Những 'cánh tay nối dài' của hoạt động khuyến nông tại cơ sở

Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển vượt bậc cả về năng suất và chất lượng. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi được chuyển dịch theo hướng tích cực, từng bước hình thành các vùng sản xuất có quy mô lớn, cho hiệu quả kinh tế cao. Để đạt được những kết quả đó, bên cạnh sự nỗ lực của người dân và hỗ trợ của nhà nước, những đóng góp của đội ngũ cán bộ khuyến nông viên cơ sở (KNVCS) đóng vai trò rất quan trọng.

 Cán bộ khuyến nông luôn bám sát đồng ruộng để hỗ trợ người dân trong sản xuất -Ảnh: T.L

Cán bộ khuyến nông luôn bám sát đồng ruộng để hỗ trợ người dân trong sản xuất -Ảnh: T.L

Nhiệm vụ chủ yếu của anh Lê Anh Hùng, cán bộ KNVCS xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong là bám đồng ruộng để hướng dẫn, giúp nông dân thực hiện sản xuất đảm bảo theo kế hoạch mùa vụ, nắm tình hình sâu bệnh trên các loại cây trồng. Để giúp người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất hiệu quả, anh Hùng thường xuyên gần gũi, lắng nghe ý kiến từ người dân để có cách truyền đạt phù hợp, dễ hiểu nhất. Bên cạnh đó, với vai trò của một KNVCS, anh còn chủ động phối hợp với các đoàn thể, tham mưu UBND xã xây dựng chương trình, kế hoạch công tác phù hợp với từng thời vụ, từng năm. Nhờ hiệu quả của công tác khuyến nông nên nông dân trên địa bàn ngày càng được nâng cao trình độ sản xuất để tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích. “Niềm vui lớn nhất của chúng tôi là được chứng kiến những vụ mùa bội thu ngay trên cánh đồng quê nhà, KHKT ngày càng được người dân áp dụng rộng rãi, năng suất, chất lượng cây trồng tăng lên hằng năm”, anh Hùng cho biết.

Sau khi sáp nhập, toàn xã Triệu Thành có 365,65 ha diện tích sản xuất lúa, trong đó lúa chất lượng cao chiếm 90% diện tích. Với sự tích cực của đội ngũ cán bộ khuyến nông trên địa bàn trong việc tuyên truyên, hướng dẫn người dân tổ chức sản xuất đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Cùng trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Thọ Hữu khẳng định: “Với những kết quả đạt được đã cho thấy đội ngũ KNVCS trên địa bàn đóng một vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển nông nghiệp của địa phương. Họ chính là cầu nối chuyển giao các tiến bộ KHKT từ nhà nghiên cứu đến tận người nông dân. Đồng thời, đây cũng là lực lượng nắm bắt tình hình sản xuất tại cơ sở, phản ánh kịp thời đến các cơ quan chuyên môn để có các biện pháp chỉ đạo chính xác, tham gia phòng, chống, dập dịch bệnh xảy ra trên cây trồng kịp thời nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại gây ra”.

Thực hiện Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND ngày 23/5/2017 của HĐND tỉnh về việc kiện toàn mạng lưới khuyến nông và thú y cơ sở tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017-2020, tổng số khuyến nông viên toàn tỉnh được tuyển dụng là 133/135 người, cộng tác viên khuyến nông là 390/393 người theo quy định. Mức phụ cấp hằng tháng tính theo hệ số so với mức tiền lương cơ sở hiện hành và tính theo bằng cấp chuyên môn được đào tạo.

Xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng là địa phương bán sơn địa, việc phát triển kinh tế đa cây, đa con đã giúp địa phương này tận dụng lợi thế địa hình trong sản xuất. Trong quá trình phát triển nông nghiệp của địa phương, đội ngũ KNVCS giữ vai trò rất quan trọng. Phó Chủ tịch UBND xã Hải Lâm Hoàng Hoa Thám cho hay: “Toàn xã hiện có 1 cán bộ khuyến nông cấp xã và 2 cộng tác viên (CTV) khuyến nông cơ sở. Cán bộ khuyến nông là một bộ phận quan trọng tham mưu chính cho UBND xã trong xây dựng kế hoạch phát triển cây trồng, con nuôi phù hợp cũng như các chính sách khuyến khích đối với cây trồng, vật nuôi tại địa phương. Đồng thời, lực lượng này còn tham gia trực tiếp cùng với các HTX để nắm bắt tình hình diễn biến của sâu bệnh trên cây trồng, vật nuôi, báo cáo chính quyền địa phương chỉ đạo giải quyết kịp thời. Với những đóng góp quan trọng đó nên thời gian qua, địa phương đã trích nguồn kinh phí để hỗ trợ, động viện đội ngũ cán bộ khuyến nông tiếp tục thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình”.

KNVCS bao gồm KNV ở xã, phường, thị trấn và CTV khuyến nông ở thôn, bản, khu phố, có vai trò giúp UBND cấp xã triển khai các hoạt động khuyến nông trên địa bàn. Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Nghị quyết số 19-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”, đến nay, các địa phương trong tỉnh đã sắp xếp lại, sáp nhập một số xã, thị trấn, vì vậy số lượng KNV trên địa bàn tỉnh giảm, KNV hiện đang hoạt động là 119/135 người. CTV khuyến nông được bố trí theo diện tích đất sản xuất nông nghiệp có 388/393 người. Tổng ngân sách nhà nước đã chi trả phụ cấp cho hệ thống khuyến nông và thú y cơ sở từ năm 2018 - 2020 ước khoảng 30,7 tỉ đồng.

Thời gian qua, đa số đội ngũ cán bộ khuyến nông đều hoạt động có hiệu quả, việc xây dựng mô hình trình diễn, tập huấn, chỉ đạo sản xuất đều có sự phối hợp tổ chức thực hiện tốt mang lại hiệu quả kinh tế cao, sự chỉ đạo giám sát các mô hình chặt chẽ, có chiều sâu và được người dân tin tưởng, hưởng ứng rộng rãi. Hầu hết các KNVCS được tham gia các khóa đào tạo về nâng cao năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ. Thực tế cho thấy, ở các địa phương có mô hình khuyến nông triển khai thì lực lượng KNV, nhân viên thú y và CTV làm việc rất nhiệt tình, có hiệu quả. Cùng với đó, mạng lưới KNVCS đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành chức năng kiểm tra hoạt động của các cơ sở, tổ chức, cá nhân kinh doanh, dịch vụ giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; quản lý chất lượng giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và vệ sinh an toàn thực phẩm theo hướng dẫn của cơ quan nhà nước trên địa bàn xã. Tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển sản xuất nông nghiệp, vận động nông dân trên địa bàn xã áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất. Tham mưu UBND xã xây dựng được nhiều chương trình, kế hoạch hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất. Đề xuất tổ chức các lớp tập huấn, xây dựng các mô hình nhằm chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới phù hợp với tình hình của từng địa phương, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập cho nông dân. KNVCS cũng là lực lượng tham gia tích cực trong việc chỉ đạo thực hiện các hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn như thăm đồng đánh giá năng suất, sản lượng, tiêm phòng, dập dịch, diệt chuột, điều tra, thống kê, cấp phát giống…Triển khai thực hiện các mô hình trình diễn, theo dõi và hỗ trợ tư vấn kỹ thuật, đảm bảo các mô hình thành công để nhân rộng trên địa bàn.

Sau khi đi vào hoạt động có nền nếp và khoa học, lực lượng KNVCS trên địa bàn tỉnh thực sự trở thành "cánh tay đắc lực" của chính quyền địa phương và là “cánh tay nối dài” của hoạt động khuyến nông nói riêng, ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh nói chung.

Thanh Lê

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=156546&title=nhung-%E2%80%9Ccanh-tay-noi-dai%E2%80%9D-cua-hoat-dong-khuyen-nong-tai-co-so