Những biến tướng ngày càng tinh vi của lừa đảo đầu tư trực tuyến

Hai năm lại đây, lừa đảo trực tuyến (online) bùng nổ cùng với giao tiếp và giao dịch online qua các trang mạng đầu tư giả mạo kết hợp với các nền tảng truyền thông xã hội. Giờ đây lại xuất hiện một loại hình lừa đảo mới và tinh vi, kết hợp lừa tình và lừa đầu tư.

Hồi tháng 2-2022, Ủy ban Thương mại Mỹ (FTC) cho biết trong năm 2021 họ đã nhận được 2,8 triệu báo cáo về lừa đảo từ người tiêu dùng với tổng thiệt hại được thông báo đạt con số 5,8 tỉ đô la Mỹ(1). So với năm 2020, số vụ việc tăng 70%. Ở Singapore, trong phóng sự điều tra của CNA Insighder, trong năm 2021 số tổn thất vì lừa đảo lên tới hơn 10 triệu đô la Singgapore (tương đương 7,2 triệu đô la Mỹ)(2). Cơ quan truyền thông này cho biết đã xuất hiện một loại hình lừa đảo mới tinh vi kết hợp lừa tình và lừa đầu tư. Những kẻ lừa đảo đưa con mồi vào cạm bẫy tình và sau đó là lừa vào một trang mạng đầu tư lừa đảo. Những loại đầu tư được dùng để dụ bao gồm đủ các cơ hội như trái phiếu, cổ phiếu, ngoại tệ, tiền số, môi giới đầu tư và cả bất động sản.

Lừa đảo đầu tư ở Việt Nam

Ở Việt Nam hiện tượng lừa đảo đầu tư cũng đã xuất hiện và tăng dần. Trước đây bọn lừa đảo thường dụ những người nhiều tuổi ít học, nay với những thủ đoạn tinh vi, chúng săn mồi với cả những người trẻ và có học vấn cao và ham thích đầu tư.

Mới đây, tháng 6-2022, trang Vietnam Insighder cho biết Việt Nam đứng thứ 6 trong 10 nước có thiệt hại nhiều do lừa đảo mạng, với 197 triệu euro(3).

Giới tội phạm ở Việt Nam đã sử dụng đủ các dạng lừa đảo đầu tư được ghi nhận trên thế giới, như kêu gọi góp vốn ngắn hạn trả lãi cao, đầu tư vào các công ty theo kiểu đa cấp, đầu tư tiền số, lừa bán cổ phiếu, trái phiếu, môi giới chứng khoán, nhất là trên các sàn giao dịch nước ngoài, ngoại hối, hoặc bất động sản, và giả mạo chuyên gia tư vấn chiếm đoạt vốn đầu tư cho những vụ đầu tư ảo, hoặc lừa gạt chiếm “phí” môi giới cho những vụ đầu tư cả thật cả giả có lãi suất cao.

Lừa tình để lừa đầu tư

Lừa tình để lừa đầu tư (Investment love-scams) là một thủ đoạn tinh vi kết hợp lừa tình để tiếp đó lừa con mồi đầu tư vào những phương tiện đầu tư lừa đảo “truyền thống”. Thủ đoạn này được giới tội phạm dùng cụm từ “nuôi béo để làm thịt” như hãng tin CNA đã phát hiện qua điều tra. Lừa tình để đầu tư là một dạng kịch bản mới được các kẻ tội phạm dùng thay cho cách chiếm đoạt tiền trước đây là hỏi xin hoặc vay tiền nạn nhân.

Một người nạn nhân của tệ buôn bán người tham gia băng lừa đảo ở Campuchia, sau khi được giải cứu đã kể là họ được đào tạo theo một quy trình để lợi dụng những nạn nhân thiếu thốn tình cảm, nuôi dưỡng quan hệ nhiều khi hàng tuần, thậm chí hàng tháng để rủ rê nạn nhân đầu tư qua một trang mạng để rồi khi “nuôi béo” tới số tiền đầu tư đủ lớn, thì “làm thịt”.

Grace Yuen, người phát ngôn của Tổ chức Chống lừa đảo mạng toàn cầu (Global Anti-Scam Organisation) trả lời CNA cho biết quy trình “câu nạn nhân” (victim baiting) gồm:

Bước đầu, tạo tài khoản trên mạng xã hội rồi lập một hồ sơ của một người lịch thiệp có sự nghiệp thành công, thường là doanh nhân.

Bước hai là tiếp cận “con mồi”. Trong quá trình xây dựng quan hệ, những kẻ lừa đảo thường chia sẻ hình ảnh cuộc sống sang trọng qua cảnh sinh hoạt, dự tiệc, du lịch hay đi công tác.

