Nhịn hắt hơi có thể làm vỡ túi phình mạch máu não

Hắt hơi là phản ứng bình thường của cơ thể khi tiếp xúc với các tác nhân từ bên ngoài như thời tiết, khói bụi, lông động vật, nấm mốc hay triệu chứng khi bị cảm lạnh, cảm cúm,... Đây là phản xạ tự nhiên đột ngột, không có dự báo trước và khó kiềm chế của cơ thể.

Ảnh minh họa

Trong cuộc sống sẽ có những tình huống mà bạn muốn nhịn cơn hắt hơi lại, chẳng hạn như khi đang ở trong rạp chiếu phim, trong một cuộc họp,... Liệu nhịn hắt hơi có hại không? Hắt hơi liên tục là dấu hiệu của bệnh gì? Theo Health, dưới đây là những thông tin mà bạn cần biết nếu đang băn khoăn nhịn hắt hơi có hại không:

1. Hắt hơi là gì?

Hắt hơi là một phản xạ tự nhiên của cơ thể khi niêm mạc mũi bị kích ứng bởi nhiều tác nhân khác nhau chẳng hạn như không khí khô lạnh, không khí ô nhiễm, phấn hoa, mạt bụi,... hay khi bạn bị các bệnh có thể gây kích thích niêm mạc mũi như cảm lạnh, cảm cúm hoặc viêm mũi dị ứng.

Hắt hơi giúp bảo vệ cơ thể bạn bằng cách loại bỏ các chất gây dị ứng, vi khuẩn và chất kích thích khỏi đường mũi. Cơ thể phóng thích không khí từ phổi ra ngoài thông qua mũi và miệng, đẩy hàng chục nghìn giọt nước từ mũi của bạn với tốc độ lên tới 100 dặm một giờ đồng thời tiến hành loại bỏ các tác nhân lạ xâm nhập.

Hắt hơi là một phản xạ tự nhiên của cơ thể khi niêm mạc mũi bị kích ứng (Ảnh: ST)

Hắt hơi là một phản xạ tự nhiên của cơ thể khi niêm mạc mũi bị kích ứng (Ảnh: ST)

Hắt hơi xảy ra đột ngột, hầu như không có dấu hiệu dự báo trước và rất khó kiềm chế. Có người chỉ hắt hơi một, hai lần nhưng cũng có người hắt hơi thành từng tràng dài hay còn gọi là hắt hơi liên tục.

2. Nhịn hắt hơi có hại không?

Nếu đang thắc mắc nhịn hắt hơi có hại không thì câu trả lời là có. Nhịn hắt hơi có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực tới cơ thể, bao gồm:

- Tổn thương mạch máu ở mắt hoặc mũi

Theo một bài đánh giá năm 2019 trên Tạp chí American Journal of Rhinology & Allergy thì việc đóng đường thở khi hắt hơi (nhịn hắt hơi) có thể gây áp lực lên đường thở nhiều hơn tới 20 lần so với việc hắt hơi tự nhiên.

Áp lực tăng lên này có thể làm vỡ mạch máu nông ở mắt hoặc mũi dẫn tới xuất huyết dưới kết mạc hoặc chảy máu mũi.

- Viêm tai giữa

Khi bạn nhịn hắt hơi, áp lực không khí có thể được đẩy ngược vào ống Eustachio, là kênh nối từ họng tới tai giữa. Điều này có thể gây ra sự thay đổi áp lực trong tai giữa. Và nếu áp lực này không được cân bằng đúng cách sẽ dẫn tới gây viêm tai giữa.

Như đã nói, hắt hơi giúp loại bỏ bụi, vi khuẩn, nấm mốc và các chất gây dị ứng và kích ứng khác ra khỏi đường mũi. Vi khuẩn hoặc virus từ đường hô hấp có thể bị đẩy vào tai giữa cũng có thể dẫn đến nhiễm trùng hoặc viêm.

Nhịn hắt hơi có hại không? Ảnh: ST

Nhịn hắt hơi có hại không? Ảnh: ST

Viêm tai giữa có tự khỏi không? Tùy từng mức độ mà viêm tai giữa có thể tự khỏi trong 2 - 3 ngày nhưng viêm tai giữa ứ dịch lại không thể tự khỏi mà cần điều trị bằng thuốc. Nếu không can thiệp sớm khi có các triệu chứng trở nặng có thể gây ra nhiều biến chứng, thậm chí là thủng màng nhĩ, khiếm thính.

