Những cảm hứng từ Đoàn tàu không số

50 năm trôi qua (1961- 2011), Đoàn tàu không số gắn liền với con đường Hồ Chí Minh trên biển đã trở thành huyền thoại của những huyền thoại. Những con người lịch sử ngày đó người còn, người mất, những câu chuyện về Đoàn tàu không số vẫn như khúc tráng ca bất tử minh chứng cho một thời 'quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh'. Đoàn tàu không số ấy cũng đã trở thành nguồn cảm hứng cho bao thế hệ nhà văn, nhà thơ và những nhà làm phim, sáng tạo nên những tác phẩm làm lay động con tim biết bao người, dù đã từng, hay chưa một lần sống qua thời máu lửa.

Vũng Rô nơi tiếp nhận những chuyến tàu không số. Ảnh: T.L

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta, để trực tiếp chi viện vũ khí, trang bị và nhân lực cho cách mạng miền Nam, cùng với con đường vận tải dọc Trường Sơn, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở con đường vận chuyển chiến lược trên biển Đông.

Con đường ấy vẫn được gọi với cái tên giản dị mà thiêng liêng: Đường Hồ Chí Minh trên biển. Vận chuyển vũ khí vào chiến trường bằng đường biển trong những năm chiến tranh khốc liệt là công việc hết sức khó khăn, vô cùng gian truân và nhiều hy sinh. Song với tinh thần quả cảm, táo bạo, mưu trí và sáng tạo, cán bộ, chiến sĩ Đoàn “tàu không số” đã lập nên nhiều chiến công đặc biệt xuất sắc.

Cuối năm 1961 đến năm 1975, đã có hàng trăm “tàu không số” của Đoàn 759 (tức Đoàn 125 sau này) vượt biển, đưa được nhiều cán bộ, chiến sĩ, chở hàng chục ngàn tấn vũ khí cung cấp kịp thời và có hiệu quả cho quân dân ta ở Nam bộ, khu 6, khu 5 và nhiều địa phương khác, những nơi mà vận chuyển bằng đường bộ khó lòng vươn tới, góp phần to lớn vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc.

Khi viết về Đoàn tàu không số, một tác giả từng xúc động: “Đi trên những con tàu không số đó là những cảm tử quân, vượt Biển Đông vào Nam là đi vào nơi tử địa, nhiều chuyến tàu, trước khi ra khơi, đơn vị phải làm lễ truy điệu sống các thủy thủ đề phòng tình huống xấu xảy ra.

Có những chuyến tàu gặp những trắc trở, không còn một giọt nước ngọt, các thủy thủ phải uống chính nước tiểu của mình và đồng đội để duy trì sự sống. Vượt qua bao vòng vây dày đặc tàu chiến và máy bay của địch, những con tàu với trọng tải nhỏ, trang thiết bị thô sơ ấy có thể vượt qua hàng ngàn hải lý chi viện cho miền Nam trong suốt 14 năm trời là chuyện chưa từng có trong lịch sử hàng hải thế giới. Họ chính là những người anh hùng đích thực”.

Qua những cuộc trường chinh đầy mồ hôi và xương máu, qua mấy mươi năm khắc nghiệt, con đường vận chuyển vũ khí trên Biển Đông trong những năm chiến tranh đã trở nên thân thiết, gắn bó, là nguồn cảm hứng dạt dào cho các nhà văn, nhà báo, các nhà làm phim tái hiện lại.

Nhà văn Đình Kính, người chấp bút ký sự: “Huyền thoại tàu không số” tâm sự: Để chuẩn bị kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Đoàn 759 - tức Đoàn 125 sau này (1961 - 2011), Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển đã nhờ tôi viết một cuốn sách về các sự kiện thật, những người thật nơi con đường vận chuyển đó, theo phương cách thông qua lời kể của các nhân chứng. Tôi hồ hởi nhận lời.

Nhưng hứa rồi, vừa mừng vừa lo. Mừng vì thêm cơ may hiểu sâu hơn về con đường và những người một thời vào sinh ra tử, làm nên huyền thoại có một không hai trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Nhưng lo, bởi chiến tranh qua đã gần 50 năm, đồng đội của chúng ta ai còn, ai mất? Nếu còn, các anh sống ở đâu? Và đã mất, các anh yên nghỉ chốn nào? Năm mươi năm là quãng thời gian chẳng phải ngắn, đủ để thiên nhiên và con người ít ý thức mài mòn, biến dạng những gì nguyên sơ. Đi tìm lại dấu tích về con đường vận tải chiến lược huyền thoại trên biển là công việc chẳng mấy dễ dàng...

Và cuối cùng, nhà văn Đình Kính đã làm được điều “chẳng mấy dễ dàng” ấy. Nhận xét về cuốn sách “Huyền thoại tàu không số”, đồng chí Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư BCH Đảng Cộng sản Việt Nam viết trong lời giới thiệu: Cuốn sách “Huyền thoại tàu không số” ghi lại một cách chân thực những kỷ niệm, những câu chuyện của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đã từng tham gia làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí trên biển trong những năm chiến tranh.

Đây là việc làm cần thiết và hữu ích, không chỉ để người trong cuộc ôn lại kỷ niệm hào hùng của quá khứ, mà còn có tác dụng giáo dục con cháu về truyền thống đánh giặc của cha ông. Tập ký sự “Huyền thoại tàu không số” của nhà văn Đình Kính sẽ được Nhà xuất bản Thời đại tái bản lần 1 và dự kiến ra mắt quý độc giả cả nước trong tháng 10.

Bên cạnh tập ký “Huyền thoại tàu không số”, một tác phẩm điện ảnh về những chiến công của “tàu không số” cũng được giới thiệu. 10 tập bộ phim tài liệu “Huyền thoại tàu không số” là những hồi ức vinh quang của những hành trình bất chấp hiểm nguy, những câu chuyện cảm động được kể lại về cuộc chiến, về cuộc đời.

Hai tác phẩm văn học và điện ảnh “Huyền thoại tàu không số” sẽ góp phần làm sáng huyền thoại về Đường Hồ Chí Minh trên biển. Những câu chuyện về Đoàn tàu không số sẽ mãi sáng ngời trong trang sử oanh liệt của dân tộc như một thiên anh hùng ca bất tử.

Trần Thị Hưng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nhung-cam-hung-tu-doan-tau-khong-so/