Ở bước ba, sau một thời gian tỏ ra quan tâm, chăm sóc, thậm chí hứa hẹn hôn nhân, thợ săn giới thiệu trang mạng đầu tư và nói đó là nơi hắn kiếm tiền và là nguồn thu nhập béo bở và mời chào con mồi mở tài khoản và cùng đầu tư. Việc này có thể lặp đi lặp lại cho tới khi số tiền đủ lớn, nhóm tội phạm sẽ buông bẫy sập và xóa mọi dấu tích trên mạng.

Bọn tội phạm có thể thực hiện bước bốn, “hốt cú chốt”. Khi nạn nhân không thể rút gốc đầu tư và lãi được hứa hẹn, trang mạng đầu tư có thể thông báo là số tiền đầu tư có liên quan tới hoạt động tội phạm rửa tiền hay lừa đảo, nhưng do đây là lần đầu và số tiền ít nên có thể được trả lại nếu nộp một khoản phí. Khi khoản tiền phí được nộp thì cả băng tội phạm sẽ biến mất cùng cú hốt lần cuối.

Để phòng ngừa nguy cơ bị lừa đảo qua lợi dụng tình cảm

Ở các nước phát triển, hệ thống tổ chức chống lừa đảo cả của chính phủ và các tổ chức phi chính phủ khá phát triển, qua đó giúp phòng ngừa, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân. Ngoài ra, giới tài chính ngân hàng cũng có những biện pháp phòng ngừa nguy cơ lừa đảo về đầu tư. Các khuyến nghị của họ đã được nêu nhiều trên các tài liệu, vì vậy, ở đây chỉ đề cập những điểm còn chưa hoặc ít được thảo luận.

Một điều chung nhất là khi tham gia mạng xã hội hoặc giao dịch trên Internet, mỗi người nên giả định mình là một cá nhân ít kinh nghiệm trước hệ thống phức tạp này để luôn cẩn trọng mỗi khi tương tác. Một biện pháp quen thuộc là cảnh giác và nói KHÔNG với những tin nhắn, thư điện tử, cuộc gọi là những điểm xuất phát lạ, không quen biết.

Với thủ đoạn kiểm soát cảm xúc hay “lừa tình”

Trường hợp bản thân mình muốn đi tìm những quan hệ xã hội, việc người khác giới liên hệ với mình là được mong đợi. Trong quá trình này, việc kiểm tra danh tính của đối tác là cần thiết. Những kẻ lừa đảo thường dùng danh tính giả mạo. Để phòng ngừa, việc dùng các phần mềm tìm hình ảnh ngược (reverse image search), ví dụ Google lens (Mỹ), Baidu (Trung Quốc) hay Yandex (Nga) là nên làm. Không ít trường hợp đã được ghi nhận là những kẻ lừa đảo thường dùng hình ảnh của người mẫu quảng cáo, các PG (promotion girls) hay các diễn viên ở các nước.

Điểm thứ hai cũng nên chú ý về tính danh là những kẻ lừa đảo thường dùng các nick mới sau mỗi vụ làm ăn. Nếu có phương tiện kiểm tra được ngày lập tài khoản thì nên dùng. Nếu hai bên qua được các bước tìm hiểu, việc nói chuyện với người thật, ví dụ qua video call, là rất hữu ích để biết về đối phương. Qua giọng nói và biểu cảm, cũng như khung cảnh cuộc nói chuyện, người ta có thể dễ thấy sự thành thật hay giả mạo của đối tác. Gọi video call là điều mà thường những người lừa đảo đều muốn tìm cách tránh – đây chính là một dấu hiệu nhận biết tốt.

Điểm nữa, là với những mối quan hệ qua mạng xã hội, kinh nghiệm là những kẻ lừa đảo muốn “đánh nhanh thắng nhanh” và thường kết thúc một phi vụ trong một tháng. Vì vậy, không nên tin vào những lời nói về “tình yêu sét đánh”, mà nên dành quãng thời gian để xây dựng quan hệ và tìm hiểu nhau ít nhất là ba tháng. Những kẻ săn mồi khi đó sẽ chán nản bỏ con mồi vì không có thu nhập do không đạt chỉ tiêu đem tiền về cho chủ.

Với nguy cơ lừa đảo về đầu tư

Trước hết với nhóm nguy cơ này là cần từ chối những đề nghị đầu tư vào các hoạt động được giới thiệu rõ ràng là phi pháp liên quan rửa tiền, buôn bán hàng cấm. Khi được mời đầu tư với lãi suất hậu hĩnh, dù ở dạng lãi đầu tư bất động sản, giao dịch ở thị trường vốn, phí thanh toán hộ, hay tiền thắng cá cược, nên cảnh giác và nên đối chiếu với mức lợi nhuận phổ biến của các nhà đầu tư mạo hiểm, với nhiều ngành hàng thường chỉ ở trong dải phổ 30-50% một năm.