Triệu chứng viêm tai giữa ở trẻ em và người lớn cũng có một số khác biệt. Đối với người lớn, dấu hiệu viêm tai giữa thường gặp là đau tai, ù tai, có thể có dịch mủ màu vàng chảy ra ngoài, dịch chảy từ tai có thể có mùi hôi và khó chịu. Triệu chứng viêm tai giữa ở trẻ em có thể chuyển nặng nhanh nếu không được khám kịp thời, bao gồm: Sốt cao từ 39 - 40 độ C, bỏ ăn, bú kém, nôn mửa, đau tai và trẻ nhỏ liên tục lấy tay kéo hay cho vào trong tai, đi ngoài phân lỏng, khó ngủ và tỏ ra khó chịu khi nằm xuống, đầu trẻ hay nghiêng sang một bên.

- Gãy xương

Nhịn hắt hơi có hại không chỉ đối với mạch máu hay tai giữa. Mặc dù hiếm gặp nhưng đã có một số trường hợp nhịn hắt hơi bị gãy thanh quản hay vùng hầu họng. Điều này xảy ra khi áp lực do việc nhịn hắt hơi đủ lớn, cơ thể kiểm soát lực sai hướng gây ra vỡ, nứt hoặc gãy xương.

- Vỡ túi phình mạch máu não

Phình mạch máu não (Aneurysm) là sự phình to của một phần thành mạch máu não tại nơi thành mạch máu bị yếu và không phải lúc nào mọi người cũng nhận ra bản thân có túi phình mạch máu não nào không. Khi nhịn hắt hơi, cơ thể giữ lại áp lực tích tụ trong phổi, điều này có thể khiến túi phình mạch máu não sẵn có bị vỡ.

Thường hầu hết các túi phình mạch máu não sẽ không có triệu chứng cho đến khi quá to hoặc đã vỡ. Các túi phình có kích thước nhỏ đa số đều không xuất hiện triệu chứng. Các túi phình lớn hoặc túi phình đang phát triển gây chèn ép các mô và dây thần kinh xung quanh gây các triệu chứng như: Những cơn đau xuất hiện ở phía trên và phía sau mắt; tê tay, chân, có thể tê nửa mặt hoặc toàn mặt; các triệu chứng yếu nửa bên người, hoặc yếu nửa người trên, nửa người dưới; liệt một bên mặt.

Khi túi phình vỡ, luôn luôn xuất hiện một cách đột ngột, và đau đầu dữ dội (thường được diễn tả là một cơn đau đầu khủng khiếp nhất trong cuộc đời) cùng với các dấu hiệu: Tầm nhìn đôi; buồn nôn và nôn mửa; cứng cổ; nhạy cảm với ánh sáng; co giật; rối loạn tri giác, mất ý thức; nhồi máu cơ tim và thậm chí là mất mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.

- Thủng màng nhĩ

Nhịn hắt hơi có hại không? Bạn thường bịt mũi khi nhịn hắt hơi và hơi thoát ra qua tai có thể khiến bạn bị thủng màng nhĩ.

Thủng màng nhĩ là tình trạng màng nhĩ bị mất tính liên tục, tạo ra một lỗ thông giữa ống tai ngoài và tai giữa. Thủng màng nhĩ ảnh hưởng tới thính lực từ nhẹ tới nặng. Các dấu hiệu thủng màng nhĩ thường gặp khác có thể kể đến như: Đau tai, tai bị chảy dịch hoặc chảy mủ, ù tai và cảm giác đầy trong tai, buồn nôn và nôn mửa, chóng mặt.

- Tràn khí dưới da

Tràn khí dưới da là là hiện tượng phát sinh hoặc xâm nhập của không khí vào lớp dưới da của da. Gãy xương mặt, chấn thương cùn, ho mạnh là những nguyên nhân phổ biến có thể gây tràn khí dưới da. Một báo cáo ca bệnh được công bố năm 2022 nêu chi tiết về một người bị tràn khí dưới da ở má phải sau khi cố gắng kìm nén hắt hơi khiến không khí có thể thoát ra khỏi đường hô hấp và vào các khoảng trống mô dưới da.

Điều này gây ra tình trạng phồng rộp dưới da có thể cảm nhận được khi sờ vào và thường không gây đau. Tuy nhiên, đây là một tình trạng bất thường.

