Những cây cầu mở hướng phát triển

Hơn 10 năm trước, người dân ở thành phố Đông Hà từ bờ Nam sông Hiếu muốn qua các phường Đông Giang, Đông Thanh chỉ có một con đường duy nhất là qua cầu Đông Hà. Với những người thích một chút phiêu lưu sẽ chọn cách đi trên cây cầu treo bé nhỏ đung đưa bắc qua sông Hiếu nối Quốc lộ 9 ở km 6 với những làng quê trù mật của xã Cam Hiếu (huyện Cam Lộ), sau đó xuôi về phía Đông chừng 3 km... Bây giờ đã khác, nhiều cây cầu được đầu tư xây dựng không chỉ tạo thuận lợi cho việc đi lại mà còn mở hướng phát triển cho đô thị trung tâm tỉnh lỵ.

 Cầu sông Hiếu nối phía Đông thành phố Đông Hà với huyện Gio Linh - Ảnh: H.N

Cầu sông Hiếu nối phía Đông thành phố Đông Hà với huyện Gio Linh - Ảnh: H.N

Năm 2010, công trình Cầu sông Hiếu và đường hai đầu cầu được triển khai xây dựng. Ngày khởi công, nhiều người dân ở Phường 3, phường Đông Thanh chưa hình dung rõ công trình này sẽ có diện mạo, kết cấu và công năng sử dụng như thế nào. Đến khi hình hài công trình có tổng mức đầu tư khoảng 588 tỉ đồng với chiều dài trên 5,9 km, trong đó cầu bắc qua sông Hiếu dài 193,15 m, rộng gần 18m dần hoàn thiện thì họ mới hiểu mục tiêu, ý nghĩa của công trình này.

Hơn 8 năm sau, tháng 12/2018, cách cầu sông Hiếu về phía hạ lưu chừng 700 m, công trình đập ngăn mặn sông Hiếu có tổng mức đầu tư 500 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ được Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh Quảng Trị khởi công xây dựng. Với thiết kế lưỡng dụng thủy lợi kết hợp cầu giao thông, công trình có vai trò kiểm soát mặn, ngọt; cấp nước sản xuất cho 1.300 ha đất nông nghiệp và gần 200 ha đất nuôi trồng thủy sản; tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho khoảng 25.000 người, đồng thời là cầu kết nối giao thông hai bên bờ sông Hiếu, tạo điểm nhấn về kiến trúc, không gian đô thị và phát triển du lịch. Đến tháng 6/2021, công trình cơ bản hoàn thành, đưa vào sử dụng. Có thể thấy rằng, đây là một công trình được thiết kế đẹp, có công năng phù hợp với một đô thị trẻ đang mở rộng không gian phát triển.

Khó kể hết niềm vui của người dân đôi bờ sông Hiếu khi hai cây cầu nối tiếp nhau được đầu tư xây dựng đã thu hẹp khoảng cách giữa khu vực trung tâm đô thị với vùng ven. Ông Hồ Văn Thanh, một người dân ở phường Đông Thanh cho biết: “Trước đây, muốn qua bờ Nam sông Hiếu, chúng tôi phải đi quãng đường khá xa nhưng nay chỉ mất mấy phút qua cầu là đến nơi. Đó là chưa kể hệ thống đường sá được mở mang, kết nối liên vùng tạo nhiều thuận lợi cho đời sống của người dân địa phương, rõ nhất là làng đã lên phố khi đất đai tăng giá, rồi nhà tầng kiên cố và kiến trúc đẹp, cơ sở kinh doanh, dịch vụ mọc lên ngày càng nhiều”. Bây giờ, đứng trên cầu sông Hiếu phóng tầm mắt chưa xa đã thấy rõ sự đổi thay của kết cấu hạ tầng, của những khu dân cư, công sở dọc hai bờ sông, thấy rõ không gian đô thị trung tâm tỉnh lỵ đang dần mở ra phía Bắc, phía Đông...

Còn nhớ, cách đây tầm 5 năm, trong câu chuyện với chúng tôi về định hướng phát triển của Đông Hà, Chủ tịch UBND thành phố Đông Hà khi đó là ông Nguyễn Chiến Thắng (bây giờ là Bí thư Thành ủy Đông Hà) rất tâm đắc và đặt nhiều kỳ vọng vào ý tưởng lấy sông Hiếu làm trục trung tâm phát triển của đô thị trung tâm tỉnh lỵ. Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Đông Hà đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã khẳng định điều này.

Qua đó, vị trí và giá trị lịch sử, văn hóa của sông Hiếu được đánh thức, sông Hiếu sẽ gánh trên vai sứ mệnh mới là làm trục trung tâm phát triển của thành phố và đảm đương vai trò bản lề trong chuyển nối không gian kiến trúc, bố trí dân cư giữa hai bờ Bắc - Nam. Sông Hiếu chảy trong lòng thành phố sẽ là điểm nhấn cơ bản để Đông Hà cân đối, hài hòa hơn và có cảnh quan thiên nhiên thơ mộng. Để từng bước hiện thực hóa ý tưởng này, nhiều việc cấp bách được tỉnh và thành phố triển khai. Trong đó, ưu tiên bố trí các nguồn lực để đầu tư xây dựng thêm cầu qua sông Hiếu, mở mang các tuyến đường...