Ở vai trò nhà đầu tư, lời mời hay đề nghị mua chứng khoán của các công ty nước ngoài, các sàn đầu tư nước ngoài, mà không được công nhận, không có thông tin kiểm định là những dấu hiệu cảnh báo đáng chú ý về khả năng bị lừa đảo. Các trang mạng hay sàn đầu tư lừa đảo quốc tế có thể kiểm tra ở https://www.scamadviser.com/. Đây là trang mạng của hãng Ecommerce Operations B.V., có trụ sở ở Hà Lan, do một nạn nhân của lừa đảo online lập. Phiên bản tiếng Việt của nó do một nhóm người Việt vận hành là https://www.scamvn.com. Hiện giờ khi kiểm tra các trang mạng lừa đảo đang hoạt động ở Campuchia, công cụ này có khi không cho kết quả.

Với người môi giới, nếu không rõ ràng về nhân thân, không đưa ra những bằng chứng về hoạt động công khai minh bạch như chứng chỉ hay kinh nghiệm hoạt động cũng là những điều để cân nhắc. Những nhân vật môi giới mà dấu tính danh, dùng tính danh giả mạo, là những biểu hiện đáng chú ý để nghi ngờ về sự thành thực của họ. Tương tự là khi họ không minh bạch về các cơ hội đầu tư, thông tin về các doanh nghiệp gọi vốn hay các dự án bất động sản.

Một đặc điểm của lừa đảo đầu tư là sức ép về thời gian chuyển tiền. Bằng mọi lý do, những kẻ lừa đảo thường hối thúc các nạn nhân chuyển tiền số lượng lớn, trong những khoảng thời gian ngắn. Cũng nên chú ý thủ đoạn dụ dẫn để con mồi sập bẫy, là tạo cơ hội để con mồi thành công trong một hay hai khoản đầu tư nhỏ, để phút chót khi khoản đầu tư lớn sẽ “Kill- giết” nạn nhân theo mô hình “nuôi béo để thịt”. Trên con đường đặt bẫy, cũng nên chú ý những kẻ lừa đảo có thể dùng kế “anh hùng cứu mỹ nhân”, ví dụ có thể chuyển tặng một khoản tiền để phục hồi tài khoản bị khóa, nhằm tạo niềm tin cho những khoản đầu tư lớn để chúng hốt cú chót.

Theo Ecommerce Operations B.V., có thể giảm thiệt hại nếu bị lừa đảo khi chuyển tiền đầu tư nếu dùng các tài khoản bằng dịch vụ của PayPal. Các dạng chuyển tiền qua ngân hàng là rất khó khiếu nại, và khi chuyển tiền bằng tiền số thì khả năng thu hồi là vô vọng.

Các chuyên gia chống tội phạm có lời khuyên với mọi người khi tham gia các hoạt động có khả năng bị lừa đảo các dạng là: “Hãy lưu trữ, bằng hình ảnh hoặc âm thanh, nhiều nhất có thể các cuộc giao tiếp, nhất là các thảo luận có liên quan tới giao dịch tiền nong”. Đây là những bằng chứng để có thể giúp cho quá trình tố cáo tội phạm, hoặc căn cứ để các tổ chức cơ quan giao dịch tiền hàng xem xét hoàn tiền đầu tư hay mua sắm online. Một số trang mạng không cho phép chụp màn hình hay ghi âm ghi hình, khi đó có thể chụp hình hoặc ghi hình bằng một thiết bị thứ hai, cần chuẩn bị sẵn cho những cuộc trao đổi quan trọng.

