Nhớ mùa thu cách mạng
Tháng 8-1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn thể nhân dân Việt Nam đứng dậy khởi nghĩa giành chính quyền, mở ra trang sử mới cho dân tộc. Năm tháng đi qua, lớp người ngày ấy còn rất ít. Thật may mắn khi mới đây, chúng tôi có dịp gặp những chứng nhân lịch sử ít nhiều biết đến chuyện xưa.
Ký ức ngày khởi nghĩa
Tôi về Hòn Khói (thị xã Ninh Hòa) một ngày chớm thu. Ánh nắng vàng gợi nhớ đến những trang sử hào hùng trong phong trào khởi nghĩa giành chính quyền mùa thu 1945. Chính trên vùng đất này, ngày 15-8-1945, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Hòn Khói, nhân dân trong vùng đã khởi nghĩa thành công, mở đầu cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Ninh Hòa.
Theo lịch sử Đảng bộ thị xã Ninh Hòa, diêm dân vùng Hòn Khói bị áp bức bóc lột nặng nề nên có sẵn tinh thần đấu tranh, phản kháng. Phong trào cách mạng ở Hòn Khói phát triển khá sớm, trong đó Chi bộ Hòn Khói được thành lập năm 1930 là một trong những chi bộ được thành lập sớm ở huyện Tân Định (nay là thị xã Ninh Hòa). Hạt giống cách mạng gieo trên vùng đất muối nhanh chóng bén rễ, cắm sâu vào đất và người nơi đây. Đầu năm 1945, ở Hòn Khói đã có nhiều nhóm cách mạng do các trí thức lãnh đạo như: Đặng Vinh Hàm ở làng Bình Tây (Ninh Hải), Lê Đình Thu ở Thạnh Danh (Ninh Diêm)... Chi bộ Hòn Khói do đồng chí Đặng Vinh Hàm làm bí thư đã vận động, xây dựng các cơ sở cách mạng trong các tổ chức quần chúng cứu quốc như: Công hội, nông hội, thanh niên, phụ nữ. Ông Nguyễn Văn Triết (92 tuổi, đảng viên 70 năm tuổi Đảng ở Ninh Diêm) nhớ lại: “Đến tháng 8-1945, các nhóm Việt Minh đã thành lập các đội tự vệ, bí mật rèn giáo mác; chuẩn bị cờ đỏ sao vàng, khẩu hiệu, truyền đơn để khởi nghĩa. Tôi tham gia đội thanh niên nên biết bà Nguyễn Thị Trang (vợ đồng chí Phạm Cự Hải) may cờ đỏ sao vàng, phong trào chuẩn bị khởi nghĩa rất sục sôi…”.
Cuộc khởi nghĩa ở huyện Vạn Ninh bùng nổ thắng lợi vào ngày 14-8-1945 đã tiếp thêm niềm tin cho những người lãnh đạo phong trào cách mạng ở Hòn Khói. Lệnh khởi nghĩa của tỉnh chưa đến, nhưng những người lãnh đạo Việt Minh ở Ninh Hòa đã tranh thủ thời cơ chỉ đạo tiến hành khởi nghĩa. Mở đầu là cuộc khởi nghĩa của nhân dân Hòn Khói sáng 15-8-1945. Hàng nghìn quần chúng ở các làng đổ ra đường, mang theo giáo mác, gậy gộc, giương cờ, hô khẩu hiệu bao vây hương xá làng Phú Thọ, giành chính quyền. “Tôi vẫn nhớ hình ảnh lý trưởng làng Phú Thọ Nguyễn Xuân Thưởng đem triện ra nộp. Đại diện chính quyền cách mạng tuyên bố xóa bỏ chính quyền tay sai, thành lập chính quyền cách mạng. Từ làng Phú Thọ, phong trào tỏa ra các làng trong khu vực Hòn Khói”, ông Triết hào hứng kể lại.
Sau khi khởi nghĩa thành công, rạng sáng 17-8-1945, người dân vùng Hòn Khói từ các ngả đường hướng về phủ lỵ Ninh Hòa. “Đoàn biểu tình rất đông, vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu “Việt Nam độc lập muôn năm”, “Đả đảo phát xít Nhật”... Cờ đỏ sao vàng ngập khu phố”, ông Triết kể. Với khí thế sục sôi của quần chúng cách mạng, tri phủ Ninh Hòa Hồ Hưng phải trao ấn tín, sổ sách, tiền bạc cho đại diện Việt Minh. Trước cửa phủ đường, cờ quẻ ly hạ xuống, cờ đỏ sao vàng được kéo lên tung bay trong gió. Đồng chí Trịnh Huy Quang - Bí thư Tỉnh ủy lâm thời, trực tiếp phụ trách địa bàn Ninh Hòa tuyên bố xóa bỏ chính quyền bù nhìn, thành lập chính quyền cách mạng; công bố 10 chính sách của Mặt trận Việt Minh và kêu gọi nhân dân đoàn kết đấu tranh bảo vệ chính quyền cách mạng. Cuộc mít tinh biến thành cuộc võ trang tuần hành, thị uy, tỏa về các khu vực với khí thế phấn khởi tràn ngập xóm làng.