- Đau họng hoặc đau cổ

Một triệu chứng dễ thấy nhất khi nhịn hắt hơi đó chính là đau họng hoặc đau cổ theo nhiều mức độ khác nhau.

Một báo cáo ca bệnh được công bố năm 2018 mô tả một người đàn ông 34 tuổi đến phòng cấp cứu với tình trạng đau cổ và không thể nuốt hoặc nói sau khi bịt mũi và ngậm miệng để ngăn tiếng hắt hơi. Qua chẩn đoán, bác sĩ cho biết anh ta đã bị vỡ hầu họng, một dạng chấn thương nghiêm trọng cần cấp cứu khẩn cấp.

Theo một trường hợp được báo cáo trên tập san y khoa British Medical Journal gần đây, một người đàn ông khoảng 30 tuổi, có tiền sử dị ứng đã bị rách khí quản sau khi cố gắng nhịn hắt hơi.

Hắt hơi liên tục là bệnh gì? Ảnh: ST

Hắt hơi liên tục là bệnh gì? Ảnh: ST

- Đau ngực

Việc kìm nén cơn hắt hơi có thể dẫn đến cảm giác khó chịu, tức ngực do không khí bị chặn lại tạo áp lực lên cơ hoành và cơ ở ngực.

- Nhịn hắt hơi có nguy hiểm tới tính mạng không?

Nhịn hắt hơi có hại không còn đề cập tới việc nhịn hắt hơi có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực tới cơ thể, trong đó có nguy cơ vỡ túi phình mạch máu não có thể khiến bạn bị đột tử. Như vậy có thể nói, một số chấn thương do việc nhịn hắt hơi có thể nguy hiểm tới tính mạng, bao gồm cả vỡ túi phình mạch máu não, gãy vùng hầu họng,...

Nhưng lưu ý rằng cả hắt hơi và nhịn hắt hơi đều không trực tiếp gây ra tình trạng ngừng tim thay vào đó nó có thể ảnh hưởng tạm thời tới nhịp tim của bạn.

Hắt hơi liên tục là bệnh gì?

Hắt hơi liên tục là trạng thái hắt hơi thành một tràng dài. Hắt hơi liên tục có thể là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe như: Dị ứng theo mùa; dị ứng vật nuôi; cảm lạnh; dị ứng với các chất kích thích như không khí ô nhiễm hoặc khói thuốc, nấm mốc; tác dụng phụ của các loại thuốc.

Nếu như hắt hơi liên tục kèm theo ngạt mũi, dịch mũi chảy ra chuyển màu vàng xanh thì cần phải can thiệp điều trị sớm như dùng kháng sinh điều trị triệu chứng và chống viêm nhiễm.

3. Bạn có thể làm gì nếu muốn ngừng cơn hắt hơi?

Đầu tiên, nếu có thể, các chuyên gia đều khuyên rằng bạn không nên nhịn hắt hơi mà nên để chúng xảy ra một cách tự nhiên. Trong một số trường hợp, nếu muốn ngừng cơn hắt hơi bạn có thể dùng giấy để chà xát vùng lỗ mũi hoặc trong mũi để ngăn lại hay dùng lưỡi cù vòm miệng.

Hắt hơi liên tục do viêm mũi dị ứng hay bệnh cảm, cúm có thể sử dụng thuốc kháng histamin hoặc các thuốc để giảm nhẹ triệu chứng.

Điều quan trọng là tránh xa các tác nhân có thể kích thích niêm mạc mũi gây hắt hơi như không khí khô lạnh, ô nhiễm đồ ăn cay, ánh sáng mạnh, nấm mốc, phấn hoa,... Khi hắt xì, cần hướng miệng che lại bằng khăn giấy dùng một lần hoặc khuỷu tay; sau đó rửa lại tay thật kỹ bằng xà phòng dưới vòi nước sạch.

Nhìn chung với câu hỏi nhịn hắt hơi có hại không, câu trả lời là có. Nếu cảm thấy cơ thể xuất hiện các triệu chứng bất thường sau khi hắt hơi, chẳng hạn như đau tai, đau tức ngực, đau đầu,... hãy nhanh chóng thăm khám bác sĩ để được kịp thời chẩn đoán.

Nguồn: Healthline, Health

Châu Anh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nhin-hat-hoi-co-the-lam-vo-tui-phinh-mach-mau-nao-2024101611404551.htm