MỘT CÂU CHUYỆN ĐIỂN HÌNH
Dũng(*), một thanh niên 30 tuổi có máu “nghệ sĩ”, là lập trình viên iOS của một công ty nước ngoài có trụ sở ở một thành phố lớn. Anh mới bị bạn gái chia tay sau những cuộc tranh cãi bất tận. Cuối tháng 3, anh được một cô gái, Alyssa, có hình ảnh xinh như diễn viên Hàn Quốc, tự nhận là người Đài Loan bắt quen và tâm sự qua ứng dụng nhắn tin Line của Trung Quốc. Theo lời kể, cô là con một trong một gia đình doanh nghiệp bất động sản và chia tay người yêu đã hai năm, hiện “sống khép kín” vì tổn thương do bạn trai cũ gây ra. Rất nhanh chóng, hai người đồng cảnh như quấn lấy nhau, nói chuyện với nhau từng đêm đủ thứ chuyện. Và chỉ sau một tuần, Alyssa nói với Dũng sẽ sang Việt Nam để hẹn hò, tiến đến xây dựng cuộc sống chung.
Một lần, Alyssa giới thiệu Dũng với bà cô là Doreen, là một nhà đầu tư chuyên nghiệp, rất giỏi, hiện đang sống và làm việc ở Singapore. Sau vài buổi nói đủ chuyện về Alyssa và quan hệ của hai đôi trẻ, bà cô nói, “Alyssa nhờ cô giúp cháu kiếm tiền. Chắc cháu cũng muốn Alyssa có một cuộc sống đầy đủ, có ô tô và nhà. Thấy hai đứa sắp hẹn hò và có quan hệ nghiêm túc, cô sẽ tặng cho cháu một món quà bằng cách cho phép cháu tham gia cùng nhóm đầu tư”.
Theo bà cô, có thể chắc chắn rằng khi bỏ vào đầu tư 3.000 đô la thì có thể được rút ra 10.000 đô la như chơi bài ở casino, với mức phí môi giới khi rút ra là 20% lợi nhuận, theo phương thức bà bảo đảm là hợp pháp. Bà giới thiệu trong 24 vụ đầu tư có 15 vụ có lãi suất 500%, chỉ có 9 vụ lãi suất 300%. Tất cả là nhờ nhóm có siêu chuyên gia đầu tư báo giỏi, có bộ số liệu lớn và quyền sử dụng siêu máy tính để dự báo nhanh.
Bà cô Doreen cho Dũng hạn mức đầu tư dành cho thành viên mới là 20.000-40.000 đô la và hẹn phải nộp vào tài khoản của trang mạng lúc 24:00 giờ Singapore, với điều kiện ngoài phí 20% cho nhóm thì phải trả thêm 10% cho bà cô. Lúc đó, Dũng chỉ có 2.000 đô la trong tài khoản, suốt ngày hôm đó, vì tình, anh chạy vạy vay mượn người thân và bạn bè mà chỉ có 5.000 đô la. Anh năn nỉ để bà cô chấp nhận, và mãi cũng được đồng ý.
Tuy có một thoáng hoài nghi vì dùng kỹ thuật kiểm tra, Dũng thấy tài khoản Line của bà cô Doreen ở Line mới mở chưa được ba ngày, còn tài khoản của Alyssa mới mở được hai tuần. Điều vướng mắc nhỏ này sớm tan biến vì cơ hội đầu tư quá hấp dẫn so với các trò đầu tư tiền số mà các đồng nghiệp ở công ty vẫn “chơi”.
Ngay tối hôm đó, sau khi mở tài khoản ở sàn giao dịch được giới thiệu, Dũng gửi 5.000 đô la từ tài khoản PayPal. Chỉ chưa đầy 15 phút số dư của anh được thông báo là đã tăng 20.000 đô la. Bà cô đã khuyến khích anh gửi thêm tiền. Suốt hôm đó, hưng phấn với kết quả đầu tư, Dũng chạy vạy vay mượn để đủ số hạn mức tối đa. Đúng giờ hẹn, anh gửi tiền vào tài khoản và được thông báo số dư của anh là 130.000 đô la.
Vì mượn nóng, Dũng đã làm các thao tác rút tiền với sàn giao dịch để trả lại bạn bè, nhưng thử vài lần đều không thành công.
Dũng đã liên tục liên hệ để trao đổi với Alyssa và bà cô Doreen, nhưng đều thất bại. Anh bỏ cuộc và đau khổ tự dằn vặt mình và mất ăn mất ngủ hàng tháng trời tự trách mình là dân I.T. hơn một chục năm mà để “một đứa con gái” lừa cả tình lẫn tiền trên mạng.
(*) Tên nhân vật, chức danh, nghề nghiệp của các nhân vật đã được đổi để bảo về tính danh. Mọi sự trùng lặp đều là ngẫu nhiên.
Con số liên quan tới đầu tư đã được làm tròn.

————-

(1) https://www.ftc.gov/news-events/news/press-releases/2022/02/new-data-shows-ftc-received-28-million-fraud-reports-consumers-2021-0
(2) https://www.youtube.com/watch?v=ZacChEz3Am8&t=9s
(3) https://vietnaminsider.vn/vietnam-listed-among-top-ten-countries-for-highest-percentage-of-gdp-lost-to-scams/

Đặng Ngọc Quang

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nhung-bien-tuong-ngay-cang-tinh-vi-cua-lua-dao-dau-tu-truc-tuyen/