Nhìn lại bi kịch và bước tiếp từ những đổi thay

Xoay quanh những mâu thuẫn trong gia đình, 'Tiệm cắt tóc trông về phía biển' như một trạm dừng để độc giả soi mình, từ đó tìm thấy lòng bao dung, sức mạnh để bước tiếp.

 Hình ảnh trong bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết vào đầu năm nay. Ảnh: NHK.

Hình ảnh trong bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết vào đầu năm nay. Ảnh: NHK.

Giành giải văn học Naoki danh giá lần thứ 155 cũng như nhanh chóng được chuyển thể thành phim truyền hình, với tác phẩm Tiệm cắt tóc trông về phía biển, nhà văn Nhật Bản Hiroshi Ogiwara đã viết nên một áng văn đẹp và nhiều tính chữa lành.

Những bi kịch trong lòng xã hội Nhật Bản

Tác phẩm gồm 6 câu chuyện của 6 nhân vật ở nhiều độ tuổi, mỗi người họ đều có điểm chung là những tổn thương mà mình phải chịu.

Đó là hai người con tìm về cha mình qua những hồi ức, là người phụ nữ nhìn thấy mẹ mình không còn cay nghiệt sau hai mươi năm cất bước quay về, là người vợ cảm thấy hôn nhân của hai vợ chồng đang dần nguội lạnh, là người mẹ mất con và cả đứa bé thấy mình cô độc trong thế giới người lớn phức tạp.

6 nhân vật với 6 câu chuyện khác nhau đã gợi lên hình ảnh của xã hội hiện đại, với nhiều tình huống và những bi kịch mà con người ta rất dễ rơi vào.

Những câu chuyện diễn ra ở nhiều thời kỳ và thời điểm cho thấy tài năng của Hiroshi Ogiwara trong việc xây dựng cốt truyện linh hoạt. Trong khi đó, mỗi câu chuyện đều đem lại ấn tượng và cảm xúc khác biệt. Đó là cảm giác thơ ngây của cô bé bỏ nhà ra đi, là nỗi đau đớn tột cùng của một gia đình mất đi con gái, hay cũng có lúc là những hờn giận vu vơ của cô vợ trẻ vẫn chưa trưởng thành…

 Tập truyện Tiệm cắt tóc trông về phía biển. Ảnh: Lam Anh.

Tập truyện Tiệm cắt tóc trông về phía biển. Ảnh: Lam Anh.

Thế nhưng hơn hết, qua những mảnh đời trong tác phẩm này, ta thấy tính hiện thực được phản ánh một cách rõ ràng trong lòng xã hội Nhật Bản. Đó là những người trưởng thành phải chịu áp lực về mặt sự nghiệp, dẫn đến bỏ bê gia đình và thiếu thời gian chăm sóc cho con cái. Ngoài ra đó cũng là một góc nhìn còn thiếu bao dung cho những cá nhân từng phạm tội mong được làm lại đời mình.

Cùng chung chủ đề với cuốn Cô nàng cửa hàng tiện ích của nữ nhà văn Murata Sayaka được trao giải Akutagawa cùng năm, Hiroshi Ogiwara trong tác phẩm này đã cho thấy được vòng xoáy cuộc đời phức tạp, khó giải quyết giữa các mong muốn cá nhân và những kỳ vọng từ phía gia đình cũng như xã hội. Nỗ lực trở nên khác biệt mà không biến thành một “người ngoại cuộc” không khi nào là dễ dàng.

Chữa lành bằng sự thấu hiểu

Bằng sự chân thật của mỗi câu chuyện, độc giả như thấy chính mình cũng đang bước trên những lằn ranh ấy. Như tác giả Hiroshi Ogiwara chia sẻ ông cũng đã đưa trải nghiệm của mình vào tác phẩm này. Đó là chuyện về cậu con trai mang theo chiếc đồng hồ không còn hoạt động của cha đến sửa ở một cửa hàng đồ cũ, và qua câu chuyện của người thợ ở đó, anh đã hiểu ra món đồ vật ấy có ý nghĩa ra sao với bản thân mình.

Từ những thăng trầm mà họ trải qua, những người đang chìm trong vòng xoáy cuộc đời gặp được nhau, dần dần được chữa lành và thấy đời mình thêm tươi đẹp hơn. Trong tác phẩm, mỗi người dù ở độ tuổi nào thì cũng đều có thể mang đến những bài học riêng, để người đọc tự soi chiếu mình và thấy nhẹ nhõm giữa đời khó khăn.

Từng rất nổi tiếng với tác phẩm Kim Ngư Cơ, Hiroshi Ogiwara thêm một lần cuốn hút độc giả bằng lối kể chuyện song tuyến nhưng được cấu trúc một cách hài hòa. Nếu tác phẩm trước là những hồi ức đan xen mới - cũ, thì ở Tiệm cắt tóc trông về phía biển, Hiroshi Ogiwara tạo ra rất nhiều nhân vật có tính kế thừa để họ phản ánh và soi chiếu nhau.

 Nhà văn Hiroshi Ogiwara (trái) và tiểu thuyết gia Murata Sayaka (phải) nhận giải Naoki và Akutagawa vào năm 2016. Nguồn: Manichi Japan.

Nhà văn Hiroshi Ogiwara (trái) và tiểu thuyết gia Murata Sayaka (phải) nhận giải Naoki và Akutagawa vào năm 2016. Nguồn: Manichi Japan.

Người ta vẫn thường hay nói muốn tạo một khởi đầu mới cho cuộc đời mình, thì điều đầu tiên nên làm đó là cắt tóc. Nhân vật trong Tiệm cắt tóc trông về phía biển cho dù có phải làm điều đó hay không, thì họ cũng có những cơ hội riêng để nhìn lại mình, từ đó khởi đầu một cuộc sống mới. Bằng những sắp đặt có vẻ như định mệnh, họ gặp được nhau trong những khởi đầu của riêng chính mình.

Một điểm cũng độc đáo khác của Ogiwara nằm ở lối miêu tả thơ mộng, có thể làm dịu lại những nỗi đớn đau. Từ khung cảnh dịu dàng bên bờ biển, màu sắc thay đổi của Mặt Trời, hơi nước bốc lên từ chiếc khăn nóng… cho đến chuyển động nhịp nhàng của chiếc kéo, cánh đồng ruộng ngô và những khoảng trời xanh biếc.

Gần gũi, chân thành và cũng chứa nhiều bài học ý nghĩa, Tiệm cắt tóc trông về phía biển như một trạm sạc cho những linh hồn đã quá mỏi mệt, để thấy bản thân thêm yêu cuộc sống, và biết đời dài rộng này còn nhiều ý nghĩa.

Huyền Trang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/buoc-tiep-tu-nhung-doi-thay-post1418384.html