Nhớ Tết Trung thu

Ngày Tết Trung thu đã có từ thuở xa xưa, từ trong câu chuyện mà ngoại vẫn thường hay kể cho chúng tôi những ngày còn bé.

Ngày đó, lũ chúng tôi được biết về chị Hằng xinh đẹp dịu hiền như cô tiên, biết về chú Cuội ham chơi để trâu ăn lúa, biết về tiếng trống “thùng thình” vui tai qua những câu lời bà kể.

Rồi cả thế giới trò chơi náo nhiệt như: ô ăn quan, kéo co, đánh quay, cướp cờ, nhảy dây, đánh khăng, cà kheo, ném còn... Điều mà lũ trẻ chúng tôi chờ đợi nhất là khi phá cỗ trung thu, kẹo bánh được nhét căng cả các túi áo, túi quần và cái miệng nhộm nhoạm nhai đầy bánh kẹo.

Năm tháng qua đi cùng với những mùa trăng mới, lũ trẻ chúng tôi ngày ấy giờ đã trưởng thành, đã làm cha mẹ, nhưng những lời ngoại kể vẫn còn đọng lại mãi trong kí ức…

Ngày Tết Trung thu vẫn là ngày hội tưng bừng của bọn trẻ, là ngày hội của những nụ cười vô tư, thánh thiện với đôi mắt trong veo. Chỉ tiếc rằng những đứa trẻ hôm nay không còn “may mắn” như chúng tôi ngày xưa, có thể thả mình vào những trò chơi dân gian.

 (Hình minh họa)

(Hình minh họa)

Ngày xưa những chiếc mặt nạ được bố khéo léo cắt tỉa từ bìa carton hoặc cây tre được chẻ vót, làm thành những chiếc đèn ông sao với giấy màu đủ sắc lung linh thì giờ đây đang dần bị quên lãng và thay thế bởi đồ chơi chạy bằng pin, bằng điện được bày bán đầy ngoài đường.

Người lớn ngày nay cũng khác, họ hối hả trong việc kiếm tiền và ít đi thời gian quan tâm đến niềm vui của trẻ. Họ thường ựa chọn những thứ đồ chơi có sẵn mà quên mất mình đang từ bỏ đi những nét đẹp dân gian cần lưu truyền.

Người lớn giờ đây xem ngày Tết Trung thu là một cái cớ để quà cáp cho nhau nhằm phục vụ lợi ích của mình hay vì sợ mất lòng. Đồng tiền, sự tính toán đã chen lấn trong cuộc sống và dần đánh mất đi những nét đẹp trong sáng của truyền thống cũng như những nụ cười thánh thiện của trẻ thơ.

Một mùa trăng nữa lại về, không khí ngày Tết Trung thu cũng đã lan tỏa khắp phố phường. Đám trẻ con vẫn háo hức chờ đón đêm trăng, chị Hằng và chú Cuội... Thầm nghĩ người lớn chúng ta nên bớt ít thời gian để tổ chức những trò chơi tập thể, tái hiện những trò chơi dân gian để trẻ được thỏa mình trong đó, để chúng được tận hưởng niềm vui thời thơ ấu.

Phan Hiền

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/xa-hoi/doi-song/nho-tet-trung-thu-361456.html