Nhớ về Quốc hội khóa XIII - nhiệm kỳ nhiều đổi mới
Thấm thoắt đã 10 năm trôi qua, kể từ khi tôi bắt đầu tham gia hoạt động Quốc hội với vai trò là Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIII, những hoạt động lập hiến, lập pháp, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, của Quốc hội vẫn đọng lại trong ký ức của tôi về một nhiệm kỳ Quốc hội sôi động, nhiều đổi mới, nhiệm kỳ Quốc hội thông qua Hiến pháp năm 2013, ban hành một khối lượng văn bản quy phạm pháp luật lớn nhất từ trước đến thời điểm năm 2015 với hơn 100 luật, bộ luật...
Có thể khẳng định rằng, trải qua 75 năm, với 14 nhiệm kỳ hoạt động, Quốc hội Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Quốc hội từng bước nâng cao chất lượng hoạt động lập pháp; hoạt động giám sát có nhiều đổi mới, đạt được những kết quả tích cực, chất vấn và trả lời chất vấn đi vào thực chất, trực tiếp, thẳng thắn; hoạt động tại nghị trường có sự thay đổi mạnh mẽ từ phát biểu tham luận sang tranh luận với tinh thần trách nhiệm cao của từng đại biểu, tạo ra không khí nghị trường thật sự sôi nổi, được Nhân dân, cử tri quan tâm.
Quốc hội cũng đã thực hiện ngày càng có hiệu quả hơn chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; Đoàn ĐBQH và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp có sự phối hợp chặt chẽ hơn, nâng cao chất lượng các cuộc tiếp xúc cử tri, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri. Việc nắm bắt tình hình, tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân được quan tâm triển khai có nề nếp; chú trọng phân loại ý kiến để việc phản ánh, phản hồi, tiếp thu ngày càng rõ ràng, cụ thể hơn, khắc phục tình trạng chung chung.
Trong lịch sử xác lập, xây dựng và phát triển Quốc hội Việt Nam, tôi cho rằng có hai dấu mốc rất quan trọng và được coi là kỳ tích, đó là: Cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I năm 1946, đây là sự kiện đánh dấu sự mở đầu thời đại mới trong lịch sử dân tộc; hai là Cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội sau khi nước nhà thống nhất năm 1976. Suốt quá trình lịch sử của mình, Quốc hội đã thực hiện tốt các quyền Hiến định là “lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước”; Quốc hội đã khẳng định được vị thế của mình trong bộ máy nhà nước là “cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”. Yếu tố trọng dân, vì dân, bám sát thực tiễn trong quyết sách của Quốc hội được thể hiện rõ nét. Mỗi phát biểu của ĐBQH trên diễn đàn đều xuất phát từ đời sống thường nhật, thể hiện ý chí, mong muốn và nguyện vọng của người dân, lấy mục tiêu lo việc của dân để bàn thảo và quyết định các vấn đề hệ trọng của đất nước. Vì vậy, việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước ngày càng hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, vì lợi ích của quốc gia, phù hợp với ý chí và nguyện vọng của Nhân dân, góp phần vào ổn định kinh tế vĩ mô, đưa nền kinh tế từng bước vượt qua khó khăn, tiếp tục tăng trưởng, thúc đẩy chuyển dịch mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống Nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII mà tôi được tham gia, Quốc hội đã hoàn thành trọng trách xây dựng, thông qua bản Hiến pháp 2013 và nhiều văn bản pháp luật thể chế hóa đường lối của Đảng, đặc biệt là Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, ban hành Nghị quyết về điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 38/2004/QH11 của Quốc hội khóa X; Quốc hội khóa XIII cũng đã quyết định không phê duyệt dự án xây dựng đường sắt cao tốc trị giá 54 tỷ USD được dư luận đồng tình ủng hộ...
Nhiệm kỳ khóa XIII cũng đã ghi nhận những đổi mới rất quan trọng, Quốc hội tiến hành chất vấn trực tiếp những người đứng đầu các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề và hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII, thể hiện việc theo dõi, giám sát đến cùng việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội. Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII cũng đã đánh dấu một dấu mốc lịch sử khi lần đầu tiên Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Có thể khẳng định rằng, các thế hệ ĐBQH của tỉnh Lâm Đồng luôn thể hiện và phát huy tốt tinh thần trách nhiệm, phẩm chất, trí tuệ, xứng đáng là đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân. Là ĐBQH, tôi luôn xác định việc lắng nghe, học hỏi từ Nhân dân làm nền tảng trong công tác, qua đó đã giúp tôi tích lũy thêm nhiều tri thức, kinh nghiệm quý báu; đồng thời cũng vui mừng khi biết được nhiều ĐBQH đã rất tận tâm, tận lực, đóng góp sức lực, trí tuệ của mình vì sự đổi mới của Quốc hội, vì sự phát triển của đất nước, của Nhân dân.
Đối với ĐBQH của Đoàn Lâm Đồng nhiệm kỳ này cũng đã tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân; không ngừng đổi mới, sáng tạo, tham gia phát biểu thảo luận, tranh luận sôi nổi, chất lượng được cử tri ghi nhận và đánh giá cao, xứng đáng với niềm tin của Nhân dân đối với đại biểu dân cử.
VŨ CÔNG TIẾN
CHỦ TỊCH HỘI CỰU CHIẾN BINH TỈNH, NGUYÊN PHÓ BÍ THƯ THƯỜNG TRỰC TỈNH ỦY, NGUYÊN TRƯỞNG ĐOÀN ĐBQH KHÓA XIII TỈNH LÂM ĐỒNG