp, đây là nhiệm vụ ưu tiên làm trước, làm sớm để giải quyết các thủ tục cho các dự án đầu tư.

Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: TTD).

Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: TTD).

Bên cạnh đó, đề nghị tập trung công tác quản lý thu, chi ngân sách Nhà nước.

Các sở, ngành phối hợp thường xuyên rà soát hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật; kịp thời kiến nghị xử lý các quy định chồng chéo, mâu thuẫn, bất cập, gây phiền hà, tốn kém thời gian, chi phí của người dân và doanh nghiệp.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy phát triển 3 trụ cột kinh tế của tỉnh.

Nguyễn Đắc Phú

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nhieu-tiem-nang-co-hoi-moi-de-phat-trien-binh-thuan-trong-nam-2024-a644567.html