Những công nhân đam mê sáng tạo

Với lòng yêu nghề, tinh thần chủ động học hỏi, nhiều công nhân lao động đã không ngừng rèn luyện tay nghề, tích cực nghiên cứu để đưa ra những sáng kiến, sáng tạo, khắc phục các điểm tồn tại trong công việc nhằm tăng năng suất lao động, đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp. Đồng thời, người lao động khi được tạo điều kiện đã giúp bản thân họ thêm tin tưởng, gắn bó hơn với doanh nghiệp và quan trọng hơn là tạo thêm thu nhập.

Mỗi công nhân một sáng kiến

Trò chuyện với những công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn Thủ đô, chúng tôi nhận thấy ở họ có sự nhiệt huyết với công việc. Dù hàng ngày làm việc tại các xưởng sản xuất tuy mệt mỏi nhưng họ vẫn yêu nghề, biến khó khăn thành niềm vui, thành động lực, niềm tin để cố gắng. Tình yêu, niềm say mê với công việc giúp họ đưa ra nhiều sáng kiến mới mẻ.

Tiêu biểu như sáng kiến “Cải tiến phương pháp sản xuất” của công nhân Đàm Ngọc Hoàn, Công ty TNHH Canon Việt Nam, trước cải tiến, bộ phận lắp ráp chỉ có thể xây dựng 27 dây chuyền sản xuất với diện tích 2.3m x 33m, sau cải tiến đã cắt giảm diện tích dây chuyền từ 2.3m x 33m xuống còn 2m x 33m từ đó có diện tích xây dựng thêm 3 dây chuyền sản xuất và sáng kiến này đã làm lợi cho Công ty hơn 411 tỷ đồng.

Bày tỏ sự nỗ lực học hỏi, vươn lên sáng tạo trong công việc, công nhân Đàm Ngọc Hoàn cho hay: “Làm việc ở Công ty được 16 năm, điều để lại ấn tượng nhất đối với tôi đó là chương trình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực của Công ty. Bản thân tôi qua những năm làm việc ở đây đã được trải qua rất nhiều các khóa đào tạo như đào tạo đổi mới sản xuất cơ bản, đổi mới sản xuất năng cao, đào tạo làm việc nhóm… Điều quan trọng sau mỗi khóa học tôi thấy tự tin hơn, tháo gỡ các khó khăn một cách nhanh chóng, hiệu quả công việc cao hơn.

Công nhân Công ty TNHH sản xuất phụ tùng Yamaha Motor Việt Nam luôn được tạo điều kiện để phát huy sáng kiến, sáng tạo (Ảnh: Nguyễn Hoa)

Công nhân Công ty TNHH sản xuất phụ tùng Yamaha Motor Việt Nam luôn được tạo điều kiện để phát huy sáng kiến, sáng tạo (Ảnh: Nguyễn Hoa)

Quá trình học tập, phát triển kỹ năng của bản thân là một quá trình rất dài, không ngừng nghỉ, tôi luôn tâm niệm mỗi ngày dành ra thêm một phần nỗ lực, một chút kiên trì thì tất cả những khó khăn chúng ta gặp phải đều có thể giải quyết. Trong hoạt động sản xuất của chúng tôi, điều đầu tiên và quan trọng nhất là không chấp nhận những thực trạng hiện có, không ngừng nỗ lực cố gắng, không ngại khó khăn, thất bại, dám nghĩ, dám làm. Tôi luôn đặt câu hỏi cho bản thân “tại sao không phải là những cái tốt hơn”; “để có cái tốt hơn đó chúng ta phải làm những gì” có như vậy mới giúp đem lại hiệu quả cao trong công việc”.

Hay như anh Đoàn Văn Tiến, Công ty TNHH sản xuất phụ tùng Yamaha Motor Việt Nam, có đề án đạt giải Nhất tại công ty, được chọn tham gia đề án Kaizen Karakuri giải Nhất toàn tập đoàn Yamaha tổ chức tại Nhật Bản. Tương tự anh Lê Văn Giáp, 14 năm làm việc tại Công ty TNHH SWCC Showa Việt Nam, là từng đó thời gian anh luôn nỗ lực tìm ra sự khác biệt, hiệu quả trong công việc.

