Nhu cầu chững, giá bán giảm tiếp tục thách thức ngành thép trong quý 3/2023
Dự báo quý 3/2023 tiếp tục là một quý đầy thách thức với các doanh nghiệp sản xuất thép Việt Nam khi nhu cầu thị trường chững lại do mùa mưa và giá bán giảm sẽ ảnh hưởng đến biên lợi nhuận mặc dù chi phí đầu vào ổn định.
Lợi nhuận ngành thép đi ngang trong quý 2/2023
Dữ liệu của KIS Vietnam Securities (KIS Vietnam) cho thấy, tốc độ tăng trưởng doanh thu trong quý 2/2023 của 24 công ty ngành thép niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm 27,7% so với quý 2/2022.
Đặc biệt, cả 9 công ty hàng đầu trong ngành thép đều có mức tăng trưởng âm. Trong đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (mã cổ phiếu HPG) có mức tăng trưởng doanh thu âm 21,1% trong quý 2/2023 (so với quý 2/2022). Tăng trưởng doanh thu của Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (mã cổ phiếu NKG) ở mức -23,5%; trong khi đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (mã cổ phiếu HSG) ghi nhận mức giảm lên tới 29% trong quý 2/2023.
Tính đến cuối tháng 6/2023, các doanh nghiệp ngành thép đã hoàn thành từ 25% - 62% mục tiêu doanh thu cả năm nay.
Điểm sáng là quy mô doanh thu trong quý 2/2023 gần như đi ngang so với quý 1/2023 trong bối cảnh doanh thu xuất khẩu tốt hơn đã bù đắp sự suy yếu trên thị trường nội địa. Cụ thể, tổng sản lượng tiêu thụ thép trong quý 2/2023 chỉ đạt 6 triệu tấn, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tổng khối lượng xuất khẩu là 2,1 triệu tấn, tăng 25,1% so với quý 2/2022 và tăng hơn 34% so với quý 1/2023. Đặc biệt, khối lượng xuất khẩu thép cuộn cán nóng (HRC) lên đến 1,1 triệu tấn, tăng 128% so với quý 2/2022 và tăng 54% so với quý 1/2023.
Đối với lợi nhuận ròng, lợi nhuận ròng của toàn ngành thép gần như đi ngang trong quý 2/2023. Gần một nửa trong số 24 doanh nghiệp thép vẫn báo lỗ trong quý vừa rồi. Trong số 9 doanh nghiệp thép có doanh thu cao nhất, Thép Nam Kim báo lãi hơn 125 tỷ đồng sau khi thua lỗ 3 quý liên tiếp trước đó; trong khi đó, Tập đoàn Hoa Sen chỉ ghi nhận lãi hơn 14 tỷ đồng. Lãi ròng của Tập đoàn Hòa Phát đạt 1.447 tỷ đồng, giảm 64% so với quý 2/2022, nhưng lại tăng gấp 3,7 lần so với quý 1/2023.
Theo đó, tổng lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ của 24 doanh nghiệp ngành thép niêm yết trong quý 2/2023 đã giảm tới 89,2% so với cùng kỳ năm trước, nhưng tăng 7% so với quý 1/2023.
Tín hiệu tích cực là biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp đã được cải thiện, từ mức 5,5% trong quý 2/2022 lên mức 7,4% trong quý 2/2023 khi mà áp lực chi phí hàng tồn kho đã không còn. Hiện các công ty đã hoàn thành khoảng 0-79% kế hoạch lợi nhuận ròng năm nay.
Xem thêm: "Thép Nam Kim: Báo lãi trở lại sau 3 quý lỗ, cổ phiếu NKG xác lập nhịp tăng mới" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Nhu cầu tiêu thụ thép trong quý 3/2023 tiếp tục chững lại
KIS Vietnam nhận định nhu cầu trên thị trường thép trong nước sẽ tiếp tục ở mức yếu trong quý 3/2023 do ảnh hưởng của mùa mưa. Tuy nhiên, hiện tượng El Nino có thể làm tăng số ngày khô trong quý 3 này, điều này sẽ tác động tích cực phần nao đến sản lượng tiêu thụ thép.
Theo dõi giá thép hàng ngày trên Tạp chí Công Thương tại đây.
KIS Vietnam hiện dự báo tổng sản lượng tiêu thụ thép cả nước trong quý 3/2023 sẽ là 5,8 triệu tấn, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng giảm 9% so với mức tiêu thụ 6 triệu tấn của quý 2/2023. Đồng thời, hãng chứng khoán này đánh giá kênh xuất khẩu dự kiến sẽ tiếp tục là “điểm tựa” cho các doanh nghiệp, hỗ trợ tổng doanh số bán hàng của các doanh nghiệp ngành thép trong quý 3/2023.
Đối với nguyên vật liệu đầu vào, giá của hầu hết các nguyên liệu đầu vào như quặng sắt, than cốc,… được nhận định có thể sẽ tăng lên do tâm lý tốt từ Trung Quốc - thị trường sản xuất thép lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, tốc độ tăng của giá các nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp sản xuất thép có thể sẽ không tăng cùng tốc độ với giá nguyên liệu đầu vào của thị trường, do đó, biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp ngành thép sẽ chỉ bị ảnh hưởng nhẹ do giá bán giảm và có thể đi ngang so với quý 2/2023.
Theo KIS Vietnam, giá thép cuộn cán nóng (HRC) sẽ phục hồi trong quý 3/2023, qua đó tác động tích cực đến doanh thu và lợi nhuận của các công ty từ cuối tháng 9/2023 và trong quý 4/2023.
Xem thêm: "Tập đoàn Novaland: Sẽ có lãi trở lại từ quý 3/2023, cổ phiếu NVL bật tăng mạnh" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Đáng chú ý, vừa qua Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 5691/VPCP-CN về một số kiến nghị của Hội, Hiệp hội sản xuất và cung ứng vật liệu xây dựng gửi Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
Trước đó, vào ngày 1/7/2023, 8 Hội, Hiệp hội là: Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, Hiệp hội Xi măng Việt Nam, Hội Bê tông Việt Nam, Hiệp hội Thép Việt Nam, Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam, Hiệp hội Kính và thủy tinh Việt Nam, Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam và Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam đã có kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ tắc nghẽn tiêu thụ các sản phẩm vật liệu xây dựng chủ yếu sử dụng cho các công trình xây dựng dân dụng, công nghiệp, bao gồm các sản phẩm thép.
Trước kiến nghị này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có ý kiến chỉ đạo Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và cơ quan liên quan xử lý kiến nghị của Hội, Hiệp hội về khó khăn, vướng mắc trong tiêu thụ các sản phẩm vật liệu xây dựng theo đúng quy định, trường hợp vượt thẩm quyền, đề xuất phương án xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/8/2023.
Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại Văn bản số 5174/VPCP-CN ngày 11/7/2023. Đồng thời chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và cơ quan liên quan xử lý kiến nghị của Hội, Hiệp hội về việc xây dựng đường dạng cầu cạn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, báo cáo Thủ tướng trước ngày 30/8/2023.
Nhận định tổng thể về triển vọng ngành thép Việt Nam năm nay, KIS Vietnam cho rằng sản lượng tiêu thụ thép cả năm 2023 sẽ gần như đi ngang so với năm trước. Lực cầu yếu tiếp tục là rủi ro chủ chốt đối với ngành thép. Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại và các vấn đề trong nước liên quan đến lĩnh vực trái phiếu và bất động sản có thể đe dọa hơn nữa đến kết quả kinh doanh của ngành.