Những cây cầu lưu vực sông Cu Đê
Nói đến Đà Nẵng mọi người thường nghĩ ngay tới sông Hàn với những chiếc cầu hoành tráng liên tục mọc lên nối trung tâm thành phố với bán đảo Sơn Trà.
Ít ai nhớ hay biết rằng nơi đây còn có các con sông khác như Cu Đê, Cầu Đỏ, Vĩnh Điện, Chu Bái, Túy Loan, Phú Lộc, Cổ Cò, Yên… Đó là những nguồn nước ngọt góp phần tạo nên hệ thống thủy văn đa dạng, bệ phóng phát triển kinh tế bền vững, lưu giữ không gian văn hóa truyền thống cho thành phố lớn nhất miền Trung. Trong ấy Cu Đê là lưu vực sông quan trọng thứ hai sau sông Hàn.
Chỉ gần 20 phút đi xe máy lên phía Tây Bắc, tách khỏi không gian tráng lệ náo nhiệt của trung tâm thành phố Đà Nẵng, chúng tôi đã bắt đầu được sống trong một không gian khác với khung cảnh quen thuộc của làng quê yên tĩnh xen lẫn đồi núi chập chùng dọc hai bên con sông Cu Đê hiền hòa. Hai nhánh sông Bắc và sông Nam gặp nhau ở Cầu Sập để hình thành dòng chính Cu Đê cũng đồng thời tạo nên ngã ba sông với vũng Bọt như một Hạ Long thu nhỏ thật kỳ thú.
Một vùng châu thổ khi hẹp khi rộng xanh ngan ngát trải dọc hai bên bờ sông. Màu xanh cây cối, màu ngói làng mạc soi mình xuống dòng sông nước xanh ngắt. Khi chúng tôi chạy xe dọc bờ sông thì thi thoảng có những chiếc thuyền chở du khách ngược xuôi dưới lòng sông. Bạn sinh viên Ngô Sanh Tuyết Nhi người Đà Nẵng cho biết, nếu đi thuyền rẽ vào sông Bắc khoảng 20km lên thượng lưu sẽ đi qua các cánh rừng nguyên sinh phong cảnh hữu tình với những địa danh nghe rất lạ tai như Hố Giếng, Lỗ Cối, Khe Mun, Khe Giao, Thác Xếp, Thác Rễ, Đá Bò, Côn Đờ Bay, Trạng Trao Trạng Trợt…
Giống như những vùng sâu vùng xa trên cả nước, mỗi chiếc cầu ở vùng cao huyện Hòa Vang được khánh thành đã mở ra cơ hội thuận lợi cho địa bàn dân cư về mọi mặt. Đó thực sự là những chiếc cầu văn hóa mở ra ánh sáng tương lai. Chẳng hạn như thôn Trường Định có địa thế một bên núi, một bên sông vốn như ốc đảo cách ly bên ngoài, đường sá lầy lội đi lại khó khăn, mùa lũ học sinh cấp 2, 3 thường xuyên nghỉ học vì không ai dám đưa đò dọc đò ngang lúc dòng nước sông Cu Đê dâng cao.
Từ năm 2010, nhờ khánh thành cây cầu vững chắc cùng với việc bê tông hóa đường nông thôn, cộng với dòng điện vượt sông trước đó, đã giúp Trường Định kết nối với các vùng lân cận và cả trung tâm thành phố Đà Nẵng, nhà nhà được thắp sáng, sản xuất phát triển, ngoài trồng trọt người dân còn chuyển sang chăn nuôi, đặc biệt là thêm nghề nuôi tôm nước lợ, giúp đời sống bà con nâng cao, bộ mặt làng quê cũng tươi mới hẳn lên.
Rời cầu Trường Định, “thổ công” Nguyễn Quang Khánh dẫn chúng tôi chạy theo con đường bê tông ngoằn ngoèo giữa ruộng mía ngút ngàn lên cầu treo dây văng Phò Nam cho kịp ngắm hoàng hôn. Trên cầu, một số người dân lần lượt chở vợ con đến hóng mát và ngắm hoàng hôn tuyệt đẹp ở phía Tây cho tới khi ráng vàng mặt trời mờ dần sau những đỉnh núi. Anh Trần Lý ở thôn Phò Nam chở hai đứa con nhỏ một gái một trai đến ngắm hoàng hôn về trễ nhất. Trò chuyện với chúng tôi, anh cho biết nhờ có cây cầu này mà hơn 10 năm nay người dân hai thôn Nam Yên và Phò Nam mới dễ dàng giao thương với bên ngoài, làm ăn khấm khá, trẻ em không còn sớm bỏ học…
Tương tự thôn Trường Định của xã Hòa Liên, hai thôn Nam Yên và Phò Nam của xã Hòa Bắc vốn bị con sông Cu Đê chia cắt khỏi huyết mạch giao thông ĐT 610 nối liền các xã miền núi huyện Hòa Vang với trung tâm thành phố Đà Nẵng. Mùa nắng thì sang sông bằng đò ngang đò dọc nhưng đến mùa mưa nước lũ dâng cao ngập cả thôn xóm, con sông như rộng thêm cả trăm mét, nước chảy cuồn cuộn, không ai dám đưa đò. Tuy nhiên kể từ năm 2010 đến nay, các công trình giao thông công cộng lần lượt mọc lên cùng với chương trình xây dựng nông thôn mới, những rẻo đất hai bên dòng sông Cu Đê thoát khỏi cảnh cách núi ngăn sông, nhanh chóng đổi đời, từng bước hòa nhập với các thôn xã khác của huyện Hòa Vang. Nhiều du khách cũng tìm đến đây để tham quan khu nhà rường truyền thống tại thôn Phò Nam hoặc khu du lịch sinh thái Hòa Bắc, tiếp đó là khu du lịch Khe Trí ở thôn Nam Mỹ, nhà Gươl truyền thống của đồng bào Cơ Tu ở thôn Tà Lang.
Dù vậy, theo anh Trần Lý, cơ sở hạ tầng giáo dục cho con em vẫn là vấn đề mà người dân ở đây còn trăn trở. Vì là địa phương miền núi, giáo viên miền xuôi ít chịu lên giảng dạy, số lượng học sinh lại còn ít, nên xã Hòa Bắc mới chỉ có trường mầm non và trung học cơ sở, còn học sinh muốn học tiếp trung học phổ thông tức cấp 3 thì phải hàng ngày đạp xe hoặc mướn nhà ở trọ cách gia đình gần 20 cây số ở dưới trường huyện…
Hai mươi năm qua với chiến lược khai thác quỹ đất đổi lấy cơ sở hạ tầng, thành phố Đà Nẵng đã phát triển hết sức mạnh mẽ, trở thành đô thị hiện đại lớn nhất miền Trung. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa cũng làm thu hẹp hoặc mất đi nhiều giá trị văn hóa vốn có bên bờ sông Hàn, mà câu chuyện bảo vệ môi trường ở bán đảo Sơn Trà trước những dự án du lịch được dư luận cả nước quan tâm là một sự cảnh tỉnh.
Nguồn SGGP: http://www.sggp.org.vn/nhung-cay-cau-luu-vuc-song-cu-de-449592.html