NHNN đã hoàn thành nhiệm vụ và mục tiêu Quốc hội, Chính phủ đề ra

Gửi báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết số 113/2015/QH13 của Quốc hội khóa XIII và các Nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, 3, 4, 5, 7, Quốc hội khóa XIV, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết, NHNN đã chủ động nghiên cứu, rà soát, phân công các đơn vị chức năng triển khai quyết liệt, có hiệu quả những nội dung có liên quan đến lĩnh vực ngân hàng. Đến nay, về cơ bản NHNN đã hoàn thành các nhiệm vụ được giao và đạt được mục tiêu Quốc hội, Chính phủ đề ra.

Triển vọng của Việt Nam tiếp tục được cải thiện

Theo Thống đốc, NHNN đã chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, góp phần quan trọng vào việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; giữ ổn định mặt bằng lãi suất trong nước, đặc biệt là lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên tiếp tục giảm; duy trì thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định, dự trữ ngoại hối nhà nước tăng cao, niềm tin vào VND được củng cố; tăng trưởng tín dụng gắn với chất lượng và hiệu quả, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực là động lực cho tăng trưởng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng

Công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, đạt được kết quả quan trọng, giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống, quy mô và kết quả hoạt động tiếp tục được nâng cao; năng lực quản trị điều hành từng bước tiếp cận với thông lệ quốc tế; tính minh bạch và chất lượng dịch vụ ngân hàng từng bước được cải thiện.

Hoạt động thanh toán tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ với nhiều sản phẩm, tiện ích ngân hàng mới, hiện đại được áp dụng; số lượng và giá trị thanh toán tăng trưởng mạnh; các rủi ro, nguy cơ mất an toàn cơ bản được lường đón, kiểm soát và xử lý kịp thời.

“Các giải pháp đồng bộ nêu trên đã góp phần tích cực giúp nền kinh tế đạt được nhiều kết quả khả quan, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp hơn mục tiêu do Quốc hội đề ra. Qua đó, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đã đánh giá rất tích cực: Fitch nâng triển vọng của Việt Nam từ mức ''Ổn định'' sang ''Tích cực'' và tiếp tục duy trì mức xếp hạng BB (tháng 5/2019); S&P lần đầu tiên sau 9 năm đã điều chỉnh nâng xếp hạng tín nhiệm Việt Nam từ BB- lên BB vào tháng 4/2019”, Thống đốc nhấn mạnh.

Lạm phát được kiểm soát

Trong công tác điều hành chính sách tiền tệ, ngoại hối theo Nghị quyết số 113/2015/QH13, Nghị quyết số 55/2017/QH14, NHNN đã thực hiện điều hành đồng bộ và linh hoạt các công cụ CSTT để ổn định thị trường tiền tệ, ngoại tệ và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu.

Theo đó, NHNN đã điều hành nghiệp vụ thị trường mở thông qua việc chào mua, chào bán tín phiếu để điều tiết lượng tiền trong nền kinh tế, duy trì sự ổn định trên thị trường tiền tệ.

Bên cạnh đó, NHNN cũng điều hành đồng bộ các công cụ CSTT khác như giữ ổn định tỷ lệ dự trữ bắt buộc chung đối với các TCTD; thực hiện tái cấp vốn đối với các TCTD để cho vay theo các chương trình đã được Chính phủ phê duyệt... góp phần kiểm soát tiền tệ, không tạo ra áp lực gia tăng lạm phát, hỗ trợ ổn định tỷ giá và mặt bằng lãi suất thị trường.

Đồng thời, CSTT được phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa trong việc điều hòa vốn khả dụng của các TCTD; thường xuyên trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành về điều hành CSTT, giá hàng hóa dịch vụ, dự báo lạm phát, làm cơ sở để tính toán liều lượng, mức độ điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý phù hợp mục tiêu kiểm soát lạm phát chung, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại tệ, giảm chi phí huy động vốn cho NSNN với kỳ hạn được kéo dài.

Kết quả là lạm phát bình quân và lạm phát cơ bản được duy trì tương đối ổn định ở mức thấp, tạo dư địa để Chính phủ điều chỉnh giá các mặt hàng và dịch vụ Nhà nước quản lý (9 tháng đầu năm 2019, lạm phát bình quân là 2,5%; lạm phát cơ bản bình quân là 1,91%). Tính đến ngày 30/9/2019, tổng phương tiện thanh toán tăng 8,86% so với cuối năm 2018 (cùng kỳ tăng 8,81%).

Duy trì ổn định mặt bằng lãi suất

Cũng theo Thống đốc Lê Minh Hưng, trong 9 tháng đầu năm, NHNN đã chỉ đạo các TCTD chủ động cân đối khả năng tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay, đảm bảo an toàn tài chính; điều tiết vốn khả dụng của các TCTD chủ yếu qua thực hiện chào mua giấy tờ có giá và chào bán tín phiếu NHNN qua nghiệp vụ thị trường mở, góp phần giữ ổn định thị trường tiền tệ.

