Những bí ẩn 'lộ thiên' trên giao lộ di sản

Nằm ở trung tâm quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) những tuyến phố: Ngô Quyền, Lê Thánh Tông, Tràng Tiền… có nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng. Hàng ngày, mọi người vẫn đi qua, hoặc chỉ dừng lại chụp ảnh, không phải ai cũng biết, những công trình ấy đang lưu giữ trong mình nhiều bí ẩn.

Bất ngờ trên các con phố...

Mỗi lần đi qua phố Lê Thánh Tông người ta vẫn thấy hình ảnh ngôi trường cổ kính rêu phong –trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Thế nhưng, ít người rằng, phía trong trường có một bức họa khổng lồ được vẽ theo phong cách bích họa châu Âu. Vẽ theo phong cách phương Tây, nhưng nội dung tác phẩm lại mang đậm chất Việt.

Bức họa đặc biệt trong giảng đường Đại học Quốc gia Hà Nội.

Bức họa đặc biệt trong giảng đường Đại học Quốc gia Hà Nội.

Trung tâm bức họa là cổng tam quan truyền thống quen thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ, nằm dưới một tán cây cổ thụ sum suê. Hai bên cổng là một đôi câu đối về sự học, dịch nghĩa là: “Nhân tài là nguyên khí quốc gia/Đại học là gốc của giáo hóa”.

Khoảng không gian rộng trước cổng tam quan, là nơi họa sĩ mô tả sinh động chân dung của những con người của xã hội Việt Nam cách đây tròn một thế kỷ.

Họ thực hiện các động tác thể hiện các chuyên môn khác nhau mà ngôi trường đào tạo: Bác sĩ thú y điều trị một con bò, các nhà hóa học thực hiện phân tích, bác sĩ thực hiện việc kích thích, tiêm vắc-xin, quan tòa đang tranh biện, kỹ sư hướng dẫn nông dân cách thức hoạt động của máy cày…

Bức họa khổng lồ có kích thước 11x7 m, đặt ở trung tâm giảng đường. Kết hợp với kiến trúc với những cây cột, mái vòm khổng lồ, giảng đường gợi cảm giác như một thánh đường – nhưng đây là thánh đường của tri thức.

Tác giả của bức họa khổng lồ này là họa sĩ Victor Tardieu – Hiệu trưởng đầu tiên của Đại học Mỹ thuật Đông Dương, cái nôi đào tạo ra nhiều nhân tài mỹ thuật cho đất nước. Bức họa có đến 200 nhân vật khác nhau, trong đó có chính… cha con họa sĩ.

Nhiều người vẫn nghĩ công trình là một kiến trúc Pháp. Nhưng thực tế không phải vậy. Các kiến trúc sư sử dụng rất nhiều họa tiết trang trí của phương Đông, của Việt Nam để “phối” vào phong cách kiến trúc phương Tây. Kết quả là họ tạo ra một phong cách kiến trúc mới, không gặp ở đâu trên thế giới, được định danh là kiến trúc Đông Dương.

Trục đường từ Lý Thái Tổ - Lê Thánh Tông có những điểm nhấn về kiến trúc như: Ngân hàng Nhà nước - Bắc Bộ Phủ - Nhà hát Lớn – Đại học Tổng hợp. Trong đó, Nhà hát Lớn là một trong những biểu tượng của Hà Nội. Nhưng điều không phải ai cũng biết nơi đây vốn là một đầm lầy. Phải khi tiếp cận thì người ta mới biết những câu chuyện thú vị. Để xây dựng được tòa nhà khổng lồ này, những người thợ xưa đã phải đóng tới 35 nghìn chiếc cọc tre. Nhiều nguyên vật liệu khi xây dựng phải nhập khẩu từ Pháp sang.

Nhà hát lớn - Một trong những biểu tượng của Hà Nội.

Nhà hát lớn - Một trong những biểu tượng của Hà Nội.

Nếu giảng đường Đại học Đông Dương tạo cảm giác như một thánh đường thì nội thất bên trong Nhà hát Lớn lộng lẫy như một cung điện châu Âu.

Và nằm ngay sau Nhà hát Lớn là Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, xưa kia là Viện Viễn Đông Bác Cổ. Nếu như Đại học Đông Dương khởi đầu cho kiến trúc Đông Dương thì với Viện Viễn Đông Bác Cổ, những yếu tố kiến trúc, mỹ thuật phương Đông được sử dụng đậm nét. Bởi thế, ngay với những người không am tường kiến trúc, người ta cũng có cảm giác thân quen ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

Sáng tạo trên nền di sản kiến trúc

Sẽ rất “lãng phí”, nếu chỉ ngang qua các con phố trên vào dịp tháng 11 này, bởi hàng loạt công trình kiến trúc Pháp mở cửa đón khách trong Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 mang tên “Giao lộ Sáng tạo”.

“Giao lộ Sáng tạo” được hình thành bởi sự kết nối giữa trục Bắc – Nam (phố Lý Thái Tổ – Lê Thánh Tông) và trục Đông – Tây (dốc Bác Cổ – phố Tràng Tiền).

Nếu tính theo trục Bắc Nam, Cung Thiếu nhi Hà Nội sẽ là điểm khởi đầu. Đây cũng là nơi diễn ra nhiều sự kiện văn hóa – sáng tạo dày đặc nhất. Mỗi người, dù những sở thích khác nhau về nghệ thuật đều tìm thấy điều mình yêu thích trong không gian này, khi tại đây vừa có các cuộc triển lãm – workshop – tọa đàm về nghệ thuật thị giác vừa có những buổi trình chiếu – tọa đàm về điện ảnh.

Trong khi đó, “điểm hút” giới trẻ đến Bảo tàng Lịch sử quốc gia là một show diễn về thời trang của các đơn vị nghiên cứu, phục hồi các loại cổ phục và thực hành âm nhạc.

Nhà hát Lớn, ngoài những show âm nhạc, thời trang sẽ có một Lễ diễu hành giới thiệu đến công chúng cộng đồng sáng tạo của thành phố Hà Nội. Lễ diễu hành tôn vinh, quảng bá 7 lĩnh vực sáng tạo bao gồm: thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian, thiết kế, phim ảnh, ẩm thực, văn học, nghệ thuật truyền thống và âm nhạc...

Và điểm cuối của “trục sáng tạo” này là Đại học Quốc gia Hà Nội (Đại học Tổng hợp cũ). Tại đây, Ban Tổ chức sẽ trưng bày cụm các tác phẩm nghệ thuật tương tác độc đáo, gợi mở những cảm thức xưa cũ về kiến trúc và mỹ thuật Đông Dương, trong cảm quan đa dạng của những kiến trúc sư, họa sĩ và nghệ sĩ hiện tại.

Việt Hà

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nhung-bi-an-lo-thien-tren-giao-lo-di-san-10292691.html