Nhìn lại vụ SVB sụp đổ và động thái của Fed
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã có đợt tăng lãi suất cuối cùng khi các công ty tài chính của Mỹ rơi vào tình trạng 'báo động' sau giai đoạn tăng lãi suất liên tục...
Ngày 22/3, Fed thông báo tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm, nâng lãi suất tham chiếu tại Mỹ lên 4,75-5%, mức cao nhất kể từ tháng 9/2007.
Dù đợt tăng lãi suất lần này được thị trường dự báo trước khi Fed đã có 9 lần tăng lãi suất trước đó nhằm kiểm soát đà tăng phi mã của lạm phát tăng nhưng giới quan sát cho rằng đợt tăng lần này là giải pháp “tình thế” sau sự sụp đổ đột ngột của 2 ngân hàng là Silicon Valley Bank (SVB) và Signature trong tháng này.
Trước đó, nhiều tổ chức tài chính quốc tế đều đưa ra dự báo rằng Fed sẽ có thêm ít nhất là 4 đợt tăng lãi suất cho tới giữa năm để giảm bớt “sức nóng” của đà tăng giá cả trên thị trường.
Báo cáo mới đây được Ngân hàng UOB (Singapore) công bố cũng dự báo rằng lãi suất cơ bản của Fed sẽ tăng 25 điểm trong mỗi cuộc họp của Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC) vào tháng 3, tháng 5, tháng 6 và tháng 7, trước khi tạm dừng ở mức cuối cùng là 5,75%.
RỦI RO LÂY LAN ĐƯỢC GIẢM THIỂU
Cùng với việc thông báo biên độ tăng lãi suất lần này, Fed cho biết sẽ ngừng tăng thêm chi phí đi vay, trong bối cảnh thị trường tài chính bất ổn. Thay vào đó, FOMC, cơ quan chịu trách nhiệm thiết lập chính sách của Fed, ra thông báo về việc có thể bổ sung một số củng cố chính sách phù hợp hơn với thị trường.
Giới quan sát đánh giá điều này có nghĩa rằng Fed đang phải cân bằng giữa việc giải quyết vấn đề lạm phát, việc làm, với nguy cơ gây ra khủng hoảng tài chính sau vụ SVB và Signature.
Nhìn lại sự “hỗn loạn” của thị trường tài chính trong những ngày qua, UOB cho rằng sự sụp đổ của SVB là kết quả của nhiều xáo trộn nghiêm trọng trong vài năm qua khi dịch Covid-19 hoành hành và các đòn bẩy tài chính được sử dụng quá mạnh. SVB sụp đổ là sự kiện ngân hàng phá sản lớn thứ hai trong lịch sử Hoa Kỳ kể từ tháng 9 năm 2008. Đáng chú ý, sự hỗn loạn sau đó được tiếp nối với việc đóng cửa của Ngân hàng Singature ở New York.
Vì SVB được xếp hạng là một trong 20 ngân hàng thương mại lớn nhất Hoa Kỳ, sự sụp đổ của ngân hàng này đã làm dấy lên lo ngại có thể gây ra rủi ro lây lan trong ngành và các lĩnh vực khác.
“Tuy nhiên, rủi ro lây lan được giảm thiểu nhờ các giải pháp phối hợp mới nhất được Kho bạc Hoa Kỳ, Fed và FDIC công bố liên tục sau đó để hỗ trợ hệ thống tài chính và ổn định tâm lý thị trường. Ngoài ra, rủi ro hệ thống đối với bản thân hệ thống tài chính Hoa Kỳ là ít nghiêm trọng hơn do tính chất đa dạng của hầu hết các ngân hàng thương mại và cơ sở nguồn vốn vững mạnh được xây dựng từ năm 2008”, UOB nhận định.
Hơn nữa, theo ngân hàng đến từ Singapore, nguyên nhân chính của sự sụp đổ của SVB dường như là một diễn tiến mang tính đặc thù và ít có thể gây tác động mang tính hệ thống đối với lĩnh vực tài chính của Hoa Kỳ.
“Do vậy, hoàn toàn có sơ sở khi kỳ vọng Fed sẽ tiếp tục tập trung vào việc chống lạm phát và đẩy mạnh chu kỳ tăng lãi suất”, UOB dự báo.
Tuy nhiên, UOB cho rằng các diễn biến mới nhất và sự không chắc chắn của thị trường có thể là chất xúc tác để Fed giảm bớt kế hoạch thắt chặt tiền tệ của mình, vì các đợt tăng lãi suất mạnh kể từ tháng 3/2020 đang bắt đầu gây ra những hậu quả tiêu cực đối với chính các công ty Hoa Kỳ, trong khi các thị trường mới nổi như ASEAN đã cố gắng vượt qua sự biến động của thị trường tài chính.
Theo CME FedWatch, trước thông báo tăng lãi suất vào ngày 22/3, thị trường dự đoán, xác suất tăng 50 điểm cơ bản tại FOMC tháng 3/2023 đã giảm xuống 0 thay vì mức 80% ở thời điểm trước sự kiện SVB, trong khi xác suất tăng 25 điểm cơ bản là 98%.
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 13-2023 phát hành ngày 27-03-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/nhin-lai-vu-svb-sup-do-va-dong-thai-cua-fed.htm