Những chiêu trò của các cơ sở thẩm mỹ 'dỏm' lừa khách hàng và đối phó cơ quan chức năng
Các cơ sở thẩm mỹ 'chui' thường có chung đặc điểm ngoài biển hiệu hay sử dụng tiếng Anh hoặc tiếng Hàn với các tên như viện thẩm mỹ, thẩm mỹ viện, hopital, clinic... còn bên trong thì treo nhiều giấy chứng nhận, khen thưởng trong và ngoài nước.
Thông tin trên được bác sĩ Nguyễn Nguyệt Cầu, Trưởng Phòng y tế Quận 1 (TP Hồ Chí Minh) cho biết tại Lễ phát động chiến dịch cao điểm về kiểm tra, xử lý, giám sát cơ sở hoạt động không phép và sai phép trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa thẩm mỹ trên địa bàn Quận 1 do UBND Quận 1 tổ chức vào ngày 31/10.
Theo bác sĩ Nguyễn Nguyệt Cầu, trên địa bàn Quận 1 có 8 bệnh viện chuyên về thẩm mỹ và khoảng 25 phòng khám thẩm mỹ, 30 phòng khám chuyên khoa da liễu được cấp phép hoạt động. Các cơ sở này đều có biển hiệu ghi rõ bằng tiếng Việt như “phòng khám", "bệnh viện” và hoạt theo đúng quy định.
Tuy nhiên, trong thời gian qua xuất hiện các cơ sở spa, phun xăm, chăm sóc da lén lút thực hiện các dịch vụ xâm lấn như tiêm filler, hút mỡ và đã gây ra các tai biến cho khách hàng. Các cơ sở này hoạt động rất tinh vi khiến người dân rất khó nhận biết.
"Các cơ sở hoạt động trái phép thường lấy những tên như viện thẩm mỹ, thẩm mỹ viện, hospital, linic…; quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội, giảm giá “sốc”; bác sĩ tự xưng hoặc không phép, thậm chí có trường hợp chỉ mới học hết lớp 8 nhưng xưng là bác sĩ rồi khám, tư vấn, chỉ định xét nghiệm cho khách hàng. Điều này rất nguy hiểm”, bác sĩ Cầu nói.
Trưởng phòng y tế Quận 1 cũng cho biết, một vấn đề lớn là sau khi bị các cơ quan chức năng xử phạt thì các cơ sở này lại thay đổi tên, hình thức đăng ký kinh doanh nhưng thực chất bên trong vẫn hoạt động theo hình thức cũ, người cũ. Khi đoàn đến kiểm tra thì không có chủ cơ sở, còn nhân viên tại đây thì trả lời “mới đi làm được 1 - 2 ngày”…
Theo bác sĩ Nguyễn Nguyệt Cầu, một số “điểm đen” về lĩnh vực làm đẹp trên địa bàn Quận 1 là: 59 Nguyễn Hữu Cầu, 78 Nguyễn Văn Thủ, 104 Nam Kỳ Khởi Nghĩa… Đây là những cơ sở liên tục thay đổi tên nhưng vẫn hoạt động như trước. Chẳng hạn như tại số 59 Nguyễn Hữu Cầu đã bỏ chữ “Hopital” trên biển hiệu thay vào đó là tên Hàn Quốc.
“Đối phó với những cơ sở hoạt động không phép là sự đấu tranh xem ai kiên trì hơn. Những cơ sở này kiên trì đổi tên, kiên trì thay đổi địa điểm thì chúng tôi cũng kiên trì kiểm tra thường xuyên cho đến khi các cơ sở này giải thể”, bác sĩ Cầu chia sẻ.
Ông Hồ Văn Hân, Chánh Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, trong quý 3, Sở Y tế đã kiểm tra 148 vụ việc; trong đó có 47% là hành nghề không phép với nhiều hình thức núp bóng của các cơ sở như spa, massage, hớt tóc, gội đầu…
Sự lập lờ này khiến người dân và cả cơ quan quản lý nhiều khi cũng không kiểm soát hết được. Ngoài ra, các cơ sở cố tình dùng tên trong giấy đăng ký kinh doanh để đưa vào tên biển hiệu, dù không được cấp giấy phép khám, chữa bệnh.
Bà Mai Thị Hồng Hoa, Phó Chủ tịch UBND Quận 1 cho biết, nhằm bảo vệ người dân khỏi những rủi ro tiềm ẩn có thể gây tai biến, UBND Quận 1 phát động chiến dịch cao điểm tập trung công tác kiểm tra, giám sát, ngăn chặn các hoạt động khám, chữa bệnh trái phép; đặc biệt sẽ xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức cố tình vi phạm hoặc tái vi phạm trong lĩnh vực này theo quy định của pháp luật.
Theo đó, chiến dịch trên sẽ diễn ra từ nay cho đến cuối tháng 12/2024.