Ban đầu đảm nhiệm vai trò là công nhân sản xuất sau được Ban Giám đốc Công ty tin tưởng giao nhiệm vụ làm Quản lý xưởng sản xuất, ở vị trí nào anh cũng luôn làm tốt công việc. Anh Giáp cho biết, để có thể đáp ứng được yêu cầu công việc chuyên môn, anh luôn tự giác trong công việc và nỗ lực, cố gắng hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh đó, anh luôn chủ động, tích cực tìm tòi, học hỏi, phát huy sáng kiến sáng tạo, cải tiến kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Qua thời gian nghiên cứu, anh đưa ra sáng kiến “Cải tiến phương pháp phun cao su” đã làm lợi cho công ty gần 3 tỷ đồng/năm, đến nay sáng kiến đó của anh vẫn đang được áp dụng tại xưởng sản xuất của Công ty.

Chia sẻ về sáng kiến của bản thân, anh Giáp cho biết từ thực tiễn công việc, nhận thấy nguyên vật liệu đang bị lãng phí, hiệu quả sản xuất không đạt theo yêu cầu đã thôi thúc anh cần tìm ra sự thay đổi. Tìm tòi, nghiên cứu, anh nhận thấy việc cải tiến phương pháp phun cao su trong quá trình sản xuất là rất cần thiết, góp phần tránh lãng phí cho Công ty. Từ đó, anh đã đề xuất ý tưởng với ban lãnh đạo Công ty, sau khi được sự đồng ý, anh bắt tay vào triển khai việc thay đổi kết cấu đường ống nạp cao su để lượng cao su vào sản phẩm ổn định nhất. Nhờ vậy, đã giảm được tối đa nguồn nguyên vật liệu đầu vào và tăng sản lượng sản xuất.

Doanh nghiệp tạo đà cho công nhân phát huy sáng kiến

Để những sáng kiến của công nhân lao động được áp dụng rộng trong hoạt động sản xuất của Công ty là nhờ sự gắn kết, tạo điều kiện của ban lãnh đạo. Bởi ngoài hoạt động kinh doanh nhiều doanh nghiệp cũng chú trọng đến môi trường làm việc. Bên cạnh chính sách chăm lo cho người lao động, doanh nghiệp luôn đưa ra các phong trào thi đua trong đó có phong trào sáng kiến, sáng tạo. Từ những phong trào đó, nhiều doanh nghiệp đã phát hiện ra những “nhân tài” để rèn luyện, tiếp tục vun đắp các ý tưởng đem lại nhiều lợi ích hơn nữa cho hoạt động kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp.

Đồng thời khơi dậy tinh thần lao động sáng tạo, ý thức trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm trong mỗi công nhân lao động góp phần quan trọng tăng năng suất lao động, giảm hàng lỗi hàng hỏng, cải tiến mẫu mã, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh và sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Như trường hợp của anh Lê Văn Giáp, anh luôn hài lòng khi làm việc trong Công ty bởi ban lãnh đạo, Công đoàn luôn ghi nhận những băn khoăn, những tâm tư, nguyện vọng của người lao động, từ đó anh luôn mạnh dạn đề xuất những sáng kiến đổi mới. Đặc biệt Công ty anh luôn có nhiều hoạt động phong trào sôi nổi đó cũng là “bệ phóng” giúp anh phát huy những năng lực của bản thân.

Chia sẻ rõ hơn về sự hỗ trợ của Công ty giúp người lao động thoải mái đưa ra các ý tưởng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH SWCC Showa Việt Nam Nguyễn Minh Sơn cho biết Công đoàn Công ty luôn chủ động phối hợp chặt chẽ với bộ phận chuyên môn, với ban lãnh đạo Công ty xây dựng kế hoạch cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế của doanh nghiệp để tổ chức có hiệu quả các phong trào sáng kiến, sáng tạo tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.

Đánh giá về những hiệu quả mà các sáng kiến của công nhân đem lại, ông Nguyễn Minh Sơn cho hay: “Phong trào sáng kiến, sáng tạo được chúng tôi phát động liên tục, đó là hoạt động thi đua hàng tháng tại các phòng, ban, phân xưởng sản xuất. Ở các vị trí làm việc đều có hòm phiếu đề án cải tiến, khi công nhân có ý tưởng, họ sẽ viết ý kiến vào phiếu và đều được Công ty thu thập, tổng hợp.

Công ty thành lập Ban đánh giá cải tiến, những ý kiến nào hiệu quả sẽ được Công ty tạo điều kiện, hỗ trợ về mặt kỹ thuật giúp họ triển khai những ý tưởng cải tiến đó. Qua những ý tưởng của người lao động giúp Công ty sàng lọc được những lãng phí không cần thiết giúp tiết kiệm chi phí, trong đó có nhiều ý tưởng nâng hiệu quả, tăng giá trị lợi nhuận trong sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp”.

Nguyễn Hoa

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nhung-cong-nhan-dam-me-sang-tao-108065.html