 Cầu dây văng sông Hiếu với trụ tháp cao 74 mét mô phỏng hình dáng búp sen đang được xây dựng - Ảnh: H.N

Cầu dây văng sông Hiếu với trụ tháp cao 74 mét mô phỏng hình dáng búp sen đang được xây dựng - Ảnh: H.N

Tháng 4/2020, cầu dây văng sông Hiếu thuộc Dự án phát triển các đô thị dọc Hành lang tiểu vùng sông Mê Kông được triển khai xây dựng. Công trình có tổng chiều dài hơn 300m, kết cấu hệ dây văng, nhịp chính gồm 1 tháp cao 74m và 2 mặt phẳng dây; bề rộng cầu là 23,7m ở vị trí thông thường và 26,9m ở vị trí mở rộng bản mặt cầu để trồng cây xanh... với tổng mức đầu tư hơn 334 tỉ đồng. Nằm ở vị trí giữa cầu Đông Hà và đập ngăn mặn sông Hiếu, cầu dây văng sông Hiếu được kỳ vọng mang lại diện mạo mới và thúc đẩy phát triển không gian đô thị phía Bắc Đông Hà.

Sau mười mấy tháng thi công trong điều kiện gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, đến nay cầu dây văng sông Hiếu đã dần rõ hình hài. Cùng với đó, dự án đường hai đầu cầu giai đoạn 1 với tổng chiều dài 1.148 m, trong đó đường đầu cầu phía Nam dài 910 m có điểm đầu giao nhau với đường Trần Hưng Đạo, điểm cuối giao với đường Bà Triệu; đường đầu cầu phía Bắc dài 238 m, điểm đầu giao với đường Hoàng Diệu, điểm cuối giao với đường Nguyễn Văn Linh cũng đang được gấp rút chuẩn bị triển khai.

Chủ tịch UBND thành phố Đông Hà Hồ Sỹ Trung cho biết: “Với quy mô đầu tư lớn và thiết kế khoáng đạt, hiện đại, đặc biệt là trụ tháp cao 74 m mô phỏng hình dáng búp sen, cầu dây văng sông Hiếu không chỉ tôn lên vẻ đẹp của sông Hiếu, tạo điểm nhấn cho không gian, kiến trúc đô thị mà còn thúc đẩy phát triển các khu dân cư, khu đô thị, du lịch và dịch vụ ở phía Bắc thành phố Đông Hà. Để mở rộng không gian, dân cư khu vực phía Đông thành phố, nơi quỹ đất còn khá dồi dào và giảm lượng xe tải, xe khách đi qua khu vực trung tâm thành phố cũng như mở mang thêm các tuyến giao thông kết nối với các huyện Triệu Phong, Gio Linh để tạo động lực thúc đẩy Đông Hà phát triển, cầu Đại Lộc, cầu Sông Hiếu thuộc dự án đường tránh phía Đông thành phố đã được đầu tư xây dựng. Nói đến những đổi thay của đô thị trung tâm tỉnh lỵ trong những năm gần đây không thể không nhắc đến dấu ấn của những cây cầu”.

 Đập ngăn mặn kết hợp cầu sông Hiếu được đưa vào sử dụng vào tháng 6/2021 - Ảnh: H.N

Đập ngăn mặn kết hợp cầu sông Hiếu được đưa vào sử dụng vào tháng 6/2021 - Ảnh: H.N

Đông Hà cần bao nhiêu cây cầu bắc qua những con sông chảy trong lòng, chảy bao quanh thành phố? Sẽ khó trả lời cho câu hỏi này bởi quá trình phát triển của các đô thị thường diễn ra nhanh chóng và phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhất là tầm nhìn và tư duy phát triển rồi công tác quy hoạch, quy mô dân số...

Đơn cử như ở Đà Nẵng ban đầu chỉ có cầu Nguyễn Văn Trỗi nối bờ Tây với bờ Đông sông Hàn. Để mở rộng không gian phát triển, tạo điểm nhấn cho kiến trúc đô thị, đến nay thành phố đã xây dựng thêm cầu Trần Thị Lý, cầu quay sông Hàn, cầu Rồng, cầu dây võng Thuận Phước rồi cầu Tuyên Sơn. Đà Nẵng bứt phá đi lên, hướng mạnh về phía biển như ngày hôm nay ghi đậm dấu ấn của những cây cầu.

Đông Hà đang nỗ lực vươn tới từng ngày để trở thành đô thị loại II, để đảm đương tốt hơn vai trò trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học của tỉnh. Cùng với bộn bề công việc khác, cả trước mắt và lâu dài, Đông Hà cần đầu tư xây dựng thêm nhiều cầu qua sông Hiếu, sông Thạch Hãn và cả sông Vĩnh Phước để mở mang không gian, đảm bảo cho sự phát triển hài hòa giữa các khu vực trong đô thị, tạo sự liên kết và mở hướng phát triển.

Huy Nam

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=164713&title=nhung-cay-cau-mo-huong-phat-trien