Về lãi suất điều hành, trong bối cảnh lãi suất quốc tế gia tăng, NHNN đã điều hành đồng bộ các giải pháp CSTT nhằm ổn định mặt bằng lãi suất, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Trên cơ sở đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ: NHTW các nước trên thế giới gia tăng nới lỏng CSTT, trong nước kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát phù hợp với mục tiêu, thị trường tiền tệ, ngoại hối diễn biến ổn định; từ ngày 16/9/2019, NHNN điều chỉnh giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành để tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ nền kinh tế và thanh khoản của hệ thống TCTD.

Về cơ bản, mặt bằng lãi suất tiếp tục duy trì ổn định. So với đầu năm, lãi suất huy động ở một số kỳ hạn dài tăng nhẹ trong bối cảnh các NHTM tái cơ cấu nguồn vốn để đáp ứng tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, lãi suất các kỳ hạn ngắn tương đối ổn định, trong đó lãi suất tiền gửi không kỳ hạn có xu hướng giảm; thanh khoản của hệ thống TCTD tiếp tục được đảm bảo và dư thừa, các NHTM Nhà nước tiếp tục duy trì lãi suất ở mức thấp so với thị trường. Một số TCTD bao gồm các NHTM Nhà nước và một số NHTMCP lớn đã tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên vào đầu năm và tháng 8/2019.

Hiện, mặt bằng lãi suất huy động phổ biến ở mức 0,5-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5%-5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng; 5,5-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng; 6,6-7,3%/năm đối với kỳ hạn trên 12 tháng. Lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6-9%/năm đối với ngắn hạn; 9-11% đối với trung và dài hạn.

Thị trường ngoại hối ổn định

Tư lệnh ngành Ngân hàng cũng cho biết, NHNN đã thực hiện điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến trên thị trường trong nước và quốc tế, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu điều hành CSTT; kết hợp điều tiết thanh khoản, lãi suất VND hợp lý và chủ động truyền thông để ổn định thị trường, mua ngoại tệ bổ sung Dự trữ ngoại hối Nhà nước khi có điều kiện thuận lợi.

Trong 9 tháng đầu năm 2019, mặc dù có nhiều áp lực từ những diễn biến trên thị trường quốc tế (diễn biến đồng CNY giảm giá mạnh, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, dự kiến về lộ trình chính sách của Fed…), thị trường ngoại tệ vẫn duy trì hoạt động ổn định; tỷ giá trong nước tương đối ổn định, diễn biến linh hoạt phù hợp với sự thay đổi của điều kiện thị trường trong nước, quốc tế và mục tiêu điều hành CSTT; thanh khoản thị trường vẫn đảm bảo, các giao dịch ngoại tệ diễn ra thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời; NHNN mua được lượng lớn ngoại tệ, bổ sung Dự trữ ngoại hối Nhà nước.

Cũng theo Thống đốc Lê Minh Hưng, NHNN sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp quản lý thị trường ngoại tệ, thị trường vàng phù hợp nhằm chuyển hóa các nguồn vốn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thời gian qua, nhờ thực hiện các giải pháp hạn chế tình trạng đô la hóa, vàng hóa trong nền kinh tế và sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý thị trường, Bộ Công an, tâm lý găm giữ ngoại tệ và vàng giảm, quy mô hoạt động trên thị trường phi chính thức, thị trường ngoại tệ tự do đang ngày càng thu hẹp và bám sát tỷ giá liên ngân hàng.

Việc áp dụng cơ chế tỷ giá trung tâm đã góp phần làm tăng tính linh hoạt và nâng cao vị thế của đồng Việt Nam, đồng thời làm giảm tâm lý găm giữ ngoại tệ trong nền kinh tế, góp phần làm tăng nguồn cung ngoại tệ trên thị trường. Tương ứng với lượng ngoại tệ mua được cho Dự trữ ngoại hối Nhà nước, NHNN đã cung ứng tiền đồng đưa vào lưu thông, bổ sung thanh khoản VND cho toàn hệ thống, thực hiện việc chuyển hóa nguồn lực ngoại tệ thành nguồn vốn cho phát triển kinh tế, đồng thời áp dụng các công cụ điều hành CSTT khác để vẫn đảm bảo được mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Cùng với đó, thị trường vàng tiếp tục diễn biến ổn định và tự điều tiết tốt. Trong thời gian gần đây, do giá vàng thế giới tăng nên giá vàng trong nước cũng tăng theo, nhưng thị trường vàng trong nước không có biến động lớn, bất thường, nhu cầu về vàng thấp. Từ năm 2014 đến nay, nền kinh tế không phải sử dụng ngoại tệ để nhập khẩu vàng can thiệp thị trường.

Dương Công Chiến

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/nhnn-da-hoan-thanh-nhiem-vu-va-muc-tieu-quoc-hoi-chinh-phu-de-ra-94399.html