Theo thầy đi giành chính quyền
Không chỉ ở Khánh Hòa, mùa thu 1945, người dân nhiều nơi trên cả nước cũng đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. 75 năm đã qua, nhưng ông Hoàng Lưu (sinh năm 1931, đảng viên 70 năm tuổi Đảng, phường Phước Long, TP. Nha Trang) vẫn nhớ như in không khí cách mạng ở tổng An Lưu, huyện Hòa Vang, Quảng Nam (nay thuộc Đà Nẵng).
Một buổi sáng đẹp trời, đồng lúa đang chín rộ, cậu bé Hoàng Lưu đang đào dế để làm mồi câu cá thì nghe tiếng la í ới, trống, mõ đánh liên hồi. Vụt chạy vào làng An Nông, cậu bé Lưu thấy cả đoàn người cầm gậy, cờ từ làng Trà Lộ (cùng thuộc tổng An Lưu) băng qua làng An Nông. Họ vừa đi vừa hô “Đánh đổ Chính phủ bù nhìn, diệt trừ bọn Việt gian phản quốc”, “Ủng hộ Việt Minh, thành lập Chính phủ cách mạng nhân dân”… “Tôi nhận ra, trong đoàn biểu tình đó có mấy người bạn học ở làng bên. Vào đến sân đình làng An Nông của tôi, họ tiếp tục hô khẩu hiệu. Có mấy người mặc đồ Tây nai nịt gọn gàng dẫn lý trưởng, hương kiểm đem triện và sổ bộ ra nộp cho lực lượng Việt Minh. Rồi thầy giáo của tôi cùng mấy người nữa từ trong đình đi ra, thầy bắc ghế đứng lên cao kêu gọi mọi người im lặng rồi nói chuyện dân ta mất nước, dân ta nô lệ… nay ta giành độc lập. Thầy tuyên bố từ nay chính quyền về tay Việt Minh. Gần trưa, đoàn người kéo qua làng Trà Khê bên cạnh. Tôi chạy theo đoàn biểu tình, nhưng thầy đưa cho tôi 2 xu, bảo quay về gọi các bạn lên chợ Cồn mua giấy hồng đơn về làm cờ sáng mai ra đình dự mít tinh…”, ông Lưu kể.
Lên chợ mua giấy nhưng không còn giấy đỏ, giấy vàng nên cậu học trò nghèo cùng nhóm bạn học về nhà lấy vở học trò hì hục mài đá son phết làm cờ, vót tre làm cán cờ chuẩn bị mít tinh thành lập chính quyền cách mạng. “Tờ mờ sáng hôm sau đã nghe trống giục liên hồi, tôi chạy quanh xóm gọi bạn. Mặt trời lên bằng con sào thì dân làng đã tề tựu đứng chật sân đình. Lớp thiếu niên chúng tôi cầm cờ được xếp hai hàng đứng trước. Phía sau là đàn ông, phụ nữ người nào cũng cầm gậy vót nhọn với dây thừng để phô trương thanh thế… Một cán bộ Việt Minh đứng lên ghế hướng dẫn mọi người hô khẩu hiệu ủng hộ Việt Minh, ủng hộ Chính quyền cách mạng, giới thiệu người làm cán bộ xã. Sau đó, người dân kéo đi diễu hành quanh làng ra đến bờ biển rồi trở lại đình hô khẩu hiệu một lúc sau mới giải tán”, ông Lưu nhớ lại.
Sau này tìm hiểu lịch sử, ông Lưu mới biết, tối 16-8-1945, Ban khởi nghĩa tổng An Lưu đã tổ chức cuộc mít tinh lớn, tuyên bố với nhân dân trong tổng, thời cơ khởi nghĩa đã đến và kêu gọi đồng bào, lực lượng vũ trang trong tổng sẵn sàng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Sáng 17-8, Ban khởi nghĩa tổng An Lưu phát động khởi nghĩa. Đến tối 18-8-1945, việc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hòa Vang hoàn tất, góp phần vào khởi nghĩa thắng lợi ở Quảng Nam.
“Súng nổ rung trời giận giữ/Người lên như nước vỡ bờ/Nước Việt Nam từ máu lửa/Rũ bùn đứng dậy sáng lòa” - những câu thơ trong bài thơ Đất nước của nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã khái quát khí thế quật khởi của cả dân tộc Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành độc lập! 75 năm đã qua, lớp người như ông Triết, ông Lưu… không còn nhiều, nhưng người Việt Nam vẫn sẽ nhớ mãi những trang sử hào hùng của mùa thu cách mạng 1945.
XUÂN THÀNH