Nhịp đập năng lượng ngày 23/12/2023
Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát các dự án ưu tiên, trọng điểm trong Quy hoạch điện VIII; Bỉ nối lại mua khí đốt của Nga; Mỹ đang sản xuất nhiều dầu hơn bất kỳ quốc gia nào trong lịch sử… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 23/12/2023.
Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát các dự án ưu tiên, trọng điểm trong Quy hoạch điện VIII
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại hội nghị trực tuyến với các địa phương về dự thảo kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.
Nhấn mạnh tính cần thiết, cấp bách về hoàn thiện và phê duyệt kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Công Thương, các cơ quan liên quan và các địa phương khẩn trương bổ sung làm rõ các thông tin còn thiếu; rà soát, đề xuất danh mục các dự án và các thông tin theo hướng sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, gửi Bộ Công Thương trước ngày 25/12.
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương rà soát các dự án trọng điểm, ưu tiên trong Quy hoạch điện VIII cùng với danh mục các dự án năng lượng tái tạo được các địa phương đề xuất; xây dựng danh mục các dự án theo giai đoạn 2021-2025, giai đoạn 2026-2030 và danh mục các dự án dự phòng để không xảy ra tình trạng bị động trong quản lý quy hoạch tác động đến việc bảo đảm cung ứng điện trong trường hợp chậm tiến độ các nguồn điện trọng điểm, ưu tiên.
Đồng thời nghiên cứu các cơ chế chính sách theo quy định của pháp luật để quản lý phát triển các nguồn thủy điện, điện sinh khối, điện gió, điện mặt trời áp mái. Các nội dung trên báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 28/12/2023.
OPEC+ cắt giảm sản lượng không khiến giá dầu tăng cao hơn
Có ít nhất 4 lần trong 15 tháng qua, các thành viên của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh (OPEC+) đã cắt giảm sản lượng dầu, nhưng sau đó giá dầu lại giảm.
Vikas Dwivedi, chiến lược gia dầu khí toàn cầu tại Macquarie cho biết, mức độ cắt giảm sâu, việc không thể thúc đẩy giá dầu như kỳ vọng và sự cám dỗ khai thác năng lực dự phòng đó để kiếm lợi nhuận sẽ khiến OPEC+ khó duy trì sản lượng dưới mục tiêu của mình hơn bình thường.
Adi Imsirovic, một nhà kinh doanh dầu mỏ kỳ cựu và hiện là cộng tác viên cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược & Quốc tế cho biết, những điều kiện của một thị trường dư cung không phải là điềm tốt cho OPEC+, bởi việc cắt giảm nguồn cung trong một thị trường dự trữ tốt có xu hướng tác động nhẹ đến giá cả. “OPEC mạnh trong thị trường mạnh và yếu trong thị trường yếu. Cho đến khi nhu cầu cải thiện đáng kể, OPEC sẽ gặp rắc rối lớn”, ông cho biết.
Châu Âu tích trữ đầy khí đốt nhưng người tiêu dùng vẫn phải chịu giá cao
Theo nghiên cứu do tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's công bố trong tháng 12, các nhà phân tích nhận thấy Liên minh châu Âu (EU) có trữ lượng khí đốt cao kỷ lục, đạt khoảng 97,5% vào cuối tháng 11/2023. Moody’s dự đoán lượng dự trữ khí đốt sẽ cao hơn dự đoán trước đó là 55% vào cuối tháng 3/2024.
Vậy nhưng, báo cáo của Moody’s nhấn mạnh rằng giá khí đốt ở châu Âu sẽ vẫn ở mức cao và không ổn định. Sử dụng dữ liệu Factset, Moody's nhận thấy rằng giá khí đốt ở châu Âu cao hơn nhiều so với mức trung bình giai đoạn 2015-2019. Và dự kiến chúng sẽ duy trì ở trên mức này cho đến ít nhất là năm 2031. Trong năm 2020 và 2021, giá khí đốt ở dưới mức trung bình.
James Waddell, người đứng đầu bộ phận khí đốt châu Âu và khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) toàn cầu tại công ty Energy Aspects (Anh), nói với CNBC: “Mức thuế mà các hộ gia đình và ngành công nghiệp phải trả vẫn rất cao trong lịch sử. Những biến động về giá này thường diễn ra theo những biến động trên thị trường khí đốt bán buôn với độ trễ vài tháng do phòng ngừa rủi ro cho nhà cung cấp”.
Bỉ nối lại mua khí đốt của Nga
Tờ RIA Novosti đưa tin, trích dẫn dữ liệu thống kê của Liên minh châu (EU), xuất khẩu LNG của Nga sang Bỉ đã tăng gấp 6 lần trong tháng 10. Lượng nhập khẩu khí đốt từ Nga của Bỉ trong tháng 10 đã tăng lên 448,6 triệu m3, sau 5 tháng liên tục hạn chế mua mặt hàng nhiên liệu này của Moscow. Tính đến cuối tháng 10, quốc gia EU này chiếm gần 37% lượng nhập khẩu LNG của Nga.
Theo dữ liệu của Kpler, EU vẫn tiếp tục mua khối lượng LNG kỷ lục từ Moscow trong năm nay. Đặc biệt, lượng LNG của Nga xuất khẩu sang EU đạt mức cao nhất mọi thời đại là 1,75 triệu tấn trong tháng 11. Kỷ lục trước đó được xác lập vào tháng 12/2022, khi Nga xuất khẩu 1,737 triệu tấn LNG sang khu vực.
Đồng thời, dữ liệu mới nhất từ Eurostat cho thấy, các quốc gia thành viên EU đã chi 6,1 tỷ euro (6,7 tỷ USD) để mua LNG của Nga kể từ đầu năm đến nay bất chấp cam kết từ bỏ năng lượng của Nga.
Mỹ đang sản xuất nhiều dầu hơn bất kỳ quốc gia nào trong lịch sử
Theo S&P Global Commodity Insights, Mỹ hiện là nước sản xuất dầu lớn nhất trong lịch sử khi sản lượng tiếp tục tăng lên mức kỷ lục. Sản lượng dầu thô và khí ngưng tụ của Mỹ đã đạt kỷ lục mới trong quý IV/2023 với 13,3 triệu thùng/ngày. Đó là một phần trong tổng sản lượng chất lỏng của Mỹ đạt kỷ lục 21,4 triệu thùng/ngày.
“Mỹ không chỉ sản xuất nhiều dầu hơn bất kỳ quốc gia nào trong lịch sử mà lượng dầu (dầu thô, sản phẩm tinh chế và chất lỏng khí tự nhiên) nước này xuất khẩu cũng gần bằng tổng sản lượng của Ả Rập Xê-út hoặc Nga… Khi nhìn lại năm 2008, thời điểm sản lượng của Mỹ ở mức thấp nhất trong 62 năm và xuất khẩu bằng 0, thì đó là một sự thay đổi đáng chú ý”, Jim Burkhard, Phó chủ tịch kiêm Trưởng bộ phận Nghiên cứu thị trường dầu mỏ của S&P Global Commodity Insights cho biết.
Sự gia tăng này phù hợp với sự gia tăng trong sản xuất của Mỹ, vốn đã tăng tốc trong năm nay. Dữ liệu riêng biệt từ Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) trong tuần này cho thấy sản lượng dầu thô của Mỹ đã tăng lên mức cao kỷ lục mới 13,3 triệu thùng/ngày vào tuần trước.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-nang-luong-ngay-23122023-702460.html