Những cuộc phiêu lưu trong kinh doanh

Bill Gates đã nói rằng: những năm 90, khi ông hỏi Warren Buffet về cuốn sách Warren yêu thích nhất. Không mất đến nửa giây, ông ấy đã trả lời đó là cuốn: 'Những cuộc phiêu lưu trong kinh doanh' của John Brooks. Và mấy chục năm sau, đó vẫn là cuốn sách mà Bill Gates tâm đắc nhận định là cuốn sách quản trị kinh doanh hay nhất từng đọc.

Đời sống kinh doanh luôn phức tạp. Những câu chuyện còn nguyên tính thời sự luôn hé mở một điều: một doanh nghiệp vững mạnh không phải ở sản phẩm chất lượng, kế hoạch sản xuất và truyền thông xuất sắc mà chính là sở hữu những người phù hợp để chỉ đạo và thực hiện những kế hoạch đó.

Đó là câu chuyện của chứng khoán với chu kỳ lên xuống khó lường, duy chỉ có một điều có thể đoán trước là chắc chắn chúng sẽ lên và xuống! Đúng như lời thấm thía của những người ở phố Wall: thật ngớ ngẩn khi nghĩ rằng anh có thể rời khỏi sàn chứng khoán một khi anh đã được nếm vị ngọt ngào của nó.

Hay là câu chuyện số phận của Edsel là một trường hợp điển hình về sai sản phẩm, sai thị trường, sai thời điểm dẫn đến cú ngã của công ty xe hơi khổng lồ.

Điểm nổi bật của tác giả đó là sở hữu tư liệu thông tin dồi dào và những phân tích báo cáo tài chính sắc sảo.

Sắc sảo trong các báo cáo tài chính, song cũng đầy trăn trở khi tìm hiểu về vấn đề giao tiếp của chính ngành công nghiệp Mỹ. Theo lý giải đến tận cùng của tác giả, một điều tưởng như nghịch lý luôn làm rối trí các tổ chức có hết nghiên cứu này đến nghiên cứu khác về truyền đạt thông tin. Câu hỏi: tại sao các cá nhân và tổ chức luôn không thể diễn đạt sao cho người khác hiểu được và vì sao người nghe lại không lĩnh hội được những gì họ nghe?, vẫn là câu hỏi mở đau đầu. Điều này luôn đúng không chỉ trong lĩnh vực tài chính mà còn nhiều lĩnh vực khác - bi kịch “truyền” nhưng “không thông” trong nội bộ đơn vị, tổ chức.

Lấy ví dụ về việc truyền thông thất bại của đơn vị công nghiệp thiết bị điện những năm 1957, 1958, tác giả dẫn ý kiến của một thượng nghị sĩ buồn bã nhận xét: anh có thể truyền đạt điều mình muốn đến tận lúc anh đi vào cõi vĩnh hằng, nhưng nếu điều anh đang muốn truyền đạt - cho dù đó là luật, lại gây ấn tượng cho người nghe như là bịa... thì sẽ chẳng bao giờ thuyết phục được họ.

Hoặc tìm hiểu những vụ thao túng thị trường những năm 1958 liên quan đến các nhà sản xuất gỗ ở Mỹ; tác giả đã có kết luận chua xót. Chân lý tàn nhẫn của phố Wall: “người nào bán cái gì không phải của mình thì phải mua lại nó hoặc là vào tù”. Nếu không bị trói buộc, bán khống là nước cờ đầu tiên trong trò chơi thao túng. Trò chơi bắt đầu khi một nhóm những người đầu cơ hạ giá tham gia một vụ bán khống có tổ chức, và tiếp tục cuộc chơi bằng cách lan truyền tin đồn rằng công ty phát hành cổ phiếu đó sắp phá sản. Mọi người hãy bình tâm nhìn lại những năm vừa qua khi nhà nước Việt Nam làm trong sạch thị trường chứng khoán đã vấp phải rất nhiều trường hợp như vậy.

Dưới góc độ của một nhà báo, nhà nghiên cứu phân tích thị trường tài chính, tác giả không chỉ có một cái nhìn khách quan, bình tĩnh và điềm đạm, hơn cả đã chỉ ra những sắc thái diễn biến của thị trường mật ngọt dễ làm sa lầy bất cứ nhà đầu tư nào. Hãy cảnh giác với lời mời gọi: “đây là cơ hội tuyệt vời nhưng chỉ dành cho một vài người và cơ hội chỉ đến một lần trong đời”. Một cách trách nhiệm nhất, tác giả đặt ra vấn đề: ai cũng tò mò khi muốn tìm hiểu Ủy ban chứng khoán, cơ quan chịu trách nhiệm đảm bảo tất cả các quảng cáo tài chính phải thực tế khách quan, không cảm tính sẽ nói gì và nghĩ gì về những lời quảng cáo thúc giục như ở bên trên?

Ở góc độ nôm na nhất, thị trường tài chính được coi là hàn thử biểu của nền kinh tế. Bản chất của tài chính được thể hiện qua các quan hệ của nền kinh tế. Nền kinh tế yếu hay mạnh thể hiện rất rõ qua sự vận hành, và quản lý của thị trường tài chính.

Đến đây, tôi nghĩ mình đã có thể mạnh dạn nói rằng vì sao Warren Buffet rất yêu thích cuốn sách này, và đã nhắn nhủ Bill Gates về giá trị của cuốn sách đó. Bạn có biết các quyết định thông minh và sáng suốt nhất của Warren Buffet khi đầu tư hoàn toàn nằm vào khoảng thời gian ông đọc sách trong ngày. Có người đã hỏi ông vì sao các quyết định đầu tư của ông thường mang đến lợi nhuận, ông thường im lặng hoặc mỉm cười nói rằng vì bản thân luôn đọc sách.

Những diễn biến từ thị trường chứng khoán những năm 60 của thế kỷ trước, những vụ thao túng nổi tiếng, những vụ tái cơ cấu thất bại hay nỗ lực cứu vãn đồng bảng Anh, tác giả John Brooks viết một cách đầy đủ thông tin như thể ông đang có mặt ở từng sự kiện đó. Phong cách tưng tửng, nhẹ nhàng, tưởng lạnh mà rất đằm sâu, ngẫm đến cùng hiểu cặn kẽ từng chân tơ kẽ tóc của thị trường tài chính, như muốn nói cùng độc giả: tài chính là vậy, đời sống kinh doanh là vậy, lên - xuống rồi lại xuống - lên, thế mới là cuộc phiêu lưu. Hãy hình dung mỗi trận chiến của mỗi doanh nhân như một chuyến vươn khơi, ắt có gió, có bão, có thử thách, có chiến thắng và thất bại, song luôn là cuộc chiến đấu bất tận, xứng đáng để thử thách và trải nghiệm.

Nguyễn Hường (CTV)

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/nhung-cuoc-phieu-luu-trong-kinh-doanh-33453.htm