Nhiều trường hợp bị hoại tử xương hàm trên: Bệnh lý phức tạp, hiện chưa có phác đồ điều trị

Ngay sau khi Bệnh viện Chợ Rẫy công bố 11 trường hợp bị hoại tử xương hàm trên sau mắc Covid-19, nhiều bệnh viện trên địa bàn TPHCM như: Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương tại TPHCM, Bệnh viện Tai mũi họng TPHCM cũng cho biết, thời gian qua tiếp nhận nhiều trường hợp tương tự và chưa khẳng định có liên quan đến Covid-19 hay không. Nhiều chuyên gia y tế cảnh báo, đây là bệnh lý phức tạp, hiện chưa có phác đồ điều trị.

Bác sĩ Trần Anh Bích, Phó Trưởng khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Chợ Rẫy thăm hỏi, động viên bệnh nhân

Bác sĩ Trần Anh Bích, Phó Trưởng khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Chợ Rẫy thăm hỏi, động viên bệnh nhân

Không điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong

Thống kê của Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương tại TPHCM, trước đây, trung bình mỗi 3 tháng, bệnh viện tiếp nhận 1 ca hoại tử xương hàm trên, nhưng 5 tháng qua, đơn vị đã ghi nhận 16 trường hợp. Như chị A.T.L. (46 tuổi, ngụ quận 5) phải mất gần 6 tháng chạy chữa nhiều bệnh viện mà không khỏi chứng đau hàm, sưng mặt. Tháng 11-2021 chị mắc Covid-19, sau đó bị đau răng và 10 ngày sau mặt sưng to. Chị được chẩn đoán viêm tủy và điều trị trong 2 tháng. Sau đó, chị được phẫu thuật xoang nhưng bệnh không dứt. Tháng 5-2022, chị được chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy. Khi đó, bệnh nhân bị hoại tử xương hàm trên, lan rộng đến thái dương, chân bướm. Khi phẫu thuật, mở khung gò má, từ hố dưới thái dương có mủ trào ra và có ổ áp-xe lớn.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng khoa Phẫu thuật hàm mặt, Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương, hiện đang có sự tăng đột biến bệnh lý này. Các bệnh nhân có chung triệu chứng đau răng, đau hàm, sưng mặt. Những trường hợp phát hiện sớm, hoại tử chưa lan rộng đã được phẫu thuật, dùng kháng sinh từ 3-6 tuần, sau đó được phục hình hàm. Hiện 13 bệnh nhân tại Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương tại TPHCM đang ổn định.

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn, y văn thế giới đã ghi nhận các trường hợp tương tự. Theo đó, có 4 yếu tố nguy cơ được nghi ngờ dẫn đến viêm hoại tử xương hàm trên ở bệnh nhân sau mắc Covid-19. Giả thuyết thứ nhất, có thể do virus SARS-CoV-2 bám vào thụ thể ACE-2, tập trung nhiều ở niêm mạc mũi, miệng; làm tắc vi mạch máu nuôi xương hàm trên. Người mắc Covid-19 gặp tình trạng tăng đông, gây tắc mạch máu không nuôi dưỡng tốt xương. Thứ hai, do việc sử dụng thuốc kháng viêm. Thứ ba, do tình trạng nhiễm khuẩn, nhiễm nấm. Thứ tư, người bệnh bị tiểu đường gây biến chứng mạch máu, giảm sức đề kháng nên cơ thể dễ bội nhiễm.

Đánh giá trên chùm bệnh nhân hoại tử xương hàm trên tại Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương tại TPHCM, các bác sĩ cho biết, bệnh nhân đều từng mắc Covid-19. Trước đó, các bác sĩ Bệnh viện Tai mũi họng TPHCM cũng ghi nhận rải rác các ca hoại tử xương hàm trên. Nhiều chuyên gia lo ngại, có thể nhiều ca bệnh tương tự đang rải rác mà chưa được báo cáo. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong do hoại tử xương và viêm nhiễm nghiêm trọng.

Tổ chức hội thảo để tìm hiểu nguyên nhân

Theo GS-TS Trần Minh Trường, Phó Chủ tịch Hội Tai mũi họng Việt Nam, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, những dấu hiệu cảnh báo gợi ý của các ca bệnh là tình trạng đau nhiều trong thời gian mắc Covid-19 hoặc sau khi đã có kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Bệnh nhân sẽ bị đau ở vùng đầu, mặt, thậm chí triệu chứng đau có thể rất mơ hồ, chỉ khu trú tại vùng trung tâm của đầu. Những cơn đau sau khi khỏi Covid-19 không chấm dứt mà thường âm ỉ, khi đi thăm khám ban đầu, hầu hết bệnh nhân được chẩn đoán là bị viêm xoang. Các biểu hiện lâm sàng của những trường hợp nặng cho thấy, vùng mắt của bệnh nhân sưng lớn, rạch ra có mủ. Đây là những bệnh nhân bị viêm xương sọ, tình trạng viêm lan rộng và tràn xuống mí mắt. Một số trường hợp bị viêm xương sọ ở vùng trán tạo thành các ổ mủ dưới xương. Nhiều bệnh nhân bị hoại tử xương hàm, cấu trúc xương bị phá hủy khiến cả hàm răng lung lay như sắp rụng. Người bệnh đau nhức, dù đã nhổ răng cũng không hết, mất chức năng nhai của hàm răng, hơi thở có mùi hôi…

Đến nay, Bộ Y tế chưa có phác đồ điều trị về bệnh lý này nên ngay cả những trường hợp được chẩn đoán đúng bệnh thì giải pháp nào để xử lý về mặt chuyên môn cũng là vấn đề còn nhiều tranh luận. Đây là loạt ca bệnh xuất hiện trong thời gian ngắn chưa từng có tiền lệ nên việc giải thích bệnh cho bệnh nhân và người nhà gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nếu không phẫu thuật, tình trạng bệnh sẽ diễn tiến ngày càng nặng.

Chiều 13-7, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết, sở đã yêu cầu các bệnh viện trên địa bàn báo cáo tình hình tiếp nhận, điều trị các bệnh nhân hoại tử xương hàm trên hậu Covid-19. Dự kiến tuần sau, Sở Y tế tổ chức hội thảo chuyên gia để tìm hiểu nguyên nhân các ca bệnh hoại tử xương hàm trên trong thời gian qua.

Chiều 13-7, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức đã yêu cầu ngành y tế khẩn trương tìm hiểu kỹ nguyên nhân bệnh hoại tử xương vùng hàm mặt, sọ ở bệnh nhân sau mắc Covid-19 mà báo đài phản ánh để điều trị cho bệnh nhân được tốt hơn, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân. Đồng chí hoan nghênh ngành y tế đã triển khai ngay cuộc họp với các chuyên gia để phân tích, đánh giá sau khi căn bệnh lạ này xuất hiện và đề nghị ngành y tế tiếp tục triển khai trong thời gian sớm nhất để có câu trả lời một cách khoa học, cụ thể, rõ ràng cho người dân yên tâm và có biện pháp phù hợp đối phó với tình hình.

THÀNH AN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn//nhieu-truong-hop-bi-hoai-tu-xuong-ham-tren-benh-ly-phuc-tap-hien-chua-co-phac-do-dieu-tri-827119.html