Nhu cầu làm nhà giả cổ

Trải qua thời gian, số lượng nhà cổ ngày một ít đi, những ngôi nhà giữ được kiến trúc, chất liệu, phong cách trang trí nghệ thuật ban đầu lại càng hiếm. Yêu thích kiến trúc truyền thống, nhiều người có điều kiện trên địa bàn tỉnh đã xây dựng những ngôi nhà giả cổ làm nơi ở và thờ cúng tổ tiên.

Ngôi nhà giả cổ của gia đình ông Lê Xuân Thảo, xã Ông Đình (Khoái Châu)

Ở xã Ông Đình (Khoái Châu) những năm gần đây xuất hiện nhiều ngôi nhà giả cổ. Một trong những ngôi nhà bề thế nhất ở đây là của gia đình ông Lê Xuân Thảo ở thôn 1. Chia sẻ về ý tưởng xây dựng ngôi nhà, ông Thảo cho biết, ông là trưởng họ dòng họ Lê Xuân ở xã Ông Đình. Sinh ra và lớn lên tại ngôi làng thuần nông, nhận thấy những nếp nhà cổ rất ấm áp và đẹp nên ông quyết tâm xây dựng một ngôi nhà vừa làm nhà thờ vừa làm nhà ở theo phong cách truyền thống.

Ông Thảo đã đi nhiều các nơi tìm hiểu và nghiên cứu những kiến thức văn hóa về nhà cổ. Mặc dù xây dựng theo thiết kế nhà truyền thống nhưng ông làm theo phong cách tân tiến hơn để tiện lợi cho cuộc sống. Ngôi nhà được xây hoàn toàn bằng bê tông, các hoa văn được vẽ, đắp tinh tế bởi những người thợ lành nghề. Ngôi nhà truyền thống bằng bê tông giả gỗ cũng giống như các kiến trúc xây bằng gỗ tự nhiên, ngoại thất vẫn được xây dựng như những ngôi nhà truyền thống về kiểu dáng, màu sắc và cách bố trí hoa văn, chỉ khác nhau về vật liệu xây dựng. Ngôi nhà chính 3 gian, 2 chái kiểu kiến trúc chữ “Nhất” với mái trước, mái sau lợp bằng ngói gạch đỏ truyền thống. Xung quanh được trang trí bởi những họa tiết đối xứng tạo sự trang nghiêm. Ngôi nhà được thiết kế 3 cửa ra vào: 1 cửa chính nằm giữa và 2 cửa phụ 2 bên. Các thanh xà, kèo, cột nhà, cột hiên đều được xây dựng bằng bê tông và sơn giả màu gỗ nhìn giống như gỗ thật. Các cấu kiện từ con chồng, quá giang cho tới hoành dui, tàu mái… tất cả đều được xây dựng bằng bê tông đúc sẵn. Ngoài ra, hai bên nhà chính còn có 2 ngôi nhà nhỏ là nơi sinh hoạt chính của các thành viên trong gia đình. Khuôn viên ngôi nhà còn có tiểu cảnh, hồ cá và trồng nhiều cây xanh, cây cảnh.

Ông Thảo cho biết: Ngày xưa, nhà thờ được làm bằng gỗ nhưng tôi lựa chọn xây dựng nhà bằng bê tông và sơn vân giả màu gỗ bởi đây là loại vật liệu hạn chế mối mọt, chi phí tu sửa, xây dựng thấp hơn nhiều so với gỗ; duy chỉ có bộ cửa của ngôi nhà được làm bằng gỗ lim. Được xây dựng từ năm 2021, đến nay ngôi nhà giả cổ của tôi vừa là nơi ở, vừa là nơi thờ cúng của gia đình, dòng họ. Từ khi làm xong ngôi nhà tôi rất tự hào và phấn khởi, nhiều người đến tham quan, học hỏi. Với tôi, công trình này là cả tâm huyết và sự cố gắng của cuộc đời để nối tiếp nét văn hóa cổ xưa và cũng là “tác phẩm” để lại cho con cháu thế hệ sau.

Đến thăm ngôi nhà giả cổ của gia đình bà Nguyễn Thị Thuần ở thôn Bình Cầu, xã Quảng Lãng (Ân Thi), trước mắt chúng tôi là sự độc đáo trong kiến trúc của ngôi nhà. Ngôi nhà gồm 5 gian với tổng diện tích 100m2 được làm từ bê tông và gỗ. Gian giữa của ngôi nhà có bức đại tự, hai bên là đôi câu đối. Bức đại tự có dòng chữ sơn son thiếp vàng “Đức lưu quang” với ý nghĩa người đi trước gìn giữ, tu dưỡng đạo đức thì thế hệ sau được hưởng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Trang trí trong ngôi nhà chủ yếu là hoa văn tứ quý tùng, cúc, trúc, mai và hoa văn lá lật theo lối trang trí thời Nguyễn với đường nét mềm mại, khéo léo, kết cấu chặt chẽ, hài hòa với thiên nhiên. Vào các dịp lễ, Tết hay mỗi khi gia đình có việc, ngôi nhà trở thành nơi tụ họp của con, cháu.

Những năm gần đây, khi cuộc sống ngày càng phát triển, một số người có điều kiện kinh tế có nhu cầu phục dựng nhà cổ và làm nhà giả cổ. Nắm bắt được thị hiếu khách hàng, anh Đoàn Bá Nguyễn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại sản xuất gỗ, nông sản Ngọc Anh, xã Liên Phương (thành phố Hưng Yên) đã không ngừng học hỏi, nâng cao kiến thức và tay nghề để trở thành người xây dựng nhà gỗ. Anh Nguyễn cho biết: Những năm gần đây nhà giả cổ, nhà gỗ ngày càng được quan tâm, chủ yếu là nhà riêng hoặc nhà thờ của các gia đình, dòng họ có điều kiện kinh tế. Mỗi năm, tôi nhận xây dựng 6 - 7 nhà giả cổ, nhà gỗ truyền thống. Trong đó, nhà cổ Bắc Bộ được khách hàng ưa chuộng hơn cả do phù hợp với văn hóa và sinh hoạt truyền thống của người dân cũng. Chất liệu để dựng các ngôi nhà giả cổ chủ yếu bằng gỗ như: đinh, lim, sến, táu, sưa, đinh hương… hoặc bê tông, giá thành thấp nhất cho một ngôi nhà cũng từ 2 đến 3 tỷ đồng, cao nhất có khi lên đến vài chục tỷ đồng. Giá thành cao lại kén khách, vì thế người thợ phải cẩn thận từ việc chọn nguyên liệu đến cách làm, cách dựng theo quan niệm xưa để ngôi nhà vừa đẹp, chất lượng tốt, lại vừa bảo đảm yếu tố truyền thống.

Không chỉ được lưu giữ ở đình, chùa, những kiến trúc nghệ thuật truyền thống đã đi sâu vào đời sống văn hóa, vật chất và tinh thần của con người hiện đại trong những ngôi nhà giả cổ, góp phần nhắc nhở mọi người gìn giữ nét đẹp cư xử, lối cũ, nếp xưa, phát huy tinh hoa văn hóa dân tộc.

Hương Giang

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/xa-hoi/202302/nhu-cau-lam-nha-gia-co-